Bạn mong muốn sếp nói về bạn như một người nhân viên xuất sắc, bạn cần một chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân phù hợp. Để xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả là điều không khó, tuy nhiên bạn cần có một chiến lược đúng đắn để (có được kết quả như mong muốn). 3 bước sau đây sẽ giúp bạn khái quát được kế hoạch của mình.
Hiểu rõ “Bạn là ai”
“Bạn là ai?” ở đây không chỉ đơn thuần nói đến kỹ năng chuyên môn, tính cách, đam mê hay sở thích của mình, mà nó còn được hiểu rộng hơn là bạn được người khác đánh giá như thế nào trong các mối quan hệ xã hội: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và khách hàng nói gì về bạn. Một trong những cách khéo léo để biết mọi người nghĩ gì về bạn chính là lắng nghe cách họ giới thiệu bạn với những người khác. Đó là lời phản ánh cụ thể nhất về những điểm nổi bật và giá trị của bạn trong cách suy nghĩ và nhìn nhận của họ.
Tạo thương hiệu và xây dựng vùng ảnh hưởng
Hãy lấy một cái tên hiệu thật ấn tượng, không bị trùng lắp trong thị trường, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố ngắn gọn và dễ nhớ (có thể là tên thật hoặc một nickname của bạn). Sau đó hãy kiểm chứng bằng cách Google tên hiệu của bạn xem có trùng với ai khác không. Nếu cần thiết có thể thay đổi tên hiệu thành một cái tên bất kì mà mình yêu thích, miễn là cái tên này phải thể hiện được con người bạn. Song song đó, một slogan sáng tạo thể hiện chính xác các giá trị của bạn là cách khôn khéo khiến mọi người hiểu rõ và nhớ đến bạn nhiều hơn.
Để xây dựng được vùng ảnh hưởng lớn, trước hết bạn cần thiết lập các kênh mạng xã hội đang được nhiều người quan tâm và sử dụng, ví dụ như blog, Facebook, Youtube. Từ những mối quan hệ có sẵn, như bạn bè, đồng nghiệp, bạn hãy mở rộng vùng ảnh hưởng của mình sang những kết nối bạn bè của các mối quan hệ đó. Như vậy bạn sẽ có nhiều điểm chung với họ và xây dựng các mối quan hệ mới một cách dễ dàng hơn.
Xây dựng nội dung, tương tác và lắng nghe
Để xây dựng tốt các mối quan hệ, bạn rất cần tập trung vào nội dung chia sẻ. Chỉ khi bạn nói đến những chủ đề họ quan tâm và hướng đến những lợi ích cụ thể thì mới giữ được sự hứng thú lắng nghe của họ. Để làm được điều đó, bạn phải hiểu rõ tính chất công việc của những người bạn muốn chia sẻ là gì, yếu tố nào khiến họ ra quyết định và sau đó xây dựng nội dung và lấy ví dụ, dẫn chứng liên quan.
Tăng tính tương tác thông qua đẩy mạnh các cuộc đối thoại hay bình luận ở các chủ đề tương tự. Đồng thời cũng nên lắng nghe những lời góp ý để chỉnh sửa và phát triển nội dung ngày càng phù hợp và hiệu quả hơn.
– HR Insider –
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.