Mỗi công ty có những văn hóa làm việc khác nhau. Một nhân viên mới vào công ty có thể sẽ gặp phải những điều chưa hiểu rõ ràng, họ còn bỡ ngỡ với những nhân viên cũ làm ở đây. Thông thường, mọi người đều chọn tìm hiểu về công ty, môi trường hay văn hóa công ty thông qua những giờ nghỉ nho nhỏ. Và, “watercooler chat” là khoảng thời gian hợp lý cho những cuộc trò chuyện tìm hiểu này.
“Watercooler chat” là gì?
Đầu tiên, để hiểu rõ công dụng của chiếc bảo bối này, bạn cần hiểu watercooler chat là gì?. Ta có thể hiểu “watercooler chat” là hai từ tiếng anh ghép lại, trong đó “watercooler” là một loại máy làm mát và cung cấp nước uống, là loại máy thường được để ở văn phòng làm việc hoặc những nơi công cộng khác. “Chat” là nói chuyện thân thiện với ai đó.
Do đó, “watercooler chat” là cuộc trò chuyện ngắn, ngẫu hứng của các nhân viên văn phòng ở những nơi như khu vực uống nước, pha cafe, ăn uống… – những nơi không quá hình thức, nghiêm túc.
Thuật ngữ này vốn xuất phát từ nét văn hóa công sở của người Mỹ. Nhân viên văn phòng thường ra cây lấy nước và nếu thấy một người đồng nghiệp khác đang đứng đó thì họ sẽ chủ động bắt chuyện. Sau đó, cây lấy nước này dần dần trở thành điểm tụ tập, tán gẫu của dân văn phòng trong những khoảng nghỉ ngơi ngắn. Sau này, khi máy pha cà phê trở nên phổ biến hơn, nó lại thay thế cây lấy nước là nơi tụ tập trò chuyện. Tuy nhiên, từ “watercooler chat” vẫn được sử dụng phổ biến cho các buổi trò chuyện giữa giờ hay trong cả ngữ cảnh làm việc online.
“Watercooler chat” vốn bị coi là việc lãng phí thời gian của dân công sở, gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của nhân viên trong công ty. Nhiều người quản lý còn đặt ra quy tắc thời gian nghỉ giải lao của nhân viên hoặc chia nó thành những khung giờ ngắn để nhân viên không thể trò chuyện quá lâu.
Tuy nhiên trên thực tế, “watercooler chat” lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. và những cuộc trò chuyện ngắn ngủi giúp tạo ra môi trường làm việc thoải mái, giúp nhân viên tạm rời khỏi những suy nghĩ rối bời trong công việc để cùng trò chuyện và kết nối lại với những người đồng nghiệp trong công ty.
“Watercooler chat” giúp xây dựng văn hóa công ty
Hiện nay, người lao động rất quan tâm tới văn hóa công ty hay môi trường làm việc mà mình sẽ cống hiến ở đó. Văn hóa công ty tốt là điểm mạnh để thu hút nhân viên và điều này cũng quyết định sự hiệu quả trong việc giao tiếp giữa các nhân viên. Đó còn là kim chỉ nam đưa tập thể công ty hay cụ thể là một nhóm người lao động đi theo cùng một chí hướng, một lợi ích lớn. Đối với một số người, văn hoá công ty còn tác động đến động lực làm việc, tăng lương.
Không có một văn hóa công ty nào có thể phát triển mà thiếu đi sự tham gia của chính nhân viên công ty đó. Để tạo nên môi trường làm việc thoải mái, “watercooler chat” được khuyến khích đưa vào văn hóa công ty. Bằng cách này, công ty có thể cổ vũ các nhân viên sử dụng thời gian để học tập, làm việc và phát triển một cách hiệu quả. Điều này sẽ giúp nhân viên cảm thấy họ được giúp đỡ và có quyền tự chủ trong công việc. Dù nhiều công ty cố tình cắt giảm thời gian nghỉ giữa giờ này như thế nào, thì văn hóa “watercooler chat” vẫn âm thầm được duy trì và gắn kết lại mọi người với nhau.
“Watercooler chat” giúp mọi người thoát ra khỏi vỏ ốc chính mình
Hội chứng ám ảnh sợ xã hội là điều có thật ở nơi làm việc. Những người mắc hội chứng này thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp và cởi mở với người khác. Điều này gây ra những trở ngại trong giao tiếp dẫn tới việc họ có thể bỏ lỡ những cuộc hẹn hay họ cũng dễ bị xao nhãng khó tập trung vào cuộc đối thoại với người đối diện.
Mặc dù khó có thể thay đổi được tính cách cố hữu của một người nhưng việc việc trò chuyện ở thời gian nghỉ giữa giờ như tea break, coffee break hay “watercooler chat” sẽ tạo nên sự thúc đẩy giúp họ có thể thoát ra khỏi vỏ bọc của mình và chầm chậm tiến vào cuộc trò chuyện bình thường với đồng nghiệp. Những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng về cuộc sống, sức khỏe với đồng nghiệp sẽ tốt hơn hết là những buổi họp nặng nề hay những buổi ăn uống đi chơi của phòng ban. Đây có thể là một hướng đi đúng đối với những người thích hoạt động trong góc riêng của họ.
“Watercooler chat” giúp gắn kết và cải thiện sự gắn bó của nhân viên
Đa phần mọi người lựa chọn rời bỏ công ty khi họ cảm thấy không còn thoải mái ở nơi họ làm việc. Doanh nghiệp sẽ phải tốn thời gian và chi phí cho việc tìm kiếm nhân viên và đào tạo nhân sự. Để đảm bảo điều đó không xảy ra thường xuyên, các doanh nghiệp luôn cố gắng tạo ra môi trường làm việc hiệu quả và nhân viên cảm thấy vui vẻ bằng cách đưa các thời gian nghỉ giữa giờ vào thời gian làm việc. Tuy trò chuyện chỉ là việc nhỏ nhưng lại có tác dụng to lớn giúp nhân viên cảm thấy thoải mái ở chính nơi làm việc của họ.
Bên cạnh đó, để các nhân viên gắn kết nhau trong một dự án, cần phải có sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Cách tốt nhất để tạo nên sự tin tưởng này là các cuộc trò chuyện nho nhỏ không mang hình thức, cho phép các nhân viên tương tác với nhau trong thời gian nghỉ ngơi và thảo luận các chủ đề không liên quan tới công việc. Điều này có thể giúp tăng cường mối quan hệ giữa các nhân viên với nhau, đảm bảo họ cảm thấy thoải mái hợp tác cùng nhau cho các dự án chung.
Đặc biệt hơn, những nhân viên phải làm việc từ xa phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc giao tiếp với đồng nghiệp. Họ mất nhiều thời gian để làm quen với đồng nghiệp mới. Vậy nên, “watercooler chat” online sẽ là giải pháp hợp lý và hiệu quả nhất cho vấn đề này. Việc trò chuyện bằng mạng xã hội cũng giúp cho chúng ta chia sẻ được nhiều thông tin về nhau nhiều hơn và càng có thêm nhiều nội dung trò chuyện.
Watercooler chat giúp nhân viên gần gũi với ban lãnh đạo
Do sự e ngại và do dự của nhân viên đối với cấp quản lý nên đôi khi nhân viên sẽ hiếm khi dám chia sẻ những suy nghĩ của mình, dẫn tới việc gây ảnh hưởng ít nhiều trong công việc. Các buổi “watercooler chat” này sẽ giúp nhân viên cảm thấy thoải mái và cởi mở hơn trong việc trò chuyện về các vấn đề chuyên môn.
Ngoài ra, “watercooler chat” còn sẽ giúp nhân viên giảm bớt sự căng thẳng khi làm việc. Trong khi các doanh nghiệp luôn đau đầu trong việc tìm cách cải thiện năng suất lao động, thì các buổi trò chuyện giữa giờ này đem lại hiệu quả không tưởng. Người lao động cần tìm người trò chuyện với họ để giảm bớt căng thẳng và họ rời khỏi bàn làm việc để tìm kiếm điều đó. Khi họ quay lại, họ sẽ có một tư duy mới mẻ và trở nên năng suất hơn. Thậm chí việc trò chuyện cũng giúp họ có thêm ý tưởng giải quyết vấn đề đang gặp.
Xem thêm: Top kỹ năng “must-have” để tồn tại trong năm 2023 đầy biến động
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.