Một số tên tuổi như tập đoàn tư vấn Deloitte, công ty bảo hiểm toàn cầu Cigna và tập đoàn điện tử GE đã không còn đánh giá nhân viên theo thang điểm từ 1 đến 5.
Nhiều chuyên viên nhân sự cho rằng ý tưởng loại bỏ thang điểm đánh giá nhân viên là bất hợp lý vì công ty sẽ không thể đo lường và định lượng hóa hiệu quả của nhân viên. Tuy nhiên, thực tế một số công ty đã áp dụng và phương pháp này chứng tỏ mang lại nhiều lợi ích hơn mong đợi.
Theo báo cáo của Học viện lãnh đạo NeuroLeadership Institute ở Mỹ, tính đến đầu năm 2015, có hơn 30 tập đoàn và công ty quyết định thay đổi phương pháp đánh giá. Loại bỏ hoàn toàn thang điểm hay những con số, thay vào đó, các công ty nhấn mạnh cách đánh giá thông qua đối thoại giữa lãnh đạo và nhân viên.
Cũng theo báo cáo, có 4 lợi ích cũng là lý do vì sao các công ty áp dụng chính sách này.
- Công việc thay đổi liên tục
Môi trường kinh doanh thay đổi không ngừng đòi hỏi nhân viên linh hoạt trong khi hệ thống quản lý hiệu quả theo con số không tính đến điều này. Cách đặt mục tiêu trong 12 tháng dường như không còn phù hợp, thay vào đó, một số nhân viên cần đặt mục tiêu theo tháng, thậm chí tuần. Rất ít lãnh đạo biết chính xác hiệu quả làm việc của mỗi nhân viên khi họ phải tham gia vào nhiều việc khác nhau mà đôi khi người lãnh đạo không thấy hoặc không hiểu. Cách đánh giá theo tiêu chuẩn theo kiểu một năm 1 lần dường như không còn phù hợp với cách chúng ta làm việc nữa.
- Tăng cường tinh thần hợp tác
Hệ thống đánh giá theo thang điểm có thể làm giảm tinh thần hợp tác hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhân viên. Nhân viên có xu hướng cạnh tranh lẫn nhau để giành được điểm đánh giá cao nhất vì những tưởng thưởng. Không phải như trong trường học, tất cả mọi người đều đạt được điểm A nếu làm tốt. Nếu trong đội của bạn có 10 người thì không thể tất cả mọi người trong team đều được đánh giá tốt nhất mặc dù có thể tất cả đều làm tốt. Khi Microsoft loại bỏ đánh giá theo thang điểm, tinh thần và mức độ hợp tác và hỗ trợ giữa các nhân viên tăng vượt bậc.
- Thu hút và giữ chân nhân tài
Với các công ty loại bỏ cách đánh giá theo thang điểm, người lãnh đạo trò chuyện và đối thoại với nhân viên nhiều hơn (3 đến 4 lần trong năm thay vì chỉ 1 lần như cách cũ). Càng trao đổi và giao tiếp nhiều hơn, lãnh đạo càng tăng cường kết nối với nhân viên và hiểu rõ những thế mạnh và điểm yếu của nhân viên để giúp họ phát triển.
- Nhân viên phát triển nhanh hơn
Loại bỏ đánh giá theo thang điểm tạo điều kiện phát triển đối thoại giữa nhân viên và lãnh đạo. Họ có xu hướng thành thật và cởi mở hơn khi chia sẻ tất cả vấn đề. Trong khi cách đánh giá thang điểm khiến nhân viên và lãnh đạo dành phần lớn thời gian tập trung để nói về thang điểm, thì phương pháp không theo thang điểm tạo cơ hội cho họ thảo luận về những cơ hội phát triển nhân viên.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.