Hãy nghĩ theo một cách so sánh thú vị, quá trình tuyển dụng ngày nay tương tự như những ứng dụng hẹn hò nổi tiếng. Các nhà tuyển dụng sẽ vuốt sang trái với những ứng viên không đáp ứng được những yêu cầu bề nổi và họ lựa chọn quẹt phải với những ứng viên đáp ứng được yêu cầu công việc, dĩ nhiên là phải thật tiềm năng. Thế nhưng, không chỉ vuốt sang phải mà sau đó, họ còn phải thực hiện rất nhiều điều chỉ để tìm ra được người phù hợp nhất với mình. Không phải tất cả những ai lựa chọn vuốt sang phải cũng sẽ tìm được “đối tượng hoàn hảo” cho mình. Thế nhưng, trong số lượng đã được chọn lọc này, biết đâu sẽ có những ứng cử viên vừa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, vừa hội tụ những phẩm chất mà bạn đang tìm kiếm.
Bởi vì văn hóa doanh nghiệp được thể hiện qua những gì doanh nghiệp trân trọng. Nếu họ tìm kiếm những giá trị này ở ứng viên và tuyển dụng những người thể hiện được các giá trị này, thì những ứng viên được lựa chọn sẽ phát triển xuất sắc hơn khi bước chân vào hàng ngũ nhân sự của doanh nghiệp.
Dưới đây là 5 trong số những câu hỏi các chuyên gia nhân sự hàng đầu đặt ra để giúp họ thấu hiểu cách các ứng viên nghĩ về bản thân mình, cách họ nghĩ về người khác và cách họ thường nghĩ thông qua các vấn đề.
1. Kể tên ba điểm tiêu cực mà những người thân thiết nhận xét về bạn?
Câu hỏi phỏng vấn đầu tiên này cho phép nhà tuyển dụng biết rất nhiều về sự tự nhận thức cá nhân của ứng viên và giá trị cốt lõi của sự minh bạch. Nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những ứng viên không chỉ hiểu rõ những điều tiêu cực thực sự của họ là gì, mà còn sẵn sàng thừa nhận chúng.
Có một số câu trả lời không thể chấp nhận ở đây. Nhà tuyển dụng thường không cho phép các câu trả lời đại loại như, tôi là một người cầu toàn, hay một người nghiện công việc hoặc những người nêu điểm tích cực nhưng ngụy trang dưới lốt tiêu cực. Khi nhà tuyển dụng nhận được câu trả lời như vậy, họ thường sẽ nhận xét trực tiếp với ứng viên và yêu cầu trả lời lại. Cũng có những lúc nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên thực hiện một cuộc điện thoại với một người thân thiết. Nếu họ không thể tự mình đưa ra 3 điểm tiêu cực, vợ/chồng hoặc thậm chí mẹ của họ thường sẽ là một nguồn thông tin hữu ích!
2. Nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên cộng hai phân số với nhau. Ví dụ: ¾ + ½ =?
Câu hỏi này gợi ra một số câu trả lời xuất sắc nhất. Những gì nhà tuyển dụng đang thực sự tìm kiếm là cái nhìn sâu sắc về cách ứng viên xử lý một câu hỏi hay tình huống bất ngờ. Đây thực sự không nhất thiết phải là một kỹ năng về toán học; nhà tuyển dụng vẫn chấp nhận khi họ chọn lấy điện thoại để sử dụng máy tính hoặc tham khảo Google. Nhà tuyển dụng chỉ đang tìm kiếm xem làm thế nào ứng viên xử lý câu hỏi không dự đoán được này. Liệu họ có hoảng không? Họ có thốt ra rất nhiều câu trả lời sai? Họ có bị đóng băng tạm thời và bế tắc không tìm ra câu trả lời? Họ có bỏ cuộc không? Một trong những giá trị cốt lõi ở đây là sự sáng tạo; Nhà tuyển dụng cần biết những người được chọn liệu có phải là những người tháo vát, có khả năng suy nghĩ vượt trội và nhạy bén hay không.
3. Trên thang điểm từ 1 đến 10, 10 là điểm tuyệt đối để đánh giá vai trò của bạn, bạn sẽ tự đánh giá mình ở đâu? Và điều gì ngăn cách bạn với số 10?
Giống như câu hỏi đầu tiên, câu hỏi phỏng vấn thứ ba này cũng cho nhà tuyển dụng nắm được rằng liệu một ứng cử viên có thể tự nhận thức bản thân mình hay không. Điều này cũng dẫn đến các vấn đề về khả năng phát triển, tham vọng và liệu ứng viên có khao khát trở thành người giỏi nhất hay không. Một trong những giá trị cốt lõi mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên tiềm năng là tinh thần chiến thắng. Do đó, cách ứng viên trả lời câu hỏi này sẽ vô cùng quan trọng đối với nhà tuyển dụng. Mặc dù họ có thể không tự đánh giá mình đạt điểm 10 (không có gì sai khi bạn tự tin một cách khiêm tốn), nhà tuyển dụng vẫn muốn biết tại sao có mức điểm này và ứng viên đang làm gì để đạt được điều đó.
4. Hãy hoàn tất câu nói này: Hầu hết những người tôi gặp đều là người…
Một giá trị cốt lõi khác các nhà nhân sự tìm kiếm ở ứng viên là góc nhìn sâu sắc. Vì vậy, điều quan trọng nhất nhà tuyển dụng có được qua câu hỏi này, đó là cách một ứng viên tiềm năng nhìn nhận những người khác xung quanh mình. Câu trả lời thú vị ở chỗ sẽ không có bất kỳ giới hạn nào và nhà tuyển dụng cũng không dự đoán được bất cứ điều gì. Và đây cũng là một câu trả lời có thể phản ánh được sự tiêu cực ở ứng viên. Nhà tuyển dụng muốn biết các ứng cử viên nghĩ về người khác và coi trọng người khác như thế nào. Do đó, một câu trả lời mơ hồ và gợi mở như thế này sẽ góp phần giải thích điều nhà tuyển dụng cần.
5. Kể tên một người bạn làm việc thân thiết cùng
Câu hỏi phỏng vấn này cũng nhắm vào cách ứng viên nhìn nhận các mối quan hệ một cách sâu sắc. Nếu một ứng viên trả lời câu hỏi này một cách nhanh chóng và có thể trả lời một số câu hỏi tiếp theo, nhà tuyển dụng có thể lượm lặt rằng họ giỏi xây dựng mối quan hệ tại nơi làm việc. Câu trả lời cũng giúp nhà tuyển dụng hiểu liệu ứng viên này này có dễ dàng hòa nhập và gắn kết với mọi người không. Nhà tuyển dụng luôn muốn chọn những người không chỉ tạo ra các sản phẩm hay dịch vụ của công ty, mà còn cả môi trường và văn hóa làm việc.
Phỏng vấn để khám phá ứng viên nào sẽ thành công trong tổ chức của bạn là một phần của quá trình tuyển dụng tốt. Nhiều người sẽ có các kỹ năng và trình độ mà bạn đang tìm kiếm, nhưng chỉ một số ít sẽ phù hợp. Bạn có thể khám phá sự phù hợp trong quá trình phỏng vấn nếu bạn tập trung vào các giá trị của công ty mình, phát triển các câu hỏi cụ thể để khám phá ra các giá trị mới tiềm năng và đánh giá cách ứng viên thể hiện trước bạn.
— HR Insider / Theo Talent Management & HR —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.