Tôi, cũng giống như mọi người, đều thích những cuộc nói chuyện thúc đẩy sự tư duy và mang tính suy ngẫm. Nhưng khi bạn đang cố gắng thể hiện hết mình để trả lời các câu hỏi phỏng vấn, khả năng cao bạn sẽ bị khựng lại vài giây để rồi đưa ra những câu trả lời không hề như ý muốn. Theo đó, để chuẩn bị hành trang tốt nhất cho buổi phỏng vấn tiếp theo của bạn, chúng tôi đã tóm tắt một vài câu hỏi hóc búa mà nhà phỏng vấn rất thích làm khó bạn.
Hãy bỏ túi một vài mẹo trả lời hay ho dưới đây, chắc chắn bạn sẽ học hỏi được một điều gì đó cho kinh nghiệm phỏng vấn của mình đấy!
1. Mọi người hay cho rằng bạn là một người như thế nào, nhưng nó không hề đúng sự thật về bản thân bạn?
Đây được đánh giá là một câu hỏi mang tính “quan sát nội tâm”, dưới đây là một vài câu hỏi tương tự:
- Hãy kể cho tôi nghe một lần trong quá khứ khi bạn đánh giá sai về một vấn đề gì đó. Hậu quả của việc đó là gì?
- Khi nào thì bạn cảm thấy hài lòng nhất trong cuộc sống?
Mục đích của những câu hỏi này là để đánh giá xem bạn tự nhận thức bản thân mình như thế nào, cũng như bạn cởi mở ra sao khi nói về những khuyết điểm hay lỗi lầm mình từng mắc phải. Bạn nên có thái độ sẵn sàng chia sẻ về những trải nghiệm chân thật của mình, và biết cách biến những trải nghiệm tiêu cực thành tích cực. Ví dụ, việc đánh giá sai tình huống, theo cách nào đó, cuối cùng đã có thể giúp bạn trở thành một nhân viên có trách nhiệm hơn.
2. Có công việc nào mà bạn không thích làm không?
Tương tự như các loại câu hỏi “quan sát nội tâm” khác, kiểu câu hỏi này cũng có một đặc điểm riêng biệt: Thông qua đó, nhà phỏng vấn sẽ biết thêm về phong cách làm việc của bạn. Bạn có phải là người thích làm việc độc lập? Là người chuộng làm việc nhóm? Hay, bạn có nhận thức được đâu là phần việc mình làm tốt nhất? Bởi vì suy cho cùng, nhà tuyển dụng muốn tìm ra ứng viên nào biết cách yêu cầu những gì mà họ có thể thể hiện tốt trong công việc được.
Hãy bắt đầu bằng cách tập trung vào những điểm yếu mà bản thân tự nhận thức được, ví dụ: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi đứng trước đám đông, vì thế tôi luôn khiếp sợ mỗi khi phải nói trước mọi người hay phải trình bày ý tưởng trong một cuộc họp lớn”. Sau đó, hãy đề cập đến việc bạn đã cải thiện những điểm chưa tốt này như thế nào: “Tôi đã từng rất ghét thuyết trình trước đám đông, vì thế tôi quyết định là sẽ đăng kí Toastmasters – một câu lạc bộ giúp cải thiện kĩ năng giao tiếp và nói trước công chúng. Tôi nhận ra mình tiến bộ hơn từng ngày, bởi vì điều này là vô cùng cần thiết cho lĩnh vực nghề nghiệp này…”. Và kết thúc với: “Mặc dù đó là những thứ tôi vẫn chưa thể hoàn toàn cảm thấy thích thú, nhưng tôi đã thoải mái hơn ở những vị trí có yêu cầu kĩ năng này”.
Điều này cho thấy rằng, bạn sẵn sàng và cởi mở với những thứ mà bạn không muốn làm – bởi vì thực tế là, không công việc nào là “xuôi chèo mát mái” cả.
3. Hiện giờ bạn đang đọc sách gì?
Khi tôi ngồi viết tựa đề này, ba trên năm người được hỏi đã nói với tôi rằng họ đã từng được hỏi câu này trước kia. Tôi cũng vậy. Vì thế rõ ràng là, đây là một câu hỏi khá phổ biến của những nhà tuyển dụng, dù cho nó có nghe có vẻ khá là lạ lùng.
Hãy thoải mái kể chi tiết những cuốn tiểu thuyết hay hồi kí gối đầu hàng ngày của bạn – đây là một cách tuyệt vời để bạn thể hiện tính cách của mình, và có khả năng khiến cho bạn và nhà tuyển dụng trở nên liên kết lại với nhau hơn – nhưng chúng tôi cũng khuyên rằng, bạn nên đề cập đến thứ gì đó mà có liên quan đến nghề nghiệp của mình. Hãy nói về những blog bạn thường xuyên đọc mà có gắn kết với lĩnh vực của bạn. Kể về những bài báo có chủ đề là những gì mà bạn quan tâm về chuyên môn mà mình đang hướng tới. Điều này chứng minh rằng bạn là một người ham học hỏi, và đam mê với công việc đang làm, hay sẵn sàng cống hiến hết mình cho vị trí đó.
4. Nếu chúng tôi cho bạn ngân sách Marketing là 1 triệu đô la Mỹ, bạn sẽ dùng số tiền đó như thế nào, và tính toán tỷ số hoàn vốn (ROI – Return of Investment) ra sao?
Đó là những gì mà nhà sáng lập của chúng tôi (và cả nhà tuyển dụng Hulu tiền nhiệm) đã đề cập đến như là một câu hỏi mang tính “tình huống”. Nó bao gồm việc chú trọng những chi tiết, và kiểm tra kiến thức của bạn về công ty mà bạn đang ứng tuyển – mà rõ ràng là, bạn lẽ ra đã nghiên cứu từ trước khi phỏng vấn rồi.
Một vài ví dụ khác như:
- Những vấn đề nào mà nhóm cần lưu ý khi đánh giá giá trị của mặt hàng đang bán của công ty XYZ?
- Nếu được tuyển, bạn sẽ muốn thay đổi những gì ở công ty/bộ phận này?
Bạn cần phải đưa ra kiến thức sâu rộng cũng như có cái nhìn đa chiều về mục tiêu và mối quan tâm của công ty đó. Hãy trả lời càng cụ thể càng tốt, và đừng sợ đặt câu hỏi nếu có điều gì đó mà bạn chưa rõ. Ví như: “Theo như quan sát của tôi trên trang web, công ty đang có ý định mở rộng vào lĩnh vực học trực tuyến cũng như các sự kiện thực tế. Đó có phải là những gì công ty sẽ làm trong một vài tháng tới hay không? [Trả lời]… Trong trường hợp đó, tôi sẽ muốn sử dụng tốt một phần ngân sách Marketing cho nó, bởi vì…”. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến việc làm việc nhóm, hay cần tư vấn để hoàn thành công việc được giao.
Tất cả các nhà phỏng vấn đều rất hứng thú nếu bạn nói rằng: “Nhưng trước khi bắt tay vào làm việc này, tôi muốn nói chuyện với các bên liên quan và tìm hiểu rõ hơn mục tiêu chính của họ là gì”.
5. Khoảng trống này trong hồ sơ xin việc của bạn là gì?
Có thể là bạn tạm thời nghỉ việc hoặc bị sa thải, có thể là bạn dành thời gian đó để chăm con cái, hoặc cũng có thể bạn nghỉ để đi du lịch. Nếu nhà tuyển dụng nhận thấy có một khoảng thời gian trống trong hồ sơ của bạn, khả năng cao họ sẽ muốn biết thêm về điều đó.
Đặc biệt là khi bị sa thải, bạn cũng nên giữ cho câu trả lời của mình ngắn gọn, tập trung vào việc mình đã kiểm soát tốt vấn đề như thế nào, và đưa ra lí do tại sao bạn đã sẵn sàng để quay lại làm việc. Một cách tốt để đảo ngược tình thế, đó là đưa ra những bài học bạn đã rút ra được trong khi không có công ăn việc làm. Câu trả lời mẫu có thể là: “Đây hóa ra lại là một trải nghiệm tuyệt vời cho tôi, vì lúc đó tôi đã bắt đầu làm việc tự do với những dự án Marketing. Rồi nhanh chóng nhận ra rằng mình thật sự có hứng thú với những chiến dịch phát triển mạng xã hội truyền thông, điều mà tôi chưa từng chú ý tới trong công việc trước kia của mình”.
6. Bạn không thích nhất điều gì về công việc hiện tại của mình?
Có thể bạn biết rằng bây giờ, mình không nên “nói xấu” sếp hay công ty cũ, nhưng bạn sẽ xử trí ra sao khi được đặt những câu hỏi phỏng vấn như thế này? Đây là thời điểm lí tưởng để quay về với kiểu câu trả lời kinh điển “không phải vì ai cả, là vì tôi”, và tập trung vào lí do tại sao công việc đó không phù hợp với bạn. Hãy kể cho họ nghe về những thế mạnh hay những dự án bạn yêu thích nhưng chưa có “đất để dụng võ”. Nói với họ rằng bạn đang tìm kiếm một nơi để bạn có thể thể hiện hết khả năng của mình. Bất kể khi bạn nói ra “điều không thích nhất” nào, đó phải là những thứ mà công việc mới sẽ đáp ứng được cho bạn – nhưng có thể cũng là những thứ mà họ đang cần sự trợ giúp (đừng khiến cho mọi thứ hoàn toàn là về một mình bạn).
7. Một ngày làm việc lí tưởng đối với bạn là như thế nào?
Đây là một câu hỏi khá đánh đố, vì có những kì vọng khi làm việc rất tế nhị mà nhiều công ty ngại nói thẳng ra. Nhiều nhân viên sẽ không mang theo đồ ăn trưa của họ, hay họ phải thức khuya một vài đêm trong một tháng để hoàn thành một dự án lớn. Đây là lúc vấn đề như trở nên rối như tơ vò. (Ví như bạn trả lời là: “Tôi thích có giờ làm việc một cách linh hoạt, và giữ được sự cân bằng trong công việc và cuộc sống vào những ngày cuối tuần”. Nhưng thực tế là, bạn có chắc công việc này sẽ có giờ giấc linh hoạt chứ?)
Hãy lấy cảm hứng từ chính bài đăng tuyển công việc! Xem xét kĩ các câu hỏi phỏng vấn trước khi bước chân đến buổi phỏng vấn thực tế. Tham khảo trang web nghề nghiệp của họ nữa. Những nơi này cho bạn một vài ý tưởng tốt về văn hóa công ty đấy. Nhiều khả năng bạn chọn ứng tuyển cho vị trí này là vì bạn cảm thấy bị thu hút bởi nền văn hóa đó, vì thế hãy xoáy sâu vào chủ đề này. Chẳng mất gì nếu bạn trả lời như thế này: “Tôi biết rằng ai cũng muốn có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Và ở vũ trụ lí tưởng, chúng ta sẽ về nhà đúng giờ mỗi ngày, không màng kiểm tra email cho đến khi chúng ta đi làm lại. Nhưng tôi cũng biết rằng, đôi khi cuộc sống không đơn giản là những gì ta muốn”. Bởi vì, ai cũng đều ở trong tình huống như thế này, đúng không?
8. Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?
Có một vùng nguy hiểm giữa cái được gọi là tự tin và tự phụ. Một vài câu hỏi phỏng vấn tương tự bao gồm: “Điều gì khiến bạn khác biệt?” và “Tại sao chúng tôi cần bạn?”
Hãy trả lời câu hỏi này qua theo cách giải quyết vấn đề. Dựa trên những nghiên cứu cũng như chính buổi phỏng vấn này, bạn nên hiểu thấu về các vấn đề mà công ty đang gặp phải. Câu trả lời của bạn nên chú trọng vào việc bạn có đủ tiêu chuẩn “độc nhất vô nhị” ra sao để giúp công ty có thể vượt qua những khó khăn trước mắt.
9. Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?
Bạn có cởi mở trong việc có thêm phúc lợi/quyền mua cổ phiếu, đổi lại sẽ nhận một mức lương thấp hay không? (Thường là với công ty khởi nghiệp, đặc biệt là khi phỏng vấn ai đó từ một công ty không phải khởi nghiệp).
Bạn cần phải có một mức lương sẵn trong đầu. Trước khi đến với buổi phỏng vấn, hãy xem xét thật cẩn thận bằng cách sử dụng các công cụ tính lương khác nhau, bao gồm The Salary Project™. Bạn cũng nên có một sự giải thích hợp lí cho mức lương đó, và đưa ra dẫn chứng tại sao mình đủ xứng đáng để được trả lương như vậy.
Hi vọng qua bài viết này, bạn đã có thể tự tin hơn khi trả lời các câu hỏi hóc búa từ nhà tuyển dụng, bởi vì sự chuẩn bị kĩ càng chính là chìa khóa của mọi thành công!
— HR Insider / Theo Fastcompany —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.