Văn hóa công sở ở nước ta tuy phát triển nhưng vẫn còn tồn tại nhiều yếu điểm. Những đặc điểm của văn hóa công sở Nhật Bản ta có thể học hỏi.
1. Luôn luôn tôn trọng người đi trước:
Người Nhật có thói quen học hỏi từ những thế hệ đi trước và rất coi trọng những bậc tiền bối đi trước, sự kính trọng và nể phục được thể hiện qua truyền thống cúi chào trước họ.
Những người có địa vị thấp hơn và ít kinh nghiệm hơn sẽ cuối người càng thấp để thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối và cầu tiền. Hành động chào gập người này không thể hiện sự nhỏ bé hay thấp kém, mà đó là cử chỉ tôn kính và thái độ mong muốn được học hỏi.
Văn hóa công sở của Nhật Bản luôn thể hiện sự tôn kính và coi trọng những người có địa vị cao bởi sự thông thái, từng trải và những đóng góp quan trọng của họ cho công ty.
Nếu không bằng lòng với người quản lý, hãy thẳng thắn góp ý với riêng cá nhân đó nhưng đừng bao giờ đòi hỏi quyền vị trước đông người, nhất là để xảy ra tranh cãi.
Ở doanh nghiệp nào, văn hóa tôn trọng người lớn tuổi, có thâm niên trong nghề cũng được đề cao.
Trong những cuộc họp hay bàn bạc vấn đề, các nhân viên thường nêu lên ý kiến và câu hỏi với mục đích xin lời khuyên, tư vấn của các cấp lãnh đạo nhằm tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho vấn đề, hoàn toàn không có ý định để gây ấn tượng với sếp.
Hãy luôn tôn trọng tất cả mọi người xung quanh bạn, nhất là những người lớn tuổi, bởi họ là những người có thâm niên lâu năm trong nghề. Khi gặp một vấn đề khó khăn bạn hãy xin ý kiến của họ, sẽ có những lời khuyên hay và thiết thực dành cho bạn.
2. Văn hóa công sở luôn đề cao “ CHÚNG TÔI “ thay vì “TÔI”
Nếu như người Mỹ đề cao vai trò cá nhân thì người Nhật lại coi trọng tinh thần “Chúng tôi” thay vì “Tôi” và luôn hướng đến sự đồng tâm hợp lực để đạt được kết quả cao nhất.
Đối với các công ty ở Nhật, teamwork là một việc không thể thiếu trong bất kỳ dự án nào. Họ tin rằng một tập thể sẽ mang lại hiệu quả và năng suất công việc tốt hơn so với hiệu quả của một cá nhân.
Người Nhật luôn tôn trọng những quyết định của nhóm, họ không bao giờ áp đặt suy nghĩ cá nhân vào trong công việc. Đây là một cách làm việc khoa học và mang đến thành công cho họ.
Nếu quá chú trọng đến vai trò cá nhân, một doanh nghiệp sẽ thất bại vì mọi người chỉ quan tâm đến thành tích của riêng mình. Họ không quan tâm đến kết quả của công việc chung, không biết vì tập thể mà chỉ ích kỷ chăm chăm thu vén cho mình.
Đây cũng là chìa khóa dẫn đến thành công trong văn hóa công sở của họ.
3. Tôn trọng danh thiếp và đề cao sự đúng giờ:
Người Nhật quan niệm rằng, những lần gặp gỡ đầu tiên mang yếu tố quyết định cho những lần hợp tác sắp tới, vì vậy họ luôn chỉnh chu ở từng cử chỉ, và để ý tới những hành động nhỏ như trao và nhận danh thiếp.
Khi nhận danh thiếp từ một người khác họ sẽ nhận bằng cả hai tay và cuối người thấp xuống tỏ vẻ sự tôn trọng và đọc danh thiếp một cách cẩn thận. Tiếp đến họ sẽ bỏ danh thiếp vào một cái hộp hoặc đặt trước mặt và luôn giữ cho danh thiếp được sạch sẽ.
Bên cạnh đó, người Nhật đặc biệt coi trọng thời gian. Ở những buổi họp hành và các cuộc hẹn, người Nhật luôn đi sớm vài phút vì không muốn để người khác phải chờ đợi.
Việc đến sớm không chỉ thể hiện thiện chí và sự tôn trọng dành cho người đối diện, mà đó còn được coi là việc nâng cao uy tín cá nhân. Một vài phút trễ sẽ không là vấn đề với khá nhiều người, tuy nhiên với văn hóa công sở của người Nhật, họ hoàn toàn không ủng hộ nhân viên đến trễ trong bất kỳ cuộc hẹn nào bởi đó là hành động thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng đối phương và lãng phí thời gian.
Tất nhiên ở một số trường hợp đến trễ không mong muốn, nhân viên đó sẽ luôn gọi điện hoặc nhắn tin để thông báo và xin lỗi một cách chân thành nhất.
Hãy tập thói quen đúng giờ trong các cuộc hẹn, vì việc này sẽ giúp bạn hình thành thói quen kỷ luật trong công việc và cuộc sống.
4. Văn hóa công sở gọi tên “ Làm hết sức – chơi hết mình “
Khối lượng công việc của các công ty ở Nhật luôn nằm ở mức quá tải. Các nhân viên phải làm việc với 120% sức lực để hoàn thành kịp tiến độ. Tuy nhiên không phải vì thế mà các nhân viên ở Nhật không biết cách tận hưởng niềm vui.
Văn hóa công sở tại Nhật hay ở chỗ họ biết cân bằng giữa công việc và vui chơi bên ngoài. Đối với người Nhật, đã làm là làm hết sức, còn đã chơi thì phải thật sự hết mình.
Một trong những cách giải tỏa căng thẳng mà nhân viên ở Nhật ưa thích đó là các quán Karaoke. Ở đây họ không chỉ được hát thoải mái để giảm căng thẳng mà còn là nơi thắt chặt tinh thần đồng đội, gần gũi và hiểu nhau hơn.
Đây là một điểm mà không phải ai cũng làm được. Cho dù công việc có bận rộn tới đâu, mệt mỏi tới đâu cũng hãy dành cho mình những khoảng thời gian riêng, đừng để công việc chiếm lĩnh cuộc sống riêng của bạn.
Những nét đẹp trong văn hóa công sở của người Nhật nếu biết áp dụng đúng cách và hiệu quả sẽ mang lại cho bạn một môi trường làm việc thật hăng hái và thành công đấy!
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.