Tại sao bạn muốn nhảy việc ?
Khi đọc tới bài viết này, tôi chắc chắn biết bạn đã quá chán ngái với công việc hiện tại, nhưng tại sao tôi vẫn muốn bạn xem xét lại lý do nghỉ việc ?
Bởi vì chúng ta không còn quá nhỏ để phụ thuộc vào gia đình, mỗi sự thay đổi trong cuộc đời giống như bước ngoặt đòi hỏi mỗi chúng ta phải có trách nhiệm với nó. Nếu bạn muốn nhảy việc chỉ vì: đường đi làm quá xa, hoặc ở đó có đồng nghiệp bạn không thích,… mà không xét tổng thể lợi/hại khi nghỉ việc thì đây quả thật là lý do ấu trĩ. Tôi vẫn luôn tâm đắc một câu nói “ trẻ gian truân để già khỏi rơi nước mắt”, chính vì thế mỗi sự chịu đựng của bạn nếu có thể đánh đổi để mang về được một kinh nghiệm quý báu cho bản thân thì đây là cái giá xứng đáng phải trả. Nếu ngược lại, bạn cảm thấy công việc không có hướng thăng tiến, đây là một công việc không phù hợp, hoặc công việc gây ảnh hưởng đến sức khỏe khiến bạn không thể cống hiến lâu dài thì sự dứt áo ra đi là lựa chọn cần thiết cho bạn.
Lên kế hoạch cho sự thay đổi
Để có thể “ bách chiến, bách thắng” khi đổi việc, trước hết bạn nên khảo sát yêu cầu công việc và nhu cầu tuyển dụng hằng năm như thế nào. Việc này giúp bạn đầu tư kiến thức chuyên môn phù hợp với yêu cầu nhà tuyển dụng và lựa chọn chính xác mốc thời gian nghỉ việc tại công ty cũ.
Hãy tưởng tượng, nếu bạn chỉ đang làm công việc của một hành chính nhưng muốn chuyển đổi sang công việc hành chính – nhân sự nhưng bạn hoàn toàn chưa có bất kì kiến thức hoặc hiểu biết gì về nghiệp vụ của một nhân sự thì đứng trên phương diện của nhà tuyển dụng việc trao cơ hội cho bạn như việc mua một tờ vé số khi tỉ lệ thất bại quá cao. Hơn thế nữa, trong năm luôn có những mùa tuyển dụng nhất định, nếu bạn nghỉ việc vào thời gian nhân sự công ty đang ổn định sẽ khiến bạn rất khó tìm được một việc tốt ở môi trường khác.
Chính vì thế, việc xác định vị trí công việc bạn thích yêu cầu những gì và thời gian nào phù hợp để tìm việc là bước đầu tiên những đầy tính tiên quyết cho con đường nhảy việc của bạn chông gai hay trải đầy hoa hồng.
Tìm người thừa kế công việc
Dù là vì “ trách nhiệm công việc” hay vì chính bản thân thì việc tìm một người thay thế bạn trước khi nghỉ việc là điều vô cùng cần thiết. Không có vị trí nào là không thể thay thế, nhưng nếu bạn làm không tốt bước này sẽ để lại hệ lụy về sau:
Để lại ấn tượng xấu trong mắt đồng nghiệp cũ. Bởi vì khi dứt áo ra đi công việc của bạn chưa được bàn giao cho ai cả, điều này lại ảnh hưởng đến đồng nghiệp ở lại. Họ sẽ cho rằng bạn vô trách nhiệm và sếp cũ sẽ có đánh giá không tốt về bạn. Một số ngành có thể kiểm tra thông qua phần mềm hoặc đánh giá từ đồng nghiệp/sếp cũ của bạn. Thế nên, thay vì chuyện đến chân mới tìm cách giải quyết thì hãy thu dọn tàn cuộc trước khi dứt áo ra đi.
Rắc rối khi thất lạc đồ đạc/ hồ sơ tại công ty bởi không một ai đứng ra chịu trách nhiệm. Nếu đó là một hồ sơ quan trọng mà bạn quản lý trước đó, công ty sẽ yêu cầu bạn chịu trách nhiệm bồi thường theo đúng thỏa thuận trên hợp đồng.
Thực tế, vô vàng những tình huống có thể xảy ra nếu nghỉ việc không thông báo trước, thế nên hãy cẩn thận thông báo sớm 1 tháng trước khi thôi việc và đồng thời cho công ty có thời gian tìm kiếm người thay thế bạn nhé.
Bí kíp phỏng vấn xin việc
Hãy coi phỏng vấn như buổi hẹn hò, bạn càng chuẩn bị kỹ bao nhiêu thì kết quả nhận lại càng tốt bấy nhiêu. Trước khi buổi phỏng vấn bắt đầu, bạn cần có thời gian tìm hiểu về thông tin công ty, yêu cầu vị trí bạn ứng tuyển, những câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn,…Việc chuẩn bị trước sẽ giúp bạn tự tin hơn khi bước vào buổi phỏng vấn chính thức.
Bí kíp bên lề
Sau khi nghỉ việc nhất thời bạn chưa tìm được công việc mới thì hãy yên tâm vì bạn còn có những dự bị khác như:
Bảo hiểm thất nghiệp
Sau khi nghỉ việc, bạn sẽ được công ty chốt sổ BHXH và gửi lại quyết định nghỉ việc. Hãy làm hồ sơ lãnh bảo hiểm thất nghiệp khi bạn cảm thấy khó khăn và cần sự hỗ trợ từ nhà nước.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp = 60% mức lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc
Số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp:
+ Đóng từ đủ 12 tháng đến 36 tháng : được hưởng 3 tháng bảo hiểm thất nghiệp.
+ Đóng đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng thất nghiệp, tối đa không quá 12 tháng.
Công việc freelancer
Trong quá trình chờ đợi công việc mới, bạn có thể đăng ký làm một freelancer chuyên nghiệp kiếm thêm thu nhập như: viết lách, headhunter, bán hàng online, làm mẫu ảnh,…
Tất cả những công việc trên là kế tạm thời giúp bạn yên tâm hơn trong khoảng thời gian chuyển mình cho công việc mới.
Trong công cuộc tìm việc ai cũng có những sai lầm nhất định, và tôi cũng từng rất chông chênh trên con đường tìm việc của mình. Sau những sai lầm từng trải, tôi ước gì mình sớm nhận ra thiếu sót và rèn giũa bản thân tốt hơn. Vì thế, hy vọng những chia sẻ về kinh nghiệm rút ra từ quá khứ của tôi sẽ phần nào giúp các bạn định hướng đúng đắn trước khi nhảy việc.
>> Xem thêm: Bí quyết giúp một người hướng nội tìm việc thành công mùa COVID-19
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.