“Một nụ cười đổi mười lần ấn tượng”
Ấn tượng ban đầu luôn vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với các nhà tuyển dụng luôn bận rộn và không dành quá nhiều thời gian cho một cuộc phỏng vấn. Tuy không nói ra nhưng gần như đa số các nhà tuyển dụng thường mong muốn nhìn thấy một ứng viên với nụ cười tự tin khi bước vào phòng phỏng vấn. Hãy thể hiện sự thân thiện và nhiệt tình bằng một nụ cười để tạo cảm tình tốt với nhà tuyển dụng ngay từ lần đầu tiên.
“Hồ sơ xin việc không phải là tất cả”
Đừng kể lể quá nhiều hoặc thêm thắt nhiều yếu tố thiếu trung thực trong hồ sơ xin việc. Rất có thể bạn sẽ bị nhà tuyển dụng “lật tẩy” ngay từ những câu hỏi đầu tiên. Ngược lại, một hồ sơ xin việc ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin cần thiết kèm theo những kĩ năng ứng xử tuyệt vời ngay tại buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn ghi điểm tốt hơn. Đó là lí do vì sao bạn nên luyện tập trước câu hỏi đề cập đến hồ sơ xin việc, để luôn thật lưu loát trong cuộc phỏng vấn.
“Bạn có hiểu rõ về vị trí mình ứng tuyển?”
Điều mà nhà tuyển dụng luôn phải cân nhắc trước khi đồng ý để bạn gia nhập công ty của họ là bạn có thực sự phù hợp hay không. Hãy tìm hiểu thật kĩ thông tin về văn hóa công ty cũng như vị trí mà bạn ứng tuyển. Đừng đợi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi cho mình, hãy cố gắng thể hiện những kĩ năng phù hợp của bạn qua các câu trả lời trong buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng sẽ thấy rằng bạn đã thật sự tìm hiểu và chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi ứng tuyển vào công ty.
“Liệu bạn có muốn gắn bó với công ty lâu dài không?”
Câu hỏi này sẽ được nhà tuyển dụng “bắt thóp” qua cách bạn trả lời về những lần nhảy việc trước đây và sự hứng thú của bạn khi trả lời về công việc ứng tuyển. Có thể bạn chính là mảnh ghép hoàn hảo của công việc này, nhưng mục tiêu nhà tuyển dụng hướng tới, không chỉ là sự phù hợp mà còn là sự gắn bó lâu dài. Hãy chuẩn bị trước những câu trả lời khôn khéo khi hồ sơ của bạn có yếu tố nhảy việc để trấn an nhà tuyển dụng. Đồng thời, bạn cũng có thể đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng để xác định xem liệu đây có phải là mục tiêu nghề nghiệp dài hạn mà bạn đang hướng đến hay không.
“Ngắn gọn thôi, xin đừng lan man quá…”
Khi được hỏi những câu hỏi nằm ngoài sự chuẩn bị, bạn thường có xu hướng lan man nhiều hơn để dành thời gian suy nghĩ cho câu trả lời trọng điểm. Hãy có điểm dừng và luôn nói đúng chủ đề. Nếu như bạn chưa thật sự hiểu rõ câu hỏi, hãy xin phép một thời gian ngắn để phân tích. Đừng quá dài lặp đi lặp lại một vấn đề. Điều này vừa tốn thời gian của bạn, vừa khiến nhà tuyển dụng phán đoán tác phong làm việc của bạn thiếu logic và sự chặt chẽ.
“Bạn không có câu hỏi nào cho chúng tôi khi kết thúc?”
Bạn có thể không nhất thiết phải đưa ra câu hỏi cho nhà tuyển dụng khi kết thúc buổi phỏng vấn. Nhưng việc thể hiện sự thắc mắc của bạn sẽ góp phần ghi điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng. Họ sẽ thấy rằng bạn sẽ có sự chuẩn bị thấu đáo và kĩ lưỡng một cách toàn diện. Đừng bỏ lỡ cơ hội có thể tìm hiểu thêm về công ty, đồng nghiệp tương lai, môi trường làm việc sắp đến của bạn. Đó là điều nhà tuyển dụng mong muốn ở một ứng viên tiềm năng.
Có những điều nhà tuyển dụng mong muốn nhưng họ lại chưa bao giờ nói ra. Hãy biết cách nắm bắt và chuẩn bị chu đáo trước khi bước vào mọi cuộc phỏng vấn bạn nhé.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.