Hãy nhớ rằng nóng giận là bản năng nhưng bình tĩnh mới chính là bản lĩnh. Muốn lãnh đạo được bản thân mình và nhận được sự tôn trọng từ người khác thì bạn cần học được cách quản lý cảm xúc cá nhân. Vậy chúng ta cần “làm nguội” cơn giận như thế nào mà vừa không ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe lại vừa làm đẹp các mối quan hệ nhỉ? Hãy đọc bài viết dưới đây và bỏ túi ngay cho mình những tuyệt chiêu kiểm soát cảm xúc cho người dễ nóng giận nhé!
Hít thở sâu
Khi bạn bức xúc và tức giận bởi một tình huống bất ngờ, hãy hít một hơi thật sâu, cố gắng giữ trong vài giây và lặp lại hành động này trong vòng năm phút (chú ý học hít thở sâu bằng bụng đúng cách). Việc hít thở sâu sẽ cung cấp nhiều oxy vào phổi, lên não, giúp lưu thông máu, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và hệ miễn dịch, giảm bớt kích thích và căng thẳng. Phương pháp hít thở sâu giúp bạn kiềm chế giận dữ và suy nghĩ được nhiều điều trước khi đưa ra hành động.
Đọc thầm “thần chú”
Đây là cách làm tuy không mới nhưng đem lại hiệu quả khá cao. Hãy tự tạo cho mình một từ điển tập hợp những câu thần chú ngắn gọn, giúp ta tỉnh táo và nhanh chóng lấy lại lý trí như: ““Bình tĩnh, mọi việc sẽ ổn thôi” “Không sao, giận quá mất khôn” hay “Đâu rồi sẽ có đó”,… Đọc thầm những câu thần chú này trong đầu trong một vài phút tới khi lấy lại được sự bình tĩnh. Nó tựa như một lời nhắc nhở bản thân bạn phải khắc chế và làm chủ bản thân mình trong mọi hoàn cảnh.
Cho mình một khoảng trống
Nếu được, hãy đi ra ngoài và tìm một không gian rộng rãi, thoáng mát để hít thở, vận động nhằm điều hòa lại cảm xúc ngổn ngang trong lòng bạn. Thả lỏng cơ thể và tản bộ sẽ giúp bạn giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và “dẹp” sạch chúng. Trong trường hợp không thể tìm đến nơi thoáng đãng, bạn hãy ngồi xuống và tự tạo cho mình khoảng trống tâm hồn. Nghĩ về những điều tích cực, điều nhỏ bé làm bạn hạnh phúc và vui vẻ mỗi ngày, nó sẽ đẩy lùi những tiêu cực và khiến bạn có tinh thần lạc quan, niềm tin vào cuộc sống và động lực để trở lại với thực tại.
Phân tán tư tưởng
Tương tự như trên, hãy cố gắng làm những điều mình thích để nhanh chóng “dập lửa” cơn giận. Bạn có thể làm rỗng đầu óc và phân tán suy nghĩ của chính mình, không vương vấn nỗi bực bội kia nữa bằng cách tìm những niềm vui thú khác. Đơn giản như lướt mạng xã hội, xem những video hay đọc câu chuyện giải trí, hài hước, để tâm trạng khá lên đôi chút.
Chia sẻ với người khác
Khi cảm thấy chỉ một mình là không đủ để áp chế nỗi lòng và tìm ra lối thoát. Hãy tìm đến một người bạn mà mình tin tưởng để sẻ chia. Những người thấu hiểu bạn sẽ đưa ra lời khuyên chân thật và giúp bạn sẽ tìm ra được hướng giải quyết vấn đề. Nếu không có được đáp án thỏa đáng thì ít ra bạn cũng đã có một “bến đỗ” để được nói ra những bực dọc và nhẹ lòng hơn.
Đối diện với chính mình
Đôi khi việc tự nhìn lại và đặt câu hỏi với chính bản thân mình cũng là một cách hay để kiểm soát cảm xúc nóng giận. Bạn hãy dành thời gian suy nghĩ lại về mọi nguồn cơn của vấn đề và đặt những câu hỏi mở như: Tại sao mình lại nóng giận? Liệu mình có sai ở đâu không? Quan điểm, cách hành xử của người ta đúng và sai ở đâu? Đừng trốn tránh cơn giận của mình mà hãy nhìn thẳng vào nó để tìm ra nguyên nhân và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng nhất. Nghiêm túc suy nghĩ sẽ giúp bạn trở lại trạng thái bình ổn tốt nhất.
Tránh việc tranh cãi không đáng có
Thay vì khơi mào và làm nổ ra những cuộc tranh cãi nảy lửa, gây mất hòa khí với người khác thì bạn nên tập trung vào vấn đề trước mắt. Hãy nhớ rằng không ai là hoàn hảo, ngay cả bản thân bạn cũng như vậy nên hãy tha thứ cho những sai lầm của người khác. Ngưng việc trách móc và đổ lỗi cho nhau, hãy mở ra một cuộc thảo luận mang tính xây dựng và cùng tìm ra phương án tối ưu nhất để giải quyết vấn đề. Nếu hành động như vậy, bạn sẽ được người khác tôn trọng và yêu mến hơn vì sự bình tĩnh và trưởng thành trước những tình huống như này đấy!
Tức giận là phản ứng rất đỗi bình thường của hệ thần kinh khi ta gặp phải những điều không mong muốn. Đây là một loại cảm giác cơ bản của con người, tuy mang tính tiêu cực nhưng cũng không hẳn là xấu. Việc tức giận chứng minh rằng ta là một người có quan điểm và giá trị. Nhưng nếu để cảm xúc ấy đi quá đà sẽ gây ra nhiều điều tệ hại. Trên đây là những tuyệt chiêu kiểm soát cảm xúc cho người dễ nóng giận vô cùng hữu hiệu cho tất cả mọi người. Hãy biết cân bằng cảm xúc của mình những lúc bão giông vì khi ấy, bạn đã biết cách quản lý sự căng thẳng và tự làm chủ được cuộc đời mình, đồng thời cũng tạo ra nhiều mối quan hệ tốt đẹp hơn.
>>> Xem thêm: 7 Cách nói chuyện trước đám đông không run sợ
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.