Với bối cảnh kinh tế thay đổi đột ngột trong giai đoạn đại dịch Covid 19 vừa qua, sự thay đổi nhanh chóng và phù hợp chính là chìa khoá giúp doanh nghiệp thích ứng tốt với thị trường. Việc đảm bảo đáp ứng được nhu cầu về nhân lực nhưng vẫn giữ vững những tiêu chí an toàn trong đại dịch góp phần thúc đẩy nhanh việc ứng dụng công cụ kỹ thuật số trong các hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có tuyển dụng kỹ thuật số. Sự thay đổi này được dự báo là không chỉ diễn ra trong mùa dịch những tháng vừa qua, mà còn ảnh hưởng đến thói quen tuyển dụng của ngành nhân sự nói chung trong tương lai.
Vậy, với các hoạt động tuyển dụng kỹ thuật số, các doanh nghiệp NÊN & KHÔNG NÊN làm gì? Dưới đây là một vài gợi ý từ chúng tôi.
- NÊN xây dựng website của doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp
Hiện nay, việc các doanh nghiệp sử dụng các nền tảng tuyển dụng trực tuyến, điển hình như VietnamWorks, là rất phổ biến. Tuy nhiên, website của công ty là nơi doanh nghiệp có thể thể hiện rõ nét văn hóa của công ty mình và truyền tải nó đến với ứng viên tiềm năng. Trang website không nên được sử dụng chỉ để thu hút khách hàng; nếu muốn công ty phát triển, nhà tuyển dụng cũng cần thu hút nhân viên tương lai. Hãy viết câu chuyện lịch sử hình thành của doanh nghiệp, những lời nhắn nhủ của những thành viên trong ban lãnh đạo, hãy tạo một chuyên mục Sự nghiệp và con đường thăng tiến tại công ty và cho phép ứng viên gửi CV trực tiếp ở website.
Hãy chú ý đến trải nghiệm của ứng viên khi họ tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp trên website chính thức: bố cục rõ ràng, thông tin dễ hiểu, làm nổi bật những điểm quan trọng muốn ứng viên chú ý (ví dụ như vị trí đang cần tuyển gấp với phúc lợi hấp dẫn). Ngoài ra, đừng quên để ý đến yếu tố hiển thị: dù là trên thiết bị máy tính, smartphone hay máy tính bảng, website của công ty đều hiển thị trơn tru và đẹp mắt!
- NÊN tận dụng các nền tảng và công cụ video trực tuyến
Những khó khăn do Covid-19 gây ra đòi hỏi chúng ta phải thích nghi, đồng thời, cho ta cơ hội để thử nghiệm và thay đổi. Phỏng vấn sử dụng phần mềm gọi video trực tuyến không còn mới lạ, tuy nhiên, có thể nói, chưa thực sự rộng rãi và phổ biến cho đến khi Covid-19 xuất hiện, trong khi những lợi ích rõ ràng có thể thấy được là tiết kiệm thời gian & chi phí. Chúng ta không cần phải mất thời gian cho việc di chuyển, ứng viên có thể ở một vùng khác, kể cả là ở một đất nước khác. Chúng ta không cần tốn công sức thực hiện các thủ tục và chi phí cho một nơi chốn vật lý để gặp mặt. Và điều này không chỉ thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho cả ứng viên.
Phỏng vấn trực tuyến có thể được thực hiện với Skype, Zoom hoặc những phần mềm khác tương tự. Hiện tại, có rất nhiều nền tảng và phần mềm không chỉ cung cấp dịch vụ gọi video trực tuyến mà còn tích hợp công cụ giúp quản lý, đánh giá online, hoặc tích hợp AI để hỗ trợ doanh nghiệp trong quy trình tuyển dụng.
- NÊN khai thác sức mạnh của mạng xã hội
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu nhắc đến tuyển dụng kỹ thuật số mà không nhắc đến mạng xã hội. Mạng xã hội là một trong những công cụ tiết kiệm chi phí nhất để xây dựng và quảng bá thương hiệu nhà tuyển dụng cũng như tiếp cận trực tiếp đến ứng viên tiềm năng.
Facebook, Linkedin hay Instagram đều có những gói chạy quảng cáo tùy theo ngân sách của doanh nghiệp, mà chắc chắn là tiết kiệm hơn so với các hoạt động quảng cáo truyền thống qua TV, bảng hiệu hay báo chí. Không những vậy, các mạng xã hội còn cung cấp báo cáo insight chi tiết, hoặc nhà tuyển dụng cũng có thể tự mình tìm hiểu được nhiều khía cạnh của ứng viên tiềm năng thông qua trang cá nhân của họ.
- NÊN sử dụng công cụ đánh giá online (pre-employment assessment)
Những công cụ đánh giá có rất nhiều loại, chúng cung cấp những đánh giá khách quan cùng nhiều thông tin “ẩn” về ứng viên, hỗ trợ nhà tuyển dụng đưa ra những quyết định chính xác hơn và trong một thời gian ngắn hơn, nhất là khi nhà tuyển dụng không thể gặp trực tiếp ứng viên. Hãy nhớ rằng, những công cụ này hỗ trợ chứ không thay thế nhà tuyển dụng để đưa ra quyết định.
Những công cụ đánh giá doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng như: năng lực tư duy để đánh giá mức độ nhanh nhạy, kiểm tra tính cách để đánh giá mức độ phù hợp với văn hóa của đội nhóm và công ty, mô phỏng công việc để đánh giá khả năng giải quyết vấn đề, v.v…
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp sử dụng công cụ đánh giá từ một bên thứ ba, bên cạnh tính chính xác cũng như ngân sách, hãy cân nhắc về mặt bảo hành hệ thống và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ đi kèm. Điều này nên được cân nhắc đối với cả việc phỏng vấn trực tiếp hay trực tuyến.
- KHÔNG NÊN spam
Hãy chọn lọc những kênh quảng bá phù hợp với doanh nghiệp và xây dựng chiến lược, đầu tư về hình thức lẫn nội dung, làm đẹp thương hiệu nhà tuyển dụng của doanh nghiệp. Khi kết nối với một người nào đó, hãy nhớ sự chân thành và cá nhân hóa, đừng để họ cảm thấy phiền và nghĩ mình đang bị spam.
- KHÔNG NÊN lãng quên yếu tố con người
Khi mà quy trình tuyển dụng của doanh nghiệp có thể hoàn toàn được thực hiện trực tuyến, từ bước tiếp nhận CV, phỏng vấn và đánh giá, đến cả bước onboarding (hiện tại đã có nhiều công cụ và các hoạt động onboarding trực tuyến), chúng ta phụ thuộc và tiếp cận nhiều hơn với các thiết bị công nghệ. Đôi khi, chúng ta sẽ quên đi khía cạnh con người trong toàn bộ quy trình này.
Đừng im lặng hay bặt tăm sau khi phỏng vấn, hãy đưa feedback cho ứng viên và phản hồi thông tin một cách rõ ràng về thời gian cũng như kết quả. Ứng viên sẽ có trải nghiệm tốt hơn với doanh nghiệp, kể cả khi họ gia nhập công ty hay không.
- KHÔNG NÊN bỏ qua những rủi ro có thể xảy ra
Không phải ứng viên nào cũng thực sự có mong muốn được làm việc tại doanh nghiệp. Việc làm giả những thông tin trên CV cũng rất có khả năng xảy ra.
Ngoài ra, website cũng như những truy cập vào các thông tin công khai của doanh nghiệp cần được an toàn trước những kẻ xấu hay hacker, nên cũng cần lưu tâm đến vấn đề bảo mật này.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.