Bạn không cần phải suy nghĩ hay cân nhắc bất cứ điều gì trước khi nhảy việc. Đúng, nếu bạn là những cô cậu sinh viên mới ra trường đi làm, chưa có nhiều kinh nghiệm và cũng chẳng có gì phải lo lắng, bạn có thể trải nghiệm và tất cả đều mới mẻ.
Nhưng nếu đã là người đi làm lâu năm, kinh nghiệm nhảy việc của bạn cũng phải tương xứng với số năm làm việc của bạn. Cũng giống như vận động viên bộ môn nhảy cao, bạn không thể chỉ có thể nhảy mãi ở một độ cao. Bạn cần phải rèn luyện để mỗi cú nhảy sau đó, bạn luôn tự phá vỡ những kỷ lục của bản thân đã lập được trước đó. Vậy làm gì để tăng kinh nghiệm nhảy việc khi bạn chẳng thể nhảy việc quá thường xuyên?
Giai đoạn 1: Chạy lấy đà
Để bật đủ cao, bạn cần phải chạy lấy đà, đây là yếu tố tiên quyết mà bạn cần biết trước mỗi lần nhảy. Vì thế trước khi nhảy việc, bạn hãy cân nhắc đến hai câu hỏi quan trọng sau:
Bản thân đang nhắm tới điều gì?
Để có cú nhảy thành công, bạn cần phải xác định được độ cao mà bạn cần bật là bao nhiêu. Bởi chỉ khi hiểu rõ bản thân muốn gì, bạn mới xác định được điều tiếp theo bạn cần làm là gì. Nhảy việc, bạn muốn bản thân đạt được điều gì?
- Bạn muốn được thăng chức, mức lương tăng lên?
- Bạn muốn được thay đổi tính chất công việc hiện tại, tìm kiếm một nhịp điệu sống mới?
- Bạn muốn tìm kiếm một môi trường làm việc phù hợp hơn?
Hãy xác định điều bản thân đang nhắm tới là gì, một cách khách quan nhất. Chỉ cần xác định được độ cao bạn muốn bật lên, chắc chắn bạn sẽ biết được bản thân cần phải làm gì tiếp theo.
Bản thân cần phải chuẩn bị những gì?
Khi đã xác định được độ cao bản thân muốn đạt được, bạn phải vạch được phương hướng để chạy lấy đà. Đoạn đường bạn cần chạy lấy đà là bao lâu, bao xa? Giống như câu chuyện của một bạn Manager đã chia sẻ: “Ngay từ khi bước chân vào công ty cũ, mình đã biết lần tới mình cần nhảy việc là 3 năm nữa. Tại sao? Vì lúc đó mình đã tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm và cả những kỹ năng để lần nhảy việc tiếp theo, mình có thể trở thành Manager.”
Có thể ở thời điểm hiện tại, bạn không biết rõ thời điểm nào bản thân sẽ nhảy việc hoặc bạn đã có những dự định cụ thể cho lần nhảy việc tới. Nhưng dù ở giai đoạn nào, bạn cũng nên xác định được kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm bạn thân đã tích lũy đã đủ cho cú bật tiếp theo chưa. Đừng chỉ vì những suy nghĩ nhất thời mà lựa chọn nhảy việc để rồi bản thân vẫn chưa đủ đáp ứng những điều kiện cho cột mốc tiếp theo. Điều này chỉ khiến việc tiếp đất của bạn thêm đau đớn mà thôi.
>>> Xem thêm: Nhảy việc và những con số bạn cần phải lưu tâm
Giai đoạn 2: Giậm nhảy
Trong bộ môn nhảy cao, có một thuật ngữ là “giậm nhảy” để chỉ giai đoạn dồn sức, ép cơ thể trước khi tung người lên không trung. Kết thúc giai đoạn giậm nhảy, lúc đó người vận động viên đã ở trên không trung, đây chính là yếu tố trực tiếp quyết định đến thành tích của vận động viên. Thế còn bạn, một người nhảy việc cần dồn sức như thế nào?
Đầu tiên, cập nhật lại hồ sơ cá nhân
Hồ sơ năng lực cá nhân là thứ duy nhất giúp bạn chứng minh được năng lực, kinh nghiệm của bản thân trước những người xa lạ. Vì thế, bạn cần phải cập nhật lại hồ sơ cá nhân. Nhưng hãy nhớ, bạn đã không còn là một ứng viên với kinh nghiệm ít ỏi nữa mà đã là một người có nhiều kinh nghiệm làm việc và có những thành tích nhất định. Những điều đó mới giúp bạn trở thành một ứng viên độc nhất trong mắt nhà tuyển dụng.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn cách viết CV/resume chuyên nghiệp đầy đủ và chi tiết nhất (Phần 1)
Thứ hai, chia sẻ thông tin nghỉ việc
Khi đã là người đi làm lâu năm, bạn sẽ có những mối quan hệ gắn kết với đồng nghiệp, cấp trên vì thế thông báo nghỉ việc là một hành động cần thiết trong chuỗi quá trình nhảy việc của bạn. Hãy sắp xếp thời gian và cách thức chia sẻ một cách lịch sự, thấu tình để những mối quan hệ quý giá vẫn có thể tiếp tục, kể cả sau khi bạn ra đi. Đây là điều vô cùng quan trọng mà bạn không nên bỏ qua.
>>> Xem thêm: Đừng đóng vai phản diện khi nghỉ việc, chỉ mỗi bạn thiệt
Giai đoạn 3: Tung mình trên không trung
Có rất nhiều bạn cho rằng khi đã nhảy rồi thì cứ đi phỏng vấn, được thì nhận việc thôi. Nhưng thật ra, khi đã bước vào giai đoạn tìm việc bạn phải cân nhắc và ứng biến nhiều hơn cả. Bạn cần phải là người đưa ra được:
Tiêu chí lựa chọn công việc mới
Làm sao để sau lần nhảy việc, công việc mới của bạn sẽ không phải là điều bạn hối tiếc? Điều đó nằm ở việc bạn đã lựa chọn công việc như thế nào. Hãy tìm hiểu thật cẩn thận và đặt ra những tiêu chí lựa chọn công việc mới đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của bản thân. Tránh những công ty có dấu hiệu về văn hóa việc làm độc hại, cấp trên “kỳ lạ”,… để đảm bảo bản thân sẽ có khởi đầu mới tuyệt vời.
>>> Xem thêm: 4 “cạm bẫy” bạn cần phải đề phòng khi đi tìm việc
Linh hoạt và nắm bắt cơ hội
Cơ hội “trở mình” không phải lúc nào cũng “dư dả” để bạn lựa chọn. Khi đã được trao cơ hội thử việc, hãy nắm bắt và nỗ lực hết mức có thể. Vì khi đối với một ứng viên đã có kinh nghiệm, nhà tuyển dụng sẽ có những yêu cầu khắc khe hơn. Hãy tận dụng và linh hoạt hơn trong công việc lẫn cách đối nhân xử thế để có thể tự tay mở ra cánh cửa mới cho bản thân.
>>> Xem thêm: Điều tối kỵ trong giai đoạn thử việc
Giai đoạn 4: Tiếp đất
Đây là giai đoạn mà các vận động viên nhảy cao tận hưởng khoảnh khắc thành công của mình. Và dù thành công hay thất bại, đây cũng là thời điểm để bạn nhìn nhận lại khách quan những nỗ lực và cố gắng cũng như rút ra được những bài học kinh nghiệm cho mình.
Chúc bạn thành công với những dự định trong tương lai nhé!
Xem thêm: “Career break” – Khi nào thì bạn cần một khoảng nghỉ cho sự nghiệp?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.