Học, học nữa, học mãi
Đừng nghĩ rằng đã bước ra khỏi ghế nhà trường là bạn ngừng tiếp thu kiến thức. Sai lầm lớn nhất của một người đó là ngưng việc học hỏi và chỉ làm theo những công việc giao sẵn như một cái máy. Hãy sử dụng khoản thời gian trống để đăng ký một khóa học kĩ năng, hay tự đọc sách, tìm hiểu trên mạng những kiến thức bổ ích. Bây giờ chưa cần đến nhưng biết đâu trong tương lai, đó sẽ là hành trang quan trọng bạn mang theo khi gây dựng sự nghiệp.
Đầu tư về sức khỏe
Hãy bắt đầu học cách quan tâm đến sức khỏe của bản thân hơn từ bây giờ. Đừng để đến khi phát hiện ra một căn bệnh nào đó thì đã quá muộn. Sức khỏe là tài sản quý giá nhất giúp bạn thành công trong tương lai. Do đó, bạn nên lên kế hoạch cho các buổi khám sức khỏe tổng quát định kỳ và hăng hái tập thể dục mỗi ngày, xây dựng thói quen sống lành mạnh và tuyệt đối đừng quên đầu tư cho các chính sách bảo hiểm sức khỏe nhé.
Học cách tiết kiệm tiền
“Vung tay quá trán” cho việc shopping vào cuối tuần không hồi kết hay “la cà” hàng quán quá nhiều? Không sao cả nếu như bạn vẫn dành ra được một khoản tiết kiệm cho riêng mình! Đừng suy nghĩ chỉ vì mức lương không cao nên bạn không cần tiết kiệm hoặc tâm lý tuổi trẻ cứ hưởng thụ hết mình. Hãy dành ra một phần cố định trong quỹ lương hàng tháng làm khoản tích góp chuẩn bị cho sau này. Nếu một mai bạn quyết định đầu tư hoặc thực hiện một dự định nào đó lớn lao, số tiền này sẽ là “phao cứu sinh” thần thánh của bạn đấy.
Vạch rõ bước đi tài chính ngắn hạn và dài hạn
Bài toán kinh tế luôn thay đổi và đòi hỏi những cái đầu nhanh nhạy nắm bắt tình thế tốt nhất. Để tiến đến một quãng đường dài, bạn cần bắt đầu từ những bước đi tài chính ngắn nhất. Liệt kê những khoản chi tiêu cần được ưu tiên để tranh thủ thực hiện trước như mua xe, mua nhà,… Sau đó, khi đã đạt được các mục tiêu quan trọng trong đời, bạn mới có thể bắt đầu tính tới bước đi dài hạn như đầu tư cho một khoản bất động sản hay chứng khoán chẳng hạn. Những mục tiêu ngắn hạn khi đã được liên tục sẽ giúp chúng ta không ngừng nghỉ tiến đến sự ổn định về cuộc sống và cả tài chính cá nhân.
Sắp xếp lịch làm việc, sinh hoạt khoa học
“Nước tới chân mới nhảy” là căn bệnh của tuổi trẻ, không phải của những người trưởng thành. Do đó, bạn cần xây dựng cho mình một kế hoạch cân bằng công việc và cuộc sống. Ghi chép rõ ràng các nhiệm vụ cần thực hiện trong tháng/tuần/ngày để không bỏ lỡ bất kỳ điều quan trọng nào. Thói quen ngăn nắp và có kế hoạch trong cuộc sống sẽ giúp bạn đón nhận thành công dễ dàng hơn trong tương lai.
Củng cố niềm tin vào bản thân mình
Đã U30 đến nơi nhưng vẫn không có sự nghiệp ổn định có phải do năng lực bản thân yếu kém? Đừng để những tư duy tiêu cực cản trở động lực tiến thân của bạn. 30 chưa phải là Tết! Hãy tập thói quen đặt niềm tin vào bản thân mình, luôn nghĩ rằng bạn có thể làm được thì bạn mới có tự tin để gặt hái thành công phía trước. Bản thân bạn là một thứ tài sản có giá trị nhất. Hãy cứ mạnh dạn bước đi, dù có thất bại thì đó cũng sẽ là kinh nghiệm cho bạn sau này.
Muốn đạt được một mục tiêu nào đó trước tuổi 30, không chỉ có một kế hoạch rõ ràng mà đòi hỏi cần phải có sự kiên trì và nỗ lực. Thành công không đến chỉ sau một giấc ngủ. Hãy cố gắng tạo ra những thay đổi nhỏ từ hôm nay. Rồi một ngày, thành công cũng sẽ gọi tên bạn!
–HR Insider–
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.