Michelle Phan là ngôi sao trên YouTube với các video dạy trang điểm, đồng thời là nhà sáng lập hãng kinh doanh mỹ phẩm Ipsy. Sau 10 năm, kênh YouTube của cô đã có hơn 8,8 triệu người đăng ký theo dõi. Bản thân Phan cũng đã trở thành triệu phú từ vài năm trước.
Tuy nhiên, cô cũng biết rất rõ thế nào là thất bại. Năm 2013, Phan ra mắt dòng sản phẩm trang điểm có tên EM, hợp tác cùng đại gia mỹ phẩm L’Oreal. Tuy nhiên, EM có doanh số rất ảm đạm, chủ yếu vì giá quá cao.
Sự thất bại này đã khiến Phan rơi vào trầm cảm. Sau đó, cô ngừng đăng video mới lên kênh YouTube, khiến nhiều người theo dõi lo lắng. “Tôi tỉnh dậy và cảm thấy tuyệt vọng. Tôi chẳng biết tại sao nữa”, cô nói.
Đây không phải lần đầu tiên Phan có cảm giác này. Cùng bố mẹ từ Việt Nam sang Mỹ khi còn nhỏ, cô phải lớn lên trong cảnh nghèo khó, dùng tem phiếu thực phẩm và bị bắt nạt ở trường. Internet đã giúp cô có nhiều bạn bè và sự an ủi. Tuy nhiên, nó cũng khiến Phan phải hy sinh nhiều niềm vui khác sau này.
Dưới đây là câu chuyện được cô chia sẻ trên website chuyên về phong cách sống – Refinery 29, vài ngày trước khi tái ra mắt thương hiệu EM:
“Tôi đăng video đầu tiên của mình lên YouTube chỉ để cho vui thôi. Nhưng cũng phải nói thật là khi ấy tôi đã nghĩ nếu mình có nhiều người theo dõi và có sức ảnh hưởng, mình sẽ được công ty nào đó gọi phỏng vấn và đi làm. Tôi cho rằng nó sẽ là một lợi thế, chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ được như ngày hôm nay. Nếu được làm lại, tôi sẽ thay đổi rất nhiều thứ ngay từ ban đầu. Vì tôi đã phạm phải rất nhiều sai lầm.
Internet là nơi mọi thứ lỗi thời quá nhanh. Trước Facebook là Myspace, và trước đó là Friendster. Những mạng xã hội này như các quán bar nổi tiếng vậy. Ở thời điểm này, nó là xu hướng, rồi sau đó, mọi người chuyển sang nơi khác. Tôi tự nhủ với bản thân: “Mình ở trong ngành làm đẹp. Sau 25 tuổi, mình sẽ lỗi thời mất, sẽ bị thay thế bởi những người trẻ hơn, xinh đẹp và nổi tiếng hơn”.
Đó là lý do tôi làm việc điên cuồng. Tôi nghĩ rằng nếu chăm chỉ khi còn trẻ, về sau, tôi sẽ được hưởng thành quả. Thế là tôi chỉ làm việc thôi. Tôi phát triển Ipsy và tạo ra một bảng màu với Lancôme. Cùng lúc, tôi cũng làm 2 video mới mỗi tuần. Cả cuộc đời tôi chỉ có công việc. Tôi không ra ngoài, không có cuộc sống xã hội. Tôi biết rằng nếu muốn điều gì đó, mình sẽ phải hy sinh một số thứ.
Sau đó, nhờ thành công trong việc hợp tác với Lancôme, L’Oréal tìm đến tôi, đề nghị hợp tác tạo ra thương hiệu mỹ phẩm EM năm 2013. Thế là chúng tôi bắt đầu với 200 sản phẩm. Tôi có quyền kiểm soát màu sắc và thiết kế, nhưng bị hạn chế về quyết định kinh doanh.
Vấn đề là giá của chúng quá cao so với đối tượng chúng tôi nhắm đến – học sinh và sinh viên. Vì thế, chúng tôi đã không đạt kết quả như kỳ vọng. Khi thương hiệu thất bại, tôi đã rất buồn. Vì tôi đã hy sinh 3 năm và chẳng thể lấy lại quãng thời gian đó. Tôi bắt đầu đi du lịch nhiều hơn, chẳng bao giờ ở nhà, ít gặp gia đình.
Năm 2015, Ipsy huy động được 100 triệu USD. Tôi quyết định mua lại EM Cosmetics. Tôi muốn có sự tự do. Tôi cho rằng đó là vấn đề quan trọng nhất. Khi bạn cảm thấy mình được tự do, bạn sẽ quyết định tốt hơn. Đó là điều trước kia tôi không biết. Tôi học trường nghệ thuật, chứ không phải trường kinh doanh. Và giờ nhìn lại, tôi mới nhận ra: “Ồ, mình có thể làm mọi thứ hoàn toàn khác”.
10 năm liền, tôi đã dính với Internet, làm video, đăng video, trả lời bình luận của mọi người. Cứ như thế 24/24, chẳng khác nào bệnh viện cả. Tôi bắt đầu mệt mỏi đến mức sợ tiếng chuông báo tin nhắn trên điện thoại. Đó là khi tôi nhận ra lối sống này không hề lành mạnh. Thế là tôi bắt đầu với vài thay đổi nhỏ, như laptop hỏng thì tôi cũng nghỉ làm luôn. Tôi sẽ nghỉ ngơi, ngủ hoặc làm thứ gì đó không online.
Sau đó, tôi bắt đầu ngừng dùng Internet suốt cuối tuần. Tôi cảm thấy mình như bị trầm cảm. Thế là tôi lên mạng và làm cả chục bài kiểm tra, tất cả đều cho ra kết quả “trầm cảm nghiêm trọng”. Nó như một tiếng chuông cảnh tỉnh với tôi vậy. Tôi không thể làm một nữ doanh nhân dành 100% thời gian để chạy đua được.
Bạn biết không? Tôi kiếm tiền cũng khá nhờ Ipsy. Tôi rất hài lòng với kênh YouTube của mình. Tôi đã có mọi thứ mình muốn. Nhưng vì sao tôi vẫn cảm thấy cần có thêm nữa? Thế là tôi quyết định gói cả cuộc đời mình vào một chiếc vali nhỏ, mua vé một chiều đi Thụy Sĩ vào đầu năm ngoái.
Tôi chẳng có kế hoạch nào cả, cứ vừa đi vừa tính thôi. Tôi đã tới Thụy Sĩ, Ai Cập, Hà Lan và Trung Quốc. Cuối cùng, tôi đã nghe được tiếng nói của chính mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới quá kết nối, đến mức không cần cho bản thân thời gian kết nối với người khác nữa. Và khi thời gian dịch chuyển chậm lại, tôi cảm thấy thật tuyệt vời.
Tuy nhiên, nhiều người lại tưởng tôi đã chết ấy chứ. “Cô đang ở đâu rồi Michelle? Cô có ổn không thế?” Họ cho rằng có chuyện không hay đã xảy đến với tôi. Nhưng tôi thực sự chỉ cần nghỉ ngơi một thời gian thôi. Nó cũng là một cách để thông báo với họ rằng những người như tôi cần chậm lại.
7 tháng nghỉ ngơi đó đã giúp tôi có sự yên tĩnh cần thiết để hiểu rõ mình cần tập trung vào đâu. Tôi nhận ra rằng mục tiêu trước đây của mình được quyết định bởi người khác, như mẹ tôi, gia đình, bạn bè.
Khi bỏ đi những áp lực từ kỳ vọng của mọi người, tôi mới nhận ra mình muốn gì. Đó là lý do tôi quyết định tái ra mắt thương hiệu của mình. Lần này, giá của chúng sẽ chỉ vào khoảng 10 – 15 USD, thay vì 75 USD như trước đây.
Sản phẩm của tôi không mới, nhưng sẽ mang tính nghệ thuật. Tôi sẽ đặt cả tâm hồn mình vào trong đó. Công ty này là của tôi. Và lần này, tôi sẽ không sợ thất bại nữa. Nói như Jon Snow thì: Tôi không ngại chết thêm lần nữa đâu.”
– Theo Vnexpress –
— HR Insider / VietnamWorks —
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.