1. Nhân viên không biết mình phải làm gì
Theo khảo sát, hầu hết cấp dưới không nắm rõ sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược…của công ty mà mình đang làm việc. Theo bạn, đây là lỗi của sếp hay nhân viên?
Nhiều người cho rằng, tìm hiểu về công ty là điều mà mọi nhân viên đều phải làm ngay từ khi ứng tuyển. Tuy nhiên, khi đã trở thành nhân viên chính thức, sự hiểu biết tổng quan đó không bao giờ là đủ. Thực tế, nhân viên của bạn có nhận biết được vai trò, nhiệm vụ của họ hay không đều phụ thuộc ở cách mà bạn quản lý, truyền tải, giao phó công việc.
2. Nhân viên không có động lực làm việc
Nhận trách nhiệm và hoàn thành trách nhiệm là công việc của mọi nhân viên. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chính xác được mức ảnh hưởng của những công việc mà mình đang đảm nhiệm đối với sự phát triển chung của doanh nghiệp. Bất cứ ai cũng vậy, nếu chúng ta chỉ biết làm việc mà không biết tầm quan trọng của những điều mà mình đang làm thì thật khó để bản thân có thể cố gắng hết mình, nỗ lực phấn đấu để gặt hái thành công.
3. Môi trường làm việc nhàm chán
Môi trường làm việc là một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động trực tiếp đến thái độ làm việc của nhân viên. Làm việc tại một công ty có bầu không khí gò bó, nhàm chán…sẽ mang lại cho chúng ta những cảm xúc tiêu cực. Dường như niềm đam mê dành cho công việc, hay sự khát khao được cống hiến năng lực…trong mỗi nhân viên ngày càng giảm dẫn đến sự bị động, trì trệ, bất hợp tác trong quá trình làm việc. Tệ hại hơn, nguy cơ một số nhân viên quyết định “dứt áo ra đi” là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
4. Mâu thuẫn với đồng nghiệp
Bất kì doanh nghiệp nào cũng tồn tại những mâu thuẫn trong các mối quan hệ đồng nghiệp. Hàn gắn nhân viên là điều không phải ai cũng làm được, do đó, trước hết, hãy làm mọi cách để đảm bảo những mâu thuẫn này không làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của công ty bạn. Đôi lúc, nếu không tìm được cách giải quyết hiệu quả, nhà lãnh đạo buộc phải loại bỏ những nhân viên “cứng đầu”, gây ra nhiều cản trở cho doanh nghiệp.
5. Sự cố gắng của nhân viên không được ghi nhận
Khi nhân viên hi sinh quá nhiều công sức, thời gian để hoàn thành tốt nhất những công việc nhưng không được ghi nhận hoặc đơn giản chỉ là một vài lời biểu dương từ sếp, họ sẽ nghĩ rằng bản thân không đóng góp gì được cho công ty dù đã cố gắng hết mình, hoặc cho rằng sếp không ưa mình. Vì vậy, họ không còn muốn tiếp tục cống hiến quá nhiều cho công việc vì chán nản, thất vọng về bản thân, hoặc bất mãn vì không được ghi nhận thành quả.
6. Nhà lãnh đạo quá cầu toàn
Cầu toàn là một đức tính mang cả ưu điểm và nhược điểm. Khi làm việc, nhà lãnh đạo cầu toàn luôn muốn nhân viên hoàn thành công việc một cách hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, trước khi đòi hỏi cao ở cấp dưới, bạn phải chắc chắn rằng nhân viên của mình có đủ điều kiện, năng lực để đáp ứng nhu cầu mà bạn đưa ra thông qua việc tổ chức các buổi huấn luyện, cung cấp công cụ hỗ trợ làm việc, tư vấn giúp đỡ khi nhân viên gặp khó khăn,…
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.