Jim Rohn – một doanh nhân và là nhà diễn thuyết người Mỹ đã nói “Tương lai không tốt đẹp hơn nhờ hy vọng, nó tốt đẹp hơn nhờ hoạch định. Và để hoạch định cho tương lai, chúng ta cần mục tiêu”. Vậy mục tiêu của bạn trong buổi phỏng vấn xin việc là gì? Là trả lời được tất cả các câu hỏi hay trả lời thật hay và ấn tượng? Nếu bạn lựa chọn phương án 2 thì hãy đọc ngay những bài phỏng vấn mẫu quan trọng dưới đây.
Giống như Jim Rohn đã nói, để có được một tương lai tốt đẹp hơn, bạn cần phải đưa ra những kế hoạch và mục tiêu cụ thể. Đặc biệt là khi bắt đầu một cuộc phỏng vấn xin việc làm. Bạn sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều ứng viên. Chính vì thế, việc chuẩn bị trước cho mình một bài phỏng vấn mẫu là rất cần thiết.
1. Bài phỏng vấn mẫu – Phần giới thiệu bản thân
Câu hỏi nhà tuyển dụng đặt ra: Anh/chị hãy tự giới thiệu về bản thân mình
Hãy dùng một lời chào trân trọng đến nhà tuyển dụng trước khi bắt đầu trả lời câu hỏi này. Hãy cảm ơn họ vì đã tạo cho bạn cơ hội để có bài phỏng vấn hôm nay.
Tiếp theo đó, các ứng viên nên trả lời câu hỏi đảm bảo nguyên tắc 30s nhưng phải đầy đủ các nội dung: Học vấn, kinh nghiệm làm việc, điểm mạnh và yếu.
Thay vì dành thời gian để nói về những điều đã có trong đơn xin việc, bạn hãy nói về những điểm nổi bật hơn của mình so với ứng viên khác.
2. Bài phỏng vấn mẫu – Những câu hỏi mang tính đánh giá năng lực
Tại sao chúng tôi nên chọn anh chị thay vì những ứng viên khác?
Đây là câu hỏi thứ 2 thường xuất hiện trong bài phỏng vấn mẫu. Khi được hỏi về vấn đề này thì bạn nên ngầm hiểu rằng nhà tuyển dụng đang muốn biết năng lực làm việc của bạn như thế nào và kỹ năng ứng xử có tốt hay không.
Do đó, đừng tỏ ra hoang mang hay lúng túng và tự ti về năng lực của mình. Vì nếu bạn không tin vào năng lực của mình thì làm sao nhà tuyển dụng có thể tin tưởng được đúng không?
Hãy dùng thái độ tự tin và nụ cười thân thiện để trình bày trong bài phỏng vấn. Nói cho họ nghe những kinh nghiệm làm việc mà bạn có, những kỹ năng đặc biệt và tố chất phù hợp với công việc này.
Ví dụ: Tôi cảm ơn câu hỏi rất hay của nhà tuyển dụng, tôi xin phép không so sánh mình với những ứng viên khác. Tuy nhiên, cá nhân tôi tin rằng mình có đủ những kiến thức và kỹ năng để đảm nhận công việc này. Ngoài ra, tôi là một người rất thích học hỏi cái mới, tiếp thu nhanh và có tính kiên nhẫn. Do đó, tôi thấy mình chính là ứng viên phù hợp mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
Điểm mạnh và yếu của anh/chị là gì?
Trong những bài phỏng vấn mẫu thì lời khuyên dành cho bạn chính là hãy liệt kê những điểm mạnh liên quan đến vị trí ứng tuyển của mình. Và hạn chế nói đến điểm yếu. Hoặc nếu có thì hãy nói những điểm yếu không liên quan mấy đến vị trí tuyển dụng và có khả năng khắc phục.
Mức lương mà anh chị mong muốn là bao nhiêu?
Đây là một câu hỏi mang tính rà soát trong bài phỏng vấn của bạn. Nếu bạn đã nắm chắc được mức lương tương đương ở vị trí này thì hãy thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình.
Còn nếu bạn không chắc chắn mức lương được hưởng thì hãy khéo léo trì hoãn câu trả lời.
Hoặc nếu quá cấp bách thì cũng có thể nói “Ông/bà cũng đã biết được mức lương làm việc trước đó của tôi ở công ty abc là …Tôi hy vọng rằng mức lương của mình sẽ có bước tiến hơn so với công ty trước và tất nhiên tôi sẽ hoàn thành tốt công việc, xứng đáng với mức lương được trả.
Trong bao lâu thì anh chị có thể đóng góp được cho công ty?
Bài phỏng vấn mẫu thường khuyên bạn nói những mốc thời gian ngắn hạn phù hợp. Không nên nói thời gian quá dài vì điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng ái ngại bạn. Hoặc cũng không nên nói khoảng thời gian quá ngắn, vì như thế sẽ gây áp lực cho chính bạn.
Đối với một công việc mới lần đầu đảm nhận thì mốc thời gian thích hợp là 6 tháng.
Ngoài những câu hỏi đã chuẩn bị trên, bạn cũng nên tập trước bài phỏng vấn mẫu của mình với một người bạn chẳng hạn. Điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn trong lần phỏng vấn thật sự.
Mọi mục tiêu đặt ra trong bài phỏng vấn mẫu sẽ là kết quả bạn đạt được trong buổi phỏng vấn thật. Vì thế, hãy chuẩn bị trước cho mình hành trang thật kỹ càng khi muốn bắt đầu công việc mới.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.