Ở tuổi 22, chúng ta ra trường với nỗi lo lắng thường trực rằng liệu có kiếm được việc không. Một “cuộc đua chuột” mới lại bắt đầu.
Đến tuổi 25, khi suy nghĩ kết hôn nhen nhóm trong đầu, vậy là lại phải đắn đo xem khi nào mua được nhà, được xe thì mới kết hôn chứ?
30 tuổi, con sắp vào lớp một rồi, có tiền mới cho con học trường tốt được chứ?
“Tiền nhiều để làm gì?” – “Thế cũng hỏi à? Để có một cuộc sống tốt hơn”. Nghĩ đi nghĩ lại cũng không sai, nhưng có thật đó là điều lôi kéo tất cả những người trẻ đang lao vào một “cuộc đua chuột” ngoài kia không? Hãy để số liệu kể cho bạn một câu chuyện về mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc.
Theo một nghiên cứu của Wells Fargo vào năm 2017 khảo sát với 1771 người, những người trẻ trong độ tuổi từ 20-36 coi sự thỏa mãn và niềm hạnh phúc xuất phát từ sự ổn định và trách nhiệm tài chính – bạn có thể hiểu nôm na là việc sử dụng tiền bạc một cách hợp lý, cân đối. Khoảng ⅓ người tham gia thấy hài lòng với khả năng tài chính của mình, 62% nhìn chung cảm thấy vui vẻ và khoảng 65% tổng số người miêu tả cuộc đời mình bằng từ “ý nghĩa”.
Kết quả của cuộc khảo sát đã giúp phần nào hình dung được những quan điểm và thái độ của người trẻ về các mối quan hệ, sự nghiệp, niềm hạnh phúc và vấn đề tài chính. Thế hệ Y – tương lai của thế giới không gắn hạnh phúc với mưu cầu tiền bạc nhưng việc sử dụng tiền một cách trách nhiệm và hiểu rõ tình hình tài chính của mình giúp họ sống thoải mái hơn. Với 88% người trẻ, thành công trong cuộc sống không phải về phát triển tiền bạc mà về cuộc sống hạnh phúc – tình yêu và gia đình. ¼ millennials không quan tâm về tiền bạc và điều thú vị trong cuộc khảo sát rằng đàn ông thường hạnh phúc hơn phụ nữ (68% và 58%).
Tôi tin rằng những người luôn giao giảng về việc người trẻ phải làm hết mình đi không về già sẽ hối tiếc vì không có tiền sẽ thấy chút chột dạ khi đọc bài viết này.
Đau đầu với nỗi lo tiền bạc
Gần một nửa người trẻ (46%) chỉ ra rằng họ gặp vấn đề với việc nợ trong khi 43% luôn lo lắng về việc trả các chi phí chăm sóc sức khỏe. Cứ 5 người thì có khoảng 2 người nói rằng họ vẫn đang phụ thuộc tài chính vào bố mẹ, bạn bè hay chồng/vợ của mình. Thế hệ trẻ hoàn toàn nhận thức được những gánh nặng tài chính của mình xoay quanh đồng tiền. Tuy nhiên, tới 69% người được hỏi nói rằng họ cảm thấy sẵn sàng để vượt qua nỗi lo tài chính đó.
Tuy nhiên, đó không phải những điều có thể ngăn người trẻ tìm đến niềm vui trong cuộc sống. Có đủ tiền để sống là bạn đã có đủ tiền để sống hạnh phúc – chúng ta dùng tiền để mua thức ăn, mua quần áo để giữ ấm chứ không để mua địa vị, mua hình ảnh bản thân. Hạnh phúc và tiền bạc chỉ xoay quanh một chữ “đủ” nhưng người ta mất cả cuộc đời để hiểu được điều này.
Những người trẻ hạnh phúc là những người hiểu rõ tài chính của bản thân
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà nói thế nào đi nữa, tiền bạc vẫn chi phối và ảnh hưởng đến “hạnh phúc” của mọi người – dù theo cách nào đi nữa. Cho dù hạnh phúc thường gắn với những mối quan hệ chứ không phải tài chính, đó vẫn là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của người trẻ. Tuy nhiên, vấn đề không phải nằm ở việc có nhiều tiền hay không.
“Càng hiểu rõ về vấn đề tài chính của bản thân, những người trẻ sẽ càng hạnh phúc hơn- và điều đó đã được chứng minh bởi nhóm những người trẻ đồng ý với cả 5 quan điểm chúng tôi gọi là Chỉ số tài chính tính cực”, Kristi Mitchem, CEO của Wells Fargo cho biết. “Điều thú vị ở đây là nhiều người trẻ không nhận ra việc hiểu rõ vấn đề tài chính của bản thân có thể dẫn đến hạnh phúc”.
Trong nghiên cứu này, 5 khẳng định đánh giá mức độ tương tác, hiểu rõ tình hình tài chính của bản thân trong việc đưa ra các mục tiêu tài chính và đạt được những mục tiêu đó hay kế hoạch lương hưu. Dựa vào kết quả, 36% những người đạt được cả 5 tiêu chí trên thường nhìn nhận mình có cuộc sống hạnh phúc hơn những người còn lại. Bao gồm:
- “Tôi có đủ tiền để tiết kiệm khi cần cho tương lai”. Trong tổng số trả lời, 58% người trẻ nhận thức được điều này.
- “Tôi đang tiết kiệm cho đến lúc nghỉ hưu”. Trong tổng số trả lời, 58% người trẻ nhận thức được điều này.
- “Tôi cảm giác mình có thể kiểm soát tình hình tài chính của bản thân”. Trong tổng số trả lời, 68% người trẻ nhận thức được điều này.
- “Tôi tích cực trong việc đề ra kế hoạch cho tình hình tài chính của bản thân”. Trong tổng số trả lời, 83% người trẻ nhận thức được điều này.
- “Tôi có khả năng chi trả mọi chi phí hàng tháng”. Trong tổng số trả lời, 85% người trẻ nhận thức được điều này.
Vấn đề quan trọng không phải bạn có nhiều tiền để cảm thấy hạnh phúc mà cách bạn kiểm soát số tiền mình có để mưu cầu hạnh phúc. Câu chuyện hạnh phúc không còn xoay quanh ai có nhiều tiền hơn, đó là ai quản lý và nhận thức được về tiền của mình hơn. Tiền nhiều không có quá nhiều ý nghĩa nếu không biết sử dụng nó và nhận thức được về tiền thấu đáo.
Cội nguồn của cuộc sống hạnh phúc với người trẻ?
Khi nhắc tới khía cạnh sự nghiệp, những người trẻ làm việc toàn thời gian cho rằng có được một công việc ý nghĩa, đúng với sở thích của bản thân là một khía cạnh quan trọng của cuộc sống (với tỷ lệ 94%) và 77% cảm thấy vui vẻ khi đi làm mỗi ngày. Nhưng gốc rễ của hạnh phúc nằm ở những mối quan hệ và tình yêu trong cuộc sống. Khi được hỏi hãy chọn ra 5 từ để miêu tả những điều gắn với hạnh phúc, bạn có đoán được 5 từ nào chiếm tỷ lệ cao nhất không?
“Tình yêu” (62%)
“Mọi điều thuận lợi” (23%)
“Tiền bạc” (10%)
“Công việc” (4%)
“Sức mạnh” (1%).
“Love wins” – tình yêu đã chiến thắng.
Cụ thể hơn, việc dành thời gian với gia đình (72%) và bạn bè (61%) khiến những người trẻ cảm thấy hạnh phúc nhất, đi theo đó là giúp đỡ những người khác (59%). Trong 3 khía cạnh cao nhất về mức độ hài lòng cuộc sống, những người trẻ tham gia khảo sát cho rằng các mối quan hệ gia đình là quan trọng nhất (56%); theo sau đó là đời sống trí tuệ (52%) và các sở thích (50%). Trong khi đó chỉ có ⅓ cảm thấy hài lòng với cuộc sống tài chính và họ coi sự đảm bảo về mặt tài chính chỉ quan trọng như vấn đề sức khỏe và tinh thần.
Thế hệ Y bị ám ảnh bởi nỗi lo về tài chính nhưng họ luôn tin rằng chính những mối quan hệ và tình yêu mới là cội nguồn của hạnh phúc. Dành thời gian với gia đình và bạn bè, đầu tư vào những trải nghiệm thay vì vật chất và giúp đỡ người khác trong cuộc sống mới là điều thực sự có ý nghĩa với thế hệ Y. Những người trẻ biết rằng đảm bảo về mặt tài chính rất quan trọng và góp phần vào một cuộc sống hạnh phúc nhưng chắc chắn, đó không phải là mong muốn tột bậc, động lực khiến người ta dành cả đời để theo đuổi.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.