“Phòng cháy hơn chữa cháy”, trước khi đi vào các bước xử lý tình huống, Vui Vẻ muốn khẳng định lại phương châm này. Do văn phòng làm việc thường có rất nhiều vật dễ bắt lửa như máy móc, giấy tờ, nên mỗi người chúng ta đều cần phải đặt ý thức và trách nhiệm của mình ngay cả trong những hành động nhỏ nhất.
Theo dõi thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đa số những nạn nhân trong các vụ cháy bị thiệt mạng vì ngạt khói trước cả khi lửa kịp lan tới. Điều đầu tiên bạn cần làm là phải giữ bình tĩnh và làm theo những cách dưới đây, chúng có thể cứu mạng bạn và những người xung quanh:
Không bao giờ được xem thường tín hiệu chuông báo cháy
Hệ thống chuông tín hiệu báo cháy ở một số công ty đôi khi hay “chạm mạch” và đưa ra những báo hiệu giả. Điều này khiến cho nhân viên trở nên “lờn” và không nhanh chóng thoát thân. Thậm chí, một số công ty do tập dợt phòng cháy chữa cháy nhiều nên nhân viên… không tin có cháy thiệt khi chuông vang lên. Tuyệt đối không được xem thường tín hiệu cháy vì chính những phút đầu tiên này là thời điểm an toàn nhất để bạn thoát thân. Đợi đến khi tận mắt thấy ngọn lửa thì đã quá muộn rồi.
Dùng bình chữa cháy và ấn chuông báo động
Ngay khi hỏa hoạn xảy ra, nếu có khả năng, hãy sử dụng bình cứu hỏa để dập lửa và ấn chuông báo động. Ngay bây giờ, bạn hãy chú ý xem cửa thoát hiểm, bình cứu hỏa của công ty đặt ở đâu để có thể chủ động trong những tình huống xấu. Ngày nào cũng đi làm nhưng nhiều người lại không hề để ý những dụng cụ quan trọng này nằm ở đâu. Tuy nhiên, nếu tình hình vượt tầm kiểm soát, bạn hãy rời khỏi hiện trường ngay lập tức.
Lưu ý, bạn nên tránh xa những thiết bị điện dễ phát nổ như máy photocopy, máy tính, lò vi ba, hệ thống điện, máy của công ty…
Gọi 113, 114 hoặc 115
Bắt điện thoại ngay để gọi cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Nhưng nếu bạn để quên điện thoại ở đâu đó, đừng cố gắng tìm mà hãy rời khỏi và nhờ sự giúp đỡ của những người khác. Bạn có thể gọi bất kỳ một trong ba số 113, 114 hoặc 115 vì kể từ năm 2015, ba đầu số khẩn cấp này đã được liên thông với nhau và được sử dụng cho mọi tình huống khẩn cấp.
Sử dụng thang bộ thay vì thang máy
Nếu văn phòng của bạn nằm ở một tòa nhà cao tầng, hãy nhớ sử dụng thang bộ chứ đừng dùng thang máy để đi xuống.
Trong trường hợp bạn bị mắc kẹt ở văn phòng làm việc cao tầng và không thể thoát thân, hãy ra chỗ cửa kính và dùng quần áo sáng màu vẫy, ra hiệu cho người bên ngoài biết bạn đang ở đây.
Dùng vải ướt che mặt
Dùng bất cứ thứ gì quanh bạn như áo, khăn, khẩu trang… thấm nước để bịt mặt. Điều này giúp khói không tràn vào phổi bạn được. Đây chính là “mặt nạ phòng độc”giúp bạn không bị ngạt, dẫn đến ngất xỉu. Tại văn phòng làm việc, bạn có thể dùng khăn trải bàn, áo, dùng kéo cắt rèm cửa,… và dùng nước ở những bình nước uống, bình cắm hoa để thấm. Không nên “bất chấp” chạy vào nhà vệ sinh vì trong những công ty, nhà vệ sinh thường được thiết kế ở những góc cụt hoặc cuối hành lang. Bạn cũng có thể dùng rèm cửa cuốn quanh mình.
Di chuyển bằng cách bò rạp dưới sàn
Nếu quần áo của bạn bị bén lửa, đừng hoảng hốt chạy lung tung, hãy cuộn xuống sàn lăn qua lại để dập tắt lửa. Khi khói bắt đầu dày đặc, di chuyển bằng cánh bò dưới sàn để tránh hơi nóng và khói dày đặc bên trên. Những chiếc áo vét cũng có thể dùng để dập tắt ngọn lửa nhỏ trong trường hợp cần thiết.
Luôn đóng cửa và cẩn thận khi mở cửa
Những công ty đa số có rất nhiều phòng ốc, nên khi bạn rời khỏi một căn phòng đang cháy, hãy đóng cửa lại. Điều này giúp hạn chế cháy lan, ngọn lửa sẽ mất nhiều thời gian hơn để mở rộng sang tầng hoặc khu vực khác. Cũng vì điều này, trước khi mở một cánh cửa nào đó, bạn hãy đứng ở bên mép cửa thay vì đứng chính diện để đề phòng lửa phực ra khi cửa mở.
Tuyệt đối không mở cửa sổ vì oxy bên ngoài có thể thu hút lửa ở chửa chính “lao” đến bạn. Cửa sổ chỉ mở khi bạn chắc chắn có thể nhảy xuống hoặc men theo vách tường thoát hiểm.
Sau khi thoát hiểm.
Khi bạn đã ra khỏi nơi xảy ra hỏa hoạn, đừng quay trở lại dù là để tìm người khác. Thông báo với lính cứu hỏa về những đồng nghiệp bạn nghĩ vẫn còn đang mắc kẹt bên trong để họ có thể cứu người một cách nhanh nhất. Hỗ trợ lính cứu hỏa trong việc kiểm kê số người đã an toàn và những ai còn mất tích.
Cẩn tắc vô áy náy, hãy tự trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho bản thân vì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu bạn làm việc ở một nơi có nhiều người hay văn phòng cao tầng, điều thiết yếu nhất vẫn là giữ bình tĩnh, vì sẽ có rất nhiều người xung quanh trở nên hoảng loạn và kích động trong tình huống này.
– HR Insider / Vietnamworks –
Văn Phòng Confession – Chương trình chào sân hấp dẫn từ HR Insider phiên bản mới!
Nhân dịp HR Insider phiên bản mới vừa ra mắt, Mr. Vui Vẻ xin hé lộ một chút về cuộc thi “Văn Phòng Confession” – nơi bạn chia sẻ những trải nghiệm công sở của chính mình. Hãy giãi bày những tâm sự của mình để tìm thấy sự đồng điệu trong suy nghĩ với những bạn đọc khác tại cổng thông tin nhân sự lớn nhất Việt Nam. Đăng ký ngay tài khoản tại HR Insider để cập nhập những thông tin tiếp theo về cuộc thi nhé!
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.