Thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã trở thành nghĩa vụ của mỗi công dân có thu nhập tại Việt Nam. Nhưng nhiều người vẫn chưa có nhiều kiến thức và hiểu rõ về cách tính thuế. Vậy hãy cùng bài viết tìm hiểu 4 bước để tính thuế nhanh gọn nhất!
Bước 1: Xác định tình trạng cư trú
Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân được chia làm 2 loại là:
- Cá nhân cư trú
- Cá nhân không cư trú
Như vậy, việc chúng ta đi xác định tình trạng cư trú của người nộp thuế nghĩa là chúng ta xác định xem người nộp thuế đó là cá nhân cư trú hay là cá nhân không cư trú.
Vậy tại sao chúng ta phải xác định tình trạng cư trú của người nộp thuế?
Lý do là vì tình trạng cư trú sẽ quyết định đến nhiều khía cạnh khi tính thuế:
- Kỳ tính thuế (kỳ kê khai thuế):
Ví dụ đối với cá nhân không cư trú thì kỳ tính thuế của họ sẽ là tính theo từng lần phát sinh thu nhập. Áp dụng cho tất cả các loại thu nhập mà họ nhận được. Trong khi đó, đối với cá nhân cư trú, thì kỳ tính thuế sẽ tính theo năm từ tiền lương tiền công.
- Phạm vi thu nhập của người nộp thuế
Đối với cá nhân cư trú sẽ phải chịu thuế cho toàn bộ thu nhập kiếm được trên toàn cầu. Còn đối với cá nhân không cư trú thì chỉ cần nộp thuế cho phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam mà thôi.
- Các khoản giảm trừ áp dụng và thuế suất
Ví dụ như đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì họ sẽ được áp dụng khoản giảm trừ gia cảnh. Hoặc giảm trừ tiền bảo hiểm bắt buộc. Nhưng đối với cá nhân không cư trú thì không được áp dụng các khoản giảm trừ này.
Như vậy, việc xác định tình trạng cư trú rất quan trọng và cần phải làm đầu tiên.
Bước 2: Phân loại thu nhập
Tại sao chúng ta phải phân loại thu nhập? Những loại thu nhập khác nhau thì sẽ có thời điểm tính thuế, cách tính thuế và thuế suất thuế thu nhập cá nhân khác nhau.
Cụ thể, các loại thu nhập cá nhân được chia làm 10 loại:
- Thu nhập từ tiền lương tiền công: Là toàn bộ tiền lương, tiền công, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ,… mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động.
- Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh: Là thu nhập từ các hoạt động kinh doanh của các cá nhân tổ chức độc lập.
- Chuyển nhượng vốn: Là thu nhập từ việc mua chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu hoặc chuyển nhượng vốn góp từ các công ty.
- Thu nhập từ đầu tư vốn: Là phần tiền đầu tư vào một doanh nghiệp khác và họ trả lại cho chúng ta một phần lợi tức. Thì phần lợi tức đó chính là thu nhập từ đầu tư vốn.
- Chuyển nhượng bất động sản
- Thu nhập từ bản quyền: Ví dụ như bạn sáng tác ra một bài hát và bạn bán bản quyền bài hát. Và các ca sĩ sử dụng bài hát phải trả tiền cho bạn. Thì đó là thu nhập từ bản quyền
- Nhượng quyền thương mại: Thu nhập từ các hoạt động nhượng quyền thương mại
- Thu nhập từ thừa kế
- Quà tặng
- Trúng thưởng: Là thu nhập mà người lao động nhận được từ những hình thức trúng thưởng như xổ số, từ các trò chơi thưởng lớn từ các doanh nghiệp,…
Bước 3: Phân loại thu nhập đóng thuế thu nhập cá nhân
Có thể chia làm 3 loại thu nhập mà người lao động nhận được:
- Thu nhập chịu thuế
- Thu nhập không chịu thuế
- Và thu nhập miễn thuế
Trong 3 loại trên, thì người lao động chỉ tính thuế dựa trên thu nhập chịu thuế
Bước 4: Tính thuế thu nhập cá nhân phải nộp
Công thức chung:
Nghĩa vụ thuế = Thu nhập tính thuế * thuế suất
Thu nhập tính thuế sẽ được tính dựa trên cơ sở thu nhập chịu thuế
Ví dụ như người lao động nhận được 100 triệu từ tiền lương tiền công. Thì trong 100 triệu đó chúng ta xác định được thu nhập chịu thuế là 70 triệu, thu nhập không chịu thuế là 20 triệu, thu nhập tính thuế là 10 triệu.
Khi đó chúng ta sẽ sử dụng thu nhập chịu thuế là 70 triệu để tính ra thu nhập tính thuế tương ứng.
Và quan hệ giữa thu nhập tính thuế và thu nhập chịu thuế có thể chia làm 3 trường hợp:
Trường hợp 1:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ
Trường hợp này chỉ áp dụng với tiền lương tiền công của cá nhân cư trú
Trường hợp 2:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế
Trường hợp này thường áp dụng với các trường hợp thu nhập từ:
- Tiền lương tiền công của cá nhân không cư trú
- Hoạt động sản xuất kinh doanh
- Đầu tư vốn
- Chuyển nhượng vốn
- Chuyển nhượng bất động sản
Trường hợp 3:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – 10 triệu
Trường hợp này áp dụng cho các loại thu nhập từ:
- Bản quyền
- Nhượng quyền thương mại
- Trúng thưởng
- Thừa kế
- Quà tặng
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu xong 4 bước tính thuế thu nhập cá nhân. Hãy tìm hiểu kỹ và trau dồi cho mình kiến thức về thuế và pháp luật hoàn thành đúng nghĩa vụ của mình nhé.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.