Đối với những bạn newbie mới ra trường, thực tập có lương hay không lương luôn là vấn đề được quan tâm rất nhiều. Vậy thì việc một bạn newbie có mong muốn về vị trí thực tập có lương, thì đây là nhu cầu chính đáng hay là sự đòi hỏi? Để có được lời giải đáp cho câu hỏi này, hãy cùng VietnamWorks đi sâu vào phần phân tích của anh Châu Lê – COO của Đậu Má Mix kiêm Founder của Cộng đồng “Mar cũ chào Mar mới” nhé!
Theo quan điểm của anh Châu, thì thực tập có lương là phù hợp và hoàn toàn không sai, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vậy, và đừng đánh giá thấp những công việc thực tập không lương. Các bạn trẻ thường sẽ tư duy rằng thực tập hay học việc thì cũng là đang bỏ công sức, thời gian và đang tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, vậy nên có lương là đúng, còn không có lương là công ty đang bóc lột mình.
Đây không phải là vấn đề có thể xác định đúng hay sai một cách rõ ràng, thay vào đó, anh Châu sẽ “mổ xẻ” vấn đề này từ góc nhìn của cả doanh nghiệp lẫn góc nhìn của các bạn thực tập sinh mới đi làm để tìm ra được những giá trị cốt lõi.
Nếu bạn cho rằng việc công ty không trả lương cho thực tập sinh đồng nghĩa với việc công ty bóc lột sức lao động, thì nếu dựa trên góc nhìn của doanh nghiệp, bạn có thể đặt ra hai câu hỏi này rằng: Có thực sự là một bạn thực tập sinh sẽ tạo ra giá trị? Hay giá trị của bạn thực tập sinh tạo ra sẽ “lời” hơn chi phí công ty phải tuyển dụng và đào tạo hay không?
Khi bạn không thể đưa ra câu trả lời chính xác cho hai câu hỏi trên, bạn có thể xem xét một vài chi phí khi từ khi tuyển dụng đến khi một bạn nhân sự mới on-board do anh Châu Lê liệt kê:
– Tuyển dụng nội bộ: Chính sách riêng cho nội bộ nếu hỗ trợ giới thiệu ứng viên.
– Tuyển dụng bên ngoài: Phí đăng tin tuyển dụng, phí làm job-fair, phí chạy ads tuyển dụng, v.v
– Thời gian của HR/ Quản lý: Tổng thời gian lên content/ JD, đăng bài, lọc CV, gọi hẹn phỏng vấn, sắp xếp lịch, phỏng vấn vòng 1 2 3, gửi email, v.v.
– Đào tạo hội nhập: Giáo án hội nhập, tài liệu in ấn, tài liệu cho nhân sự mới/ welcome kit (tập vở, bút, thẻ đeo, v.v.)
– Sắp xếp nhân sự: Nhân sự nào sẽ chịu trách nhiệm đào tạo hội nhập, giới thiệu nhân sự/ company tour, chỗ ngồi ở đâu, v.v.
– COL (Cost of Labor – Chi phí nhân công) của đào tạo hội nhập: Ví dụ tổng cộng là 8 giờ – Tương ứng một ngày công và lương của nhân sự đó là 10 triệu, vậy chi phí cho phần hội nhập đang gần bằng 455 nghìn VNĐ.
– COL của quản lý đào tạo: Tổng cộng thời gian đào tạo kiến thức, kỹ năng, chuyên môn là một tuần – Tương ứng với 1/4 công tháng và lương của quản lý là 20 triệu, vậy chi phí cho phần đào tạo là 5 triệu VNĐ.
– COL cho các nhân sự khác phòng ban làm quen (về mặt thời gian).
– Các chi phí đào tạo khác như: Giáo án đào tạo, sử dụng phòng họp để đào tạo, không gian,…
– Không gian làm việc/ cơ sở vật chất: Chia ra từ diện tích sử dụng trên tổng không gian doanh nghiệp.
– Email doanh nghiệp: Phí khởi tạo và thời gian process từ team HR đến team IT.
– Tài liệu/ file/ biểu mẫu có sẵn.
– Phần mềm làm việc/ quản trị: Các phần mềm quản trị công việc/ giao tiếp (Base, Slack, v.v.), chấm công, v.v.
– Chi phí nhân sự giám sát quá trình làm việc trong probation time (thử việc).
“Mình thường xem đây là một khóa học về kỹ năng chuyên môn 1ON1 mà mình không phải trả phí. Còn nếu trả phí thì bạn có thể thử nghiên cứu sơ sơ là một khóa coaching/ mentoring như này sẽ đáng giá bao nhiêu rồi tự đánh giá nha. Vậy nếu đây là những chi phí mà doanh nghiệp đang bỏ ra để đầu tư cho bạn, cùng với một phần phụ cấp hoặc lương nho nhỏ nữa, thì bạn hãy chắc mình sẽ mang lại giá trị đáng giá, ít nhất gấp 4 – 5 lần những gì công ty đang đầu tư” – chia sẻ từ anh Châu Lê.
Đứng ở góc độ ngược lại của ứng viên thì khi được hỏi giữa việc lựa chọn thực tập có lương hay không lương, phần lớn các bạn newbie sẽ chọn ngay công việc có lương, bởi vì đây rõ ràng là một sự lựa chọn “lời” hơn. Thế nhưng xét ngược lại, nếu công việc thực tập đó không lương hoặc có lương rất thấp, bạn có thể cân nhắc về mặt lợi ích của bản thân để đưa ra quyết định có nên đánh đổi hay không. Một số lợi ích có thể kể đến như sau:
Bạn có thể tự trả lời một số câu hỏi như là:
– Có học được gì từ quản lý không: Từ kiến thức, kỹ năng, networking hoặc cơ bản là một tính cách nào đó.
– Có đang quan tâm đến bạn không: Bảo vệ quyền lợi, chú trọng đến sự phát triển/ lộ trình phát triển của bạn.
– Có đang cần bạn không: Cái này quan trọng, đừng làm ở một doanh nghiệp/ tổ chức không cần mình.
– Có đang tạo ra giá trị cho quản lý, cho doanh nghiệp không: Cái này không phải lợi ích cá nhân, nhưng là tính cấp thiết. Vì nếu đi làm mà không tạo ra giá trị đóng góp thì trước sau gì cũng tự bị đào thải, tốn thời gian của cả hai mà còn có ấn tượng xấu nữa.
Bạn có thể tự trả lời một số câu hỏi như là:
– Có học được gì từ họ không: Vẫn là về kiến thức, kỹ năng, networking hoặc một vài cách làm việc nào đó.
– Có được sự nhìn nhận/ tôn trọng từ họ không: Điều này rất quan trọng, các bạn newbie đừng làm trong một tập thể không tôn trọng mình hoặc công sức mình bỏ ra, nhưng nhớ nhìn nhận rõ là vấn đề từ mình hay từ họ.
– Có tích cực, có “healthy và balance” không: Điều này cũng quan trọng không kém, đồng nghiệp suốt ngày tụ tập nói xấu, xúi nghỉ việc hay âm ỉ chỉ trích cá nhân/ tổ chức thì mình cũng bị ảnh hưởng về mặt tâm lý. Nhưng dĩ nhiên ở đâu cũng sẽ có người này người kia, quyết định vẫn là ở bạn, phải biết chọn lọc thông tin tiếp nhận.
– Có nhận được gì từ họ không: Không nhất thiết phải là một vật hữu hình mới là nhận, mà đơn giản là nhận được sự hòa đồng, nhận được sự giúp đỡ, nhận được sự quan tâm, v.v.
– Môi trường có tuyệt vời không: Chỗ ngồi đàng hoàng, văn phòng gọn gàng, không khí trong lành và có chỗ để xe đã là một điểm cộng.
– Văn hóa công ty có phù hợp không: Bạn có phù hợp với những văn hóa hiện tại, ví dụ ăn cơm trưa cùng nhau, mỗi cuối tuần team bonding, cùng nhau đi làm từ thiện, v.v. Không có đúng sai, chỉ có phù hợp hay không thôi, đi làm quan trọng là thấy vui và háo hức.
– Chính sách và phúc lợi có rõ ràng, phù hợp không: “Mình vẫn dùng từ “phù hợp” vì mỗi vị trí ở mỗi công ty sẽ có những SOW (Scope of work) khác nhau với KPI/ OKR khác nhau nên mình sẽ không đánh giá về chính sách, mà mình cần nó rõ ràng, minh bạch và được truyền tải một cách đầy đủ là được. Còn lương thưởng thì tự trải nghiệm tự đánh giá, thấy phù hợp thì làm, đâu có ai ép lên xe ngồi chạy lên công ty đi làm” – quan điểm được chia sẻ từ anh Châu.
– Tiềm năng phát triển cùng công ty: Có lộ trình thăng tiến, có chế độ nâng bậc/ thăng cấp rõ ràng cho dù là Junior hay Senior, Leader thì đều cần được nhìn nhận và tôn trọng.
– Tiềm năng công ty phát triển: Quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng nhìn nhận được, nhiều khi đi làm thấy hợp thấy vui mà đang đi làm mà công ty… phá sản cũng kỳ. Nên nếu thấy công ty tiềm năng phát triển và mình phát triển cùng công ty luôn thì hãy mạnh dạn thử sức..
– Tiềm năng về mặt profile/ background của công ty: Điều này cũng quan trọng. Làm ở Big4 hay Big corp. nó khác với làm ở SME lắm, chưa cần biết làm gì hoặc có thật sự giá trị hơn không, nhưng trước mắt là được sự công nhận của ba mẹ, bạn bè và … nhà tuyển dụng rồi đó. Nên đây cũng là một yếu tố cần cân nhắc.
– Tiềm năng về việc học: Có học được gì từ đây không, hay là vào ngồi chơi tới tháng nhận lương, đừng vì vài ba triệu trước mắt và vui vẻ vì nó nhàn hạ mà đánh mất luôn cơ hội phát triển của bản thân. Tới năm 25, 26 tuổi mà còn làm Intern/ Junior thì kỳ lắm, doanh nghiệp họ cũng ngại tuyển.
Trên đây là những lợi ích quan trọng mà theo anh Châu, các bạn newbie cần cân nhắc chứ không nên tập trung vào mỗi yếu tố lương thưởng. “Trước mắt thì mình nghĩ ra nhiêu đây, nhưng miễn là bạn thấy phù hợp, thấy có ích, học được nhiều thứ và mỗi ngày thức dậy tràn đầy năng lượng tươi vui thì cứ tiếp tục với sự lựa chọn của mình”.
Anh Châu còn hóm hỉnh gửi đôi lời nhắc nhở đến các bạn sinh viên rằng: “Đừng áp lực về việc đi thực tập phải có lương hoặc lương cao bởi “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, chịu cực tí mà có được những trải nghiệm đáng giá này để tương lai 5 hay 10 năm sau kiếm được vài chục vài trăm thì thú vị hơn”.
Hy vọng rằng với những chia sẻ chi tiết và chân thành ở trên, các bạn trẻ có thể đưa ra lựa chọn phù hợp cho mình cũng như nhận thức được đâu mới là những giá trị quan trọng khi quyết định thực tập.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.