Đã bao lần bạn tự mình đặt ra những mục tiêu mong muốn? Nếu câu trả lời là chưa, có vẻ như bạn không thực sự khát khao như bạn nghĩ.
Hạnh phúc có thể được diễn giải theo rất nhiều cách. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, hạnh phúc là tìm được mục đích sống trong đời. Khi có mục tiêu để theo đuổi, toàn bộ thế giới quan của bạn sẽ đổi thay. Đó chính là bước ngoặt giúp bạn tìm đến hạnh phúc.
Vì thế, muốn hạnh phúc, trước tiên bạn phải liệt kê ra những mục tiêu của mình. Một khi đã xác định rõ ràng, bạn sẽ biết phải hành động ra sao. Dưới đây là 6 nguyên tắc giúp bạn hoàn thành chúng.
4 giây
Lời khuyên: Hãy hít sâu thở đều khoảng 4 giây trước khi hành động và đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào.
Chúng ta thường hay trì hoãn mỗi khi phải đưa ra những quyết định quan trọng. Nó giống như một gánh nặng khó chịu, khiến chúng ta cứ chần chừ cho tới phút cuối. Để rồi, chúng ta cảm thấy hối hận khôn xiết vì đã quyết định vội vã khi deadline kề cận.
Theo Peter Bregman – tác giả cuốn “4 Seconds: All the Time You Need to Stop Counter-Productive habits and Get the Results You Want”, hít thở đều trong 4 giây sẽ giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn trước khi hành động.
Vấn đề nằm ở sự kiểm soát bản thân. Việc hít thở sẽ ngăn bạn đưa ra kết quả vội vàng. Nhờ đó, bạn sẽ có cơ hội cân nhắc những kết quả có thể xảy ra khi bạn hành động.
2 phút
Lời khuyên: Nếu chỉ mất 2 phút để làm điều gì đó, bạn hãy làm ngay từ bây giờ.
Chúng ta cũng thường trì hoãn việc cần làm dù chúng không quá khó. Chúng ta cứ chờ “nước đến chân mới nhảy”, dù việc đó chẳng đòi hỏi kỹ năng đặc biệt hay kiến thức chuyên sâu gì. Những việc như gọi cho đối tác hay gửi email chỉ tốn 1 – 2 phút, nhưng chúng ta cũng không buồn làm ngay. Chúng choán hết tâm trí ta, khiến ta không thể tập trung làm việc gì.
Nguyên tắc này giúp bạn đạt được các mục tiêu lớn. Mỗi mục tiêu lại gồm những hành động nhỏ. Chẳng hạn, nếu nhìn một cuốn sách dày cộp, bạn sẽ không vì ngại mà không dám đọc. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể đọc 1 – 2 trang đầu, vì việc này chưa tốn đến 2 phút. Sau đó, bạn sẽ thấy việc đọc sách trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Chỉ với 2 phút, bạn có thể làm được rất nhiều thứ. Vì vậy, đừng bao giờ tự nói với bản thân: “Tôi sẽ giải quyết vấn đề này sau”.
20 phút
Lời khuyên: Dành 20 phút mỗi ngày cho mục tiêu của mình.
Thời gian là hữu hạn. Bạn chỉ có 24 tiếng mỗi ngày, nhưng lại gánh trên vai vô số trách nhiệm khác nhau cần được hoàn thành. Steve Jobs hay Albert Einstein cũng chỉ có 24 tiếng/ngày. Tuy nhiên, điều đó không cản trở thành công của họ.
Dù bận rộn với công việc và gia đình đến đâu, bạn cũng nên dành ít nhất 20 phút mỗi ngày để hoàn thành mục tiêu. Chẳng hạn, việc chạy bộ rất đơn giản, nhưng bạn phải kiên trì thì nó mới trở thành thói quen. 20 phút/ngày là đủ để bạn khởi động, đi bộ, hoặc chạy vài vòng xung quanh nhà. Từ đó, bạn sẽ thấy điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của mình.
72 giờ
Lời khuyên: Nếu có ý tưởng mới, hãy thực hiện nó trong vòng 72 giờ.
Nhà văn, doanh nhân, diễn giả người Đức Bodo Schaefer từng khuyên: Đừng bao giờ trì hoãn một kế hoạch quá 72 giờ. Vượt qua cột mốc đó, ý tưởng của bạn sẽ mãi chỉ là một ý tưởng, không thể trở thành hiện thực.
Nếu có ý tưởng mới, hãy bắt tay vào làm không chút chậm trễ thay vì cứ trì hoãn. Hành động ngay lập tức sẽ gửi tín hiệu lên não bộ, ngăn nó đánh lừa cảm giác và khiến bạn chần chừ.
21 ngày
Lời khuyên: Hãy cho bản thân 21 ngày để phát triển một thói quen
Muốn đạt được mục tiêu, bạn phải biết hành động thành thói quen thường ngày. Lựa chọn một mục tiêu trong danh sách của bạn, biến nó thành hành động và thực hiện điều đó hàng ngày. Thói quen đó có thể làm viết blog, thiền, chạy bộ, học hỏi,… tùy theo sở thích của bạn.
Bạn sẽ thấy chật vật trong vài ngày đầu tiên. Thế nhưng, một khi đã vào guồng, bạn sẽ thấy thói quen đó sẽ trở thành một phần không thể thiếu của bạn. Hãy cố gắng nỗ lực trong vòng 21 ngày, dù chỉ có 20 phút mỗi ngày để thực hiện điều đó.
10.000 giờ
Lời khuyên: Muốn thành thạo một lĩnh vực nào đó, bạn cần dành tới 10.000 để luyện tập.
Tác giả, diễn giả người Canada Malcolm Gladwell từng giới thiệu về nguyên tắc này trong cuốn sách “Outliers: The Story of Success” Ông phân tích cuộc sống và quá trình rèn luyện của những người thành công để rút ra bí quyết. Từ đó, Gladwell kết luận rằng việc thực hành còn quan trọng hơn tài năng bẩm sinh.
Bạn hãy chọn một lĩnh vực và dành 10.000 để tập luyện cho nhuần nhuyễn. Bạn có thể lên kế hoạch cho từng ngày và theo dõi thời gian. Dần dần, bạn sẽ trở nên thành thạo hơn.
— HR Insider/ Theo cafebiz —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.