Trong khi thế hệ Gen X (những người sinh năm 1965-1979, thời kỳ Chiến tranh Lạnh) và Baby Boomers (những người sinh ra vào thời kỳ bùng nổ dân số) đang đứng trên đỉnh vinh quang và giữ quyền kiểm soát về cả kinh tế, chính trị, thế hệ Millennials (những người sinh ra vào thời kỳ những năm 1980 – 1994) không chỉ phải đối mặt với sự thay đổi các hệ giá trị nhanh chóng mặt, mà còn phải nhanh chóng giành được quyền lãnh đạo thế giới bằng cách của chính mình.
Họ hầu hết chỉ là những người trẻ vừa tốt nghiệp đại học không lâu và đang bước những bước đầu tiên gia nhập lực lượng lao động, một số người trong đó cũng lần đầu tiên phải tận mắt nhìn thấy một thế giới trong hoàn cảnh toàn cầu hơn và thay đổi quá nhanh đến mức chóng mặt so với thế giới mà cha mẹ họ từng lớn lên.
Chính vì thế, điều duy nhất mà thế hệ Gen Y có thể làm được nhằm mang đến một viễn cảnh mới cho thế giới chính là cách họ vận hành đế chế của mình. Học gì thì học, tư duy lãnh đạo chính là điều mà thế hệ Millennials không thể bỏ qua nếu muốn vượt qua thành tựu của Gen X và Baby Boomers. Tư duy lãnh đạo không chỉ cần có ở nơi làm việc, mà phải là ở mọi khía cạnh trong cuộc sống. Vậy nên hiểu tư duy lãnh đạo là thế nào?
Lãnh đạo của bản thân
Một người có tinh thần lãnh đạo trước hết không nằm ở khả năng chỉ đạo người khác, mà là thống trị chính con người mình. Và hơn ai hết, chính những người thuộc thế hệ Millennials sẽ thấy được cơ hội và thách thức từ điều này.
Thế giới hiện tại quá dễ dàng để chúng ta chạm được tới thứ mình muốn, nhờ vào khả năng liên lạc và kết nối gần như không giới hạn. Và khi toàn cầu hóa càng phát triển, chúng ta càng trở nên phụ thuộc vào nó và phụ thuộc lẫn nhau. Đó là lý do vì sao thế hệ này thường cảm thấy khó khăn để tập trung vào một việc, hay luôn cảm không thoải mái khi phải giao tiếp trực tiếp với người khác, bởi sự hiện diện vật lý là điều ngày càng hiếm hoi giữa một xã hội kết nối không dây ngày càng mạnh mẽ.
Sự rạn nứt các thang giá trị văn hóa truyền thống cũng như ý thức hệ buộc những người thuộc thế hệ Millennials phải nỗ lực hơn nữa tự bước đi, tự học và tự duy trì bản thân. Tư duy lãnh đạo lúc này thể hiện ở việc một người có thể nhận thức có thể sâu sắc hơn về những gì mình đang làm và làm thế nào để có thể làm điều đó tốt hơn. Đó là một lối sống mà từ tâm trạng, sức khỏe, thể chất đều phải được quản lý toàn diện sao cho các hoạt động giao tiếp cũng như mối quan hệ cá nhân đều lành mạnh và hữu ích. Nói đơn giản, trước khi chúng ta đòi hỏi được sở hữu và vinh danh bởi bất kỳ điều gì, chúng ta phải tự xây dựng các cam kết về trách nhiệm với chính bản thân mình.
Thuật ngữ “tự lãnh đạo” hay lãnh đạo bản thân ra đời vào những năm 2010 nhằm nói đến nỗ lực để hiểu hơn về bản thân, trang bị tốt hơn để đối phó với những điều khác. Bởi nhìn chung, nơi làm việc của bạn cũng chính là một mô hình thu nhỏ của thế giới rộng lớn hơn. Khi chúng ta học cách tự quản lý chính mình, bao gồm cả những chiến thắng và thất bại mỗi ngày, chúng ta cũng sẽ học cách cố gắng để đạt được mọi thứ trong cuộc sống.
Millennials, lẽ dĩ nhiên, không phải là thế hệ đầu tiên áp dụng lối tư duy này vào cuộc sống, nhưng độ tuổi sinh ra và lớn lên đã đẩy họ vào một trong những sự chuyển giao quyền lực kinh tế lớn nhất trong lịch sử thế giới. Họ phải cảm ơn công nghệ đã cho họ thêm nhiều cơ hội để cải thiện bản thân nhưng cũng phải đối diện với nhiều vấn đề hơn một cách độc lập và có những cách giải quyết vấn đề của riêng mình mà không thể học hỏi từ thế hệ đi trước.
Lãnh đạo của người khác
Đến năm 2030, theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, thế hệ Millennials sẽ chiếm đến 3/4 lực lượng lao động toàn cầu. Không khó khăn để tưởng tượng, một cộng đồng có quy mô lớn như vậy đòi hỏi thế hệ làm chủ tương lai phải đối diện với khối lượng công việc khổng lồ thế nào.
Thế hệ Millennials vẫn được coi là những người có tư duy vượt trội, thích nghi tốt với những suy nghĩ khác biệt so với cha ông mình, nhưng họ lại gặp rất nhiều vấn đề trong giao tiếp cũng như lãnh đạo người khác. Họ có thể là những người có khả năng tổng hợp thông tin tuyệt vời, nhưng đứng mãi ở một phía của tấm màn hình máy tính đã làm lu mờ đi các kỹ năng xã hội cần thiết.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế hệ Millennials gặp bất lợi ở nơi làm việc nhiều hơn so với các thế hệ đi trước vì họ thiếu đi sự tự tin cần thiết để tiếp cận và tạo kết nối với mọi người – thậm chí qua các phương tiện giao tiếp như điện thoại chẳng hạn. Đây có thể là chướng ngại vật làm giảm hiệu suất công việc cũng như những kiến thức mà họ có thể thu nhặt được, trong khi đó lại là yếu tố chính làm nên thành công. Theo cách này, những lợi thế mà Millennials lại trở thành con dao hai lưỡi, khi mà họ có thể dễ dàng học hỏi từ người khác, nhưng lại không thể truyền được thông điệp tới mọi người.
Tận dụng điểm mạnh và khắc phục điểm yếu, nhiều Millennials thường không ngần ngại bắt đầu những công việc đầu tiên từ các doanh nghiệp nhỏ, các tổ chức phi lợi nhuận và nhóm khởi nghiệp. Với tiến độ này, chính bản thân giới trẻ có khả năng làm nên một định nghĩa mới về tinh thần lãnh đạo cũng như thúc đẩy thế giới vận hành theo một cách tốt đẹp hơn.
Theo nghiên cứu của WorkplaceTrends.com, 91% Millennials mong muốn trở thành lãnh đạo, trong đó 43% cảm thấy họ đã sở hữu động lực để truyền cảm hứng tới người khác. Sự tham vọng này chính là yếu tố then chốt để chúng ta có thể tin tưởng vào thế hệ trẻ. Đường xa mới biết ngựa hay, nếu coi năng lực lãnh đạo là một quả cầu tuyết, thế hệ Millennials chính là một nhân tố tạo nên một cú hích lớn đẩy điều đó đi được một quãng đường dài và làm nên thành tựu.
— HR Insider / Theo Cafebiz —
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.