A. KỸ NĂNG PHỎNG VẤN
Nghe có vẻ khuôn khổ và mang tính lý thuyết vì trước giờ nhận được thư mời phỏng vấn từ nhà tuyển dụng, chúng ta đều xách CV lên và đi thôi chứ không nghĩ tới việc phỏng vấn cũng cần tới kỹ năng. Vậy thì hôm nay, Vui Vẻ xin ra mắt mọi người bộ bí kíp giúp Vui Vẻ “bách chiến bách thắng” khi đi phỏng vấn.
Bước 1: Trước khi phỏng vấn
- Làm quen với công ty bạn ứng tuyển thông qua nghiên cứu các thông tin dưới đây
– Giá trị cốt lõi của công ty
– Văn hóa công ty
– Sản phẩm, dịch vụ của công ty
– Website và trang fanpage (nếu có) của công ty
Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rất cao khi bạn có tìm hiểu trước.
- Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ
Bạn nên in sẵn CV, cover letter trước khi đi phỏng vấn và chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ liên quan đến bài phỏng vấn của bạn như portfolio, giấy chứng nhận.
- Chuyển điện thoại sang chế độ im lặng
Vui Vẻ từng gặp nhiều trường hợp “dở khóc dở cười” trong phỏng vấn và một trong số đó là bạn ứng cử viên quên tắt điện thoại, thậm chí bạn ấy còn xin Vui Vẻ 3 phút để nói chuyện với người thân. Tin Vui Vẻ đi, sẽ chẳng có nhà tuyển dụng nào chấp nhận một ứng viên thiếu chuyên nghiệp như thế.
- Có mặt trước 20 phút
“Kẹt xe” luôn là lý do của các bạn ứng viên khi tới trễ và các bạn hoàn toàn có thể chấm dứt việc tới trễ bằng cách đi sớm hơn 20 phút trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu.
Bước 2: Trong lúc phỏng vấn
- Ấn tượng đầu tiên
Chỉ vào động tác đơn giản trong lúc phỏng vấn như đi đứng, cười, nói, bắt tay, giao tiếp bằng mắt … và bạn hoàn toàn có thể ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng. Vì thông qua những cử chỉ ấy, nhà tuyển dụng sẽ biết được bạn tự tin như thế nào.
- Một phút tỏa sáng
Chắc hẳn tất cả chúng ta đều gặp phải câu hỏi “Hãy cho tôi biết đôi nét về bản thân bạn?” đến từ nhà tuyển dụng. Thế nhưng, ai trong số chúng ta đã thể hiện tốt trong một phút đó? Vậy tại sao bạn không chuẩn bị trước đáp án ngay khi bạn đã biết câu hỏi. Tập trung vào những phần nổi bật của bản thân và để một phút ấy giúp bạn tỏa sáng.
- Ngăn ngừa tiêu cực
Ngay cả khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi cho những vấn đề hiểm hóc như nhảy việc, hãy giữ bình tỉnh và chuyển vấn đề tiêu cực ấy thành tích cực và đừng bao giờ nói những điều không hay về người sếp cũ của mình. Bạn có thể tham khảo những câu trả lời thông minh cho lý do nhảy việc tại đây.
- Kỹ năng
Hầu hết các nhà tuyển dụng đều muốn nghe câu trả lời về kỹ năng một cách cụ thể nhất vì bạn không chỉ nói suông mình có hết những kỹ năng này mà thiếu đi dẫn chứng.
Ví dụ: “Kỹ năng quản lý của tôi rất tốt”
Thay vào đó: “Tôi đã từng quản lý và điều động hơn 500 người trong sự kiện XYZ”
- Lương bổng
Lương bổng luôn là chủ đề nhạy cảm nhất trong buổi phỏng vấn vì đây có thể là nguyên nhân khiến buổi phỏng vấn của bạn trở nên “nước đổ lá môn” nếu bạn chọn sai thời điểm. Vui Vẻ khuyên các bạn tốt nhất đề cập chủ đề này sau khi buổi phỏng đã diễn ra một nửa và đề cập như thế nào thì các bạn có thể xem tiếp bên dưới.
Bước 3: Sau khi phỏng vấn
- Gửi thư cảm ơn
VietnamWorks đã gặp rất nhiều trường hợp, các bạn ứng cử viên không gửi thư cảm ơn sau khi phỏng vấn xong và đây là một thiếu sót lớn. Nhà tuyển dụng không chỉ dựa trên trình độ chuyên môn của ứng cử viên, mà họ còn dựa trên thái độ và tác phong chuyên nghiệp để chọn ra người thích hợp. Vì vậy, tốt nhất nên gửi thư cảm ơn sau 3 hay 4 tiếng phỏng vấn xong. Bạn có thể tham khảo cách viết thư cảm ơn để ghi điểm với nhà tuyển dụng tại đây.
- Không rêu rao nhà tuyển dụng
Dù cho bạn có gặp người phỏng vấn “không bình thường” hay buổi phỏng vấn diễn ra trễ hơn dự kiến vì một số lý do từ phía nhà tuyển dụng đi chăng nữa, bạn cũng không nên đi rêu rao, đặc biệt trên mạng xã hội. Bởi vì “tiếng xấu” có thể đồn xa và lỡ không may nhà tuyển thấy được khi kiểm tra trang cá nhân của bạn thì cũng chẳng vui vẻ gì đâu.
B. KỸ NĂNG ĐÀM PHÁN LƯƠNG
Đàm phán lương như nhảy một bản nhạc vậy đó, sẽ có một người dẫn chính, người còn lại sẽ theo sau. Tất nhiên, bạn không chỉ chuẩn bị cho mình những “bước nhảy” thật uyển chuyển, mà còn phải tương tác với bạn nhảy của mình một cách khéo léo để tạo ra một điệu nhảy hoàn hảo cho cả hai. Thế nhưng, nếu cả hai không cùng chung chí hướng và nhường nhịn nhau, cả hai đều muốn mình là người dẫn chính cho điệu nhảy, thì điều nhảy hoàn hảo chỉ sẽ xảy ra trong những thước phim mà thôi. Vì vây, để có một kết thúc có hậu, bạn cần phải làm theo những bước dưới đây
Bước 1: Khảo sát mức lương trên thị trường
Chẳng phải trước khi chúng ta chuẩn bị cho một chiến dịch Marketing nào đó, bước đầu tiên luôn là khảo sát thị trường. Bằng cách đó, bạn không chỉ nắm vững những thông tin cần thiết, mà còn có cho mình những chiến lược, thủ thuật hiệu quả. Đàm phán lương cũng vậy đó, khảo sát mức lương hiện giờ trên thị trường là một điều cần thiết và bạn có thể tham khảo PayScale hoặc Glassdoor để có cho mình một cái nhìn cận cảnh. Hoặc bạn cũng có thể tìm hiểu thông qua cẩm nang tìm việc của HR Insider và VietnamWorks tại đây
Bước 2: Mức lương thấp nhất bạn có thể chấp nhận là bao nhiêu?
Sau khi hoàn thành xong bước khảo sát, bạn giờ đây có thể dựa vào đó mà chuẩn bị cho mình con số thấp nhất mà bạn chấp nhận được.
Mặt khác, có bao giờ bạn thắc mắc mục đích câu hỏi “Mức lương trước đây của em như thế nào?” mà nhà tuyển dụng đặt ra cho bạn không? Để Vui Vẻ bật mí nhé, đó là cơ sở họ sẽ dựa vào để đưa ra mức lương cho bạn. Bạn cũng có thể chấp nhận mức lương đó, nhưng đó sẽ là con số thấp nhất của bạn.
Vi vậy, để tránh nhà tuyển dụng bắt mạch được, tốt nhất bạn không nên đưa ra một con số cụ thể nào cả. Bạn có quyền từ chối trả lời hoặc có thể trả lời một cách chung chung.
Ví dụ: Trước đây em làm việc tại công ty ABC và mức lương bấy giờ của em là 8 triệu
Mẹo: Em xin phép được quyền không trả lời câu hỏi đó. Tuy nhiên, em đang tìm một vị trí phù hơp với mức lương từ 8 triệu đến 10 triệu và em có thể đảm bảo rằng những giá trị mình sẽ mang tới cho công ty còn nhiều hơn con số đó.
Bước 3: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”
Người phỏng vấn bạn sẽ là người quyết định mức lương của bạn và dưới đây là 2 loại người bạn có thể gặp khi phỏng vấn.
- Chuyên viên nhân sự: mức lương của bạn sẽ không phụ thuộc vào người này, thế nhưng họ có thể đưa ra cho bạn những phúc lợi hấp dẫn đi kèm với mức lương.
- Sếp tương lai: đây là người sẽ quyết định mức lương của bạn và một số phúc lợi khác, tuy nhiên, đừng bao giờ hỏi quá chi tiết về mức lương đối với sếp tương lai của bạn.
Nắm rõ những tính cách của 2 loại người này, cuộc đàm phán của bạn càng thêm suôn sẻ. Tuy nhiên, đừng bao giờ tìm cách đối phó, nói sai sự thật về mức lương trước đây của mình cho dù bạn đã nắm rõ tính cách người bạn sẽ đàm phán. Vì bạn sẽ không muốn có một khởi đầu mới trong sự lừa dối đâu nhỉ?
Bước 4: Luôn luôn nhìn vào toàn cảnh
Bạn đang mong muốn mức lương khởi điểm là 10 triệu nhưng bên phía tuyển dụng chỉ có thể đưa ra 8 triệu rưỡi cho bạn. Hãy cân nhắc và chấp nhận mức lương ấy với một điều kiện “Bạn sẽ phải làm trong bao lâu thì mới được tăng lương?”. Thông thường, việc tăng lương sẽ diễn ra theo chu kỳ 3 tháng, 6 tháng cho tới 1 năm.
Bạn cũng nên lưu ý rằng nhà tuyển dụng chỉ “nhường nhịn” khi họ muốn có bạn về cho công ty. Vì vậy, đừng nên kéo dài cuộc đàm phán và biến nó thành một cuộc nói chuyện không hồi kết. Hoặc là chấp nhận công việc khi họ đưa ra 2 mức lương khác nhau (mức tối đa) cho bạn, hoặc là kết thúc cuộc đàm phán trong vui vẻ và thật chuyên nghiệp.
Thế đó, hãy chuẩn bị tinh thần thật tốt và làm chủ 2 kỹ năng bên trên, cơ hội nghề nghiệp sẽ mỉm cười, thậm chí mỉm cười thật to với bạn trong năm 2017 này.
2 kỹ năng trên chỉ đủ dùng cho bạn để trải qua buổi phỏng vấn thật trơn tru. Nhưng để hoàn toàn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, bạn còn phải quan tâm tới những chi tiết nhỏ trong CV, cách trả lời những câu hỏi đầy mánh khóe thậm chí là cách chữa cháy khi bạn đến muộn phỏng vấn.
Cả một bầu trời kiến thức này gói gọn trong cuốn ebook “Kiếm việc không khó” do VietnamWorks và HR Insider phát hành. Sử dụng cuốn cảm nang, bạn không chỉ có thêm kỹ năng mà còn có thể tự định giá bản thân trước khi thỏa thuận với người sắp tuyển dụng bạn. Còn chờ gì nữa mà không download miễn phí cuốn ebook để nhận được những bí kíp vô giá ngay bây giờ.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.