Thuế cá nhân nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực tế cũng không quá khó hiểu như bạn nghĩ. VietnamWorks đã tổng hợp tất tần tật những lưu ý về thuế cá nhân trong bài viết dưới đây, xem ngay bạn nhé!
1. Mã số thuế cá nhân là gì?
Mã số thuế là một dãy gồm 10 hoặc 13 số, được cơ quan có thẩm quyền cấp cho người thực hiện đăng ký thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc khi có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Thông thường, nếu là người lần đầu đi làm, bạn sẽ được cơ quan/ công ty đầu tiên (gọi chung là “tổ chức trả thu nhập”) thực hiện đăng ký MST người nộp thuế.
Đã nghe nhiều về thuế thu nhập cá nhân, các bạn Fresher liệu đã biết vì sao cần nộp thuế? Không chỉ giúp cán cân của nền kinh tế được cân đối giữa thu nhập, tiêu dùng và tiết kiệm, việc kê khai thu nhập cũng nhằm đảm bảo tính minh bạch trong nguồn hình thành thu nhập tránh những nguồn thu bất hợp pháp.
2. Cách tra cứu MST cá nhân
Mã số thuế thường gắn liền với số CMND hoặc CCCD của bạn, và bạn hoàn toàn có thể tra cứu online tại tab “Tra cứu thông tin NTT” của trang web https://canhan.gdt.gov.vn/ICanhan/.
Trong trường hợp không tìm thấy Mã số thuế cá nhân, rất có thể mã số thuế của bạn được đăng ký theo giấy tờ tùy thân A, nhưng bạn thực hiện tra cứu theo loại giấy tờ B. Thường gặp nhất hiện nay là tình huống bạn tra cứu bằng căn cước công dân 13 số, nhưng MST vốn được đăng ký theo CMND 9 số hoặc CCCD 11 số trước đó. Để chắc chắn, bạn có thể thử tra cứu với cả 2 loại giấy tờ nói trên.
3. 5 loại thuế người đi làm phải đóng
Thuế thu nhập
Là thuế trực thu, được thu trên thu nhập của những người có thu nhập cao. Đối tượng nộp thuế này bao gồm những cá nhân có mặt thường xuyên ở Việt Nam từ 183 ngày trở lên, tạm trú hoặc có nơi ở thường trú.
Thuế tiêu thụ đặc biệt
Đây là loại thuế thu nhằm các mục đích đặc biệt như hạn chế tiêu thụ hàng hóa. Theo đó hàng hóa như thuốc lá, rượu, bia, xe ôtô dưới 24 chỗ, xe máy, tàu bay, du thuyền, bài lá, hàng mã, hay các dịch vụ: kinh doanh vũ trường, massage, karaoke, đặt cược, golf, xổ số… đều là đối tượng chịu thuế.
Thuế giá trị gia tăng
Luật Thuế giá trị gia tăng được định nghĩa là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Thuế môn bài
Đây là một loại thuế trực thu mà tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải nộp định kỳ hàng năm dựa trên vốn điều lệ/vốn đầu tư (đối với tổ chức) hoặc doanh thu theo năm (đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh).
Đối tượng cần đóng thuế môn bài là các cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm. Cụ thể hơn, bạn phải đóng 300 ngàn đồng một năm nếu doanh thu trên 100 triệu đến 300 triệu.
Thuế trước bạ
Mọi trường hợp chuyển dịch về quyền sở hữu hoặc sử dụng về nhà đất, phương tiện vận tải,… đều phải nộp thuế trước bạ. Thuế trước bạ phải nộp khi chuyển dịch về quyền sở hữu tài sản nào được ghi tăng nguyên giá tài sản đó.
4. Khi nào phải đóng thuế?
4.1. Lương từ bao nhiêu phải đóng thuế?
Các cá nhân có thu nhập từ 11.000.000đ/tháng trở lên có thể phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho Nhà nước.
4.2. Đi thực tập/ thử việc có phải đóng thuế?
Trường hợp 1: Người lao động thực tập/ thử việc ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên
Người lao động thử việc trong trường hợp này có thu nhập dưới 11 triệu/ tháng (nếu không có người phụ thuộc) hoặc < 15,4 triệu đồng/ tháng (nếu có 01 người phụ thuộc) sẽ không phải đóng thuế TNCN.
Trường hợp 2: Người lao động ký hợp đồng thực tập/ thử việc với hợp đồng lao động dưới 03 tháng
Người lao động trong trường hợp này mà có tổng mức thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho người lao động.
Tuy nhiên, người lao động chỉ có duy nhất thu nhập nêu trên nhưng tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì có thể làm cam kết theo mẫu 02/CK-TNCN gửi người sử dụng lao động để không bị khấu trừ thuế.
Xem thêm: Fresher hướng nội – Bí quyết lội ngược vòng để hoà nhập
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.