Làm văn phòng, nhân sự, giấy tờ thoạt nghĩ thì ai cũng cho là cứng nhắc, ngày nào cũng như ngày nấy. Nhưng thật ra đời sống dân công sở chúng ta cũng phong phú không kém ai, với nhiều sự kiện, trào lưu thú vị trong năm qua. Ngay lúc này đây Vui Vẻ đã thấy rộn ràng những bài ca kể nỗi khổ dân văn phòng, về những sự kiện như “cá mập ngứa răng cắn cáp, gửi email 8 ngày chưa đi” hay bài ca muôn thuở “Sếp ơi thưởng Tết cho em”.
Hãy cùng Vui Vẻ điểm lại một số cột mốc, sự kiện đáng chú ý của năm 2016 nhé!
1/ Trào lưu First 7 Jobs
Đã có một thời điểm đi đâu chúng ta cũng thấy hashtag #first7jobs thống trị mạng xã hội. Đây là một trào lưu đơn giản nhưng thú vị, người chơi chỉ cần kề về 7 công việc đầu đời của mình là đã có thể “hòa nhịp” vào phong trào này.
Không sao đâu nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, vì những kỷ niệm rất dễ thương như “nhổ tóc sâu, đấm lưng cho ba (tiền công 500 đồng)” hay “làm bài tập về nhà hộ bạn” cũng được tính là một “job” rồi đấy.
Ngoài ra, Vui Vẻ cũng rất thích phiên bản trái ngược của First 7 Jobs, đó là First 7 Failures. Không phải ai cũng dám đối diện với những thất bại của mình và chia sẻ nó đến mọi người, các bạn có thể đọc bài chia sẻ “7 thất bại đầu đới của tôi – #firstsevenfailures” trên HR Insider.
2/ Câu nói gây bão: “Em phải học thế nào để lương khởi điểm 2.000 USD/ tháng?”
Câu hỏi được đưa ra bởi một bạn sinh viên đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận. Có người cho rằng đây là mơ mộng hão huyền, nhưng cũng nhiều người bênh vực bạn sinh viên trên.
Để làm rõ trắng đen, phải trái của “vụ án” này, Mr. Vui Vẻ đã lục lại toàn bộ cơ sở dữ liệu thống kê từ VietnamWorks và Navigos Search, và kết quả là hiện tại vẫn chưa ghi nhận được sinh viên nào đạt mức lương 2,000 USD khi vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm.
Chưa nói đến mức lương 2000 USD, theo lời Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, không phải sinh viên nào ra trường cũng có việc làm, ngay kể cả tốt nghiệp Harvard cũng vậy. Do đó thay vì quá để ý đến mức lương, nhiều ý kiến cho rằng các bạn sinh viên khi ra trường cần phải có thời gian, bước đệm để tìm việc, trải nghiệm thực tế trước đã.
3/ Pokemon Go – Trào lưu các Sếp ghét nhất trong năm
Không có gì phải bàn cãi nếu nói Pokemon Go là một trong những trào lưu các Sếp ghét nhất trong năm 2016 vừa qua. “Cơn bão” Pokemon Go quét qua mọi tầng lớp, nơi chốn. Có một dạo ai ai cũng cắm cúi cầm chiếc điện thoại đi “mò mẫm” pokemon khắp nơi.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu nhà phát hành game không “thả” nhiều pokemon ở những công trình kiến trúc, tòa nhà, công ty,… Vâng, chính ngay nơi dân công sở ngồi làm việc. Bởi thế mà nhiều người hớn hở khoe “công ty tui có nguyên cái Pokestop (trạm dừng chân nơi người chơi có thể lấy vật phẩm trong trò chơi) luôn nè!” và giành cả ngày lén Sếp đi bắt pokemon .
Đã có nhiều công ty cấm nhân viên chơi Pokemon Go trong giờ làm việc
Tại Việt Nam, Thành Phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã tiên phong trong việc nghiêm cấm công nhân viên chức chơi Pokemon Go trong giờ làm việc. Bởi vậy dù thích đến mấy, Táo Vui Vẻ cùng 500 anh em Huấn Luyện Viên cả nước đành ngậm ngùi cất điện thoại vào túi đợi… giờ nghỉ trưa rồi chơi tiếp.
4/ Các ngày hội việc làm quy mô trên toàn quốc – cơ hội cho người tìm việc tiếp cận nhà tuyển dụng chưa bao giờ dễ dàng đến thế.
2 sự kiện nhân sự đáng chú ý nhất trong năm có thể kể đến đó là Tech Expo 2016 và JapanWorks Job Fair do topITworks (cộng đồng công nghệ với 1200 việc làm được cập nhập mỗi tháng), JapanWorks (Cổng thông tin việc làm tiếng Nhật lớn nhất Việt Nam) cùng VietnamWorks tổ chức.
Thoát khỏi mác những hội chợ việc làm tổ chức theo phong cách cũ, hai sự kiện nhân sự này đã đưa người tham dự vào trạm dừng chân vũ trụ công nghệ cao, hay lên con tàu Shinkansen đi thăm quan đất nước Nhật Bản. Sự đổi mới và sáng tạo về cách thức tổ chức cùng chất lượng được đảm bảo về cả hai phía ứng viên lẫn nhà tuyển dụng đã đem lại trải nghiệm thú vị.
5/ Manequin Challenge và 22 push-up Challenge
Giới trẻ, nhân viên văn phòng tại Việt Nam hưởng ứng những phong trào này rất nhiệt tình, hầu như công ty nào cũng có vài clip cây nhà lá vườn hưởng ứng. Điều làm trào lưu “thử thách ma-nơ-canh” thu hút cũng một phần vì nó cực dễ, tất cả điều bạn cần làm chỉ là đứng yên bất động, nếu muốn thú vị hơn thì nghĩ thêm vài tư thế độc lạ. Còn đối với thử thách 22 lần hít đất, đây được xem như bài tập mỗi lần giải lao, break-time.
Những video vui nhộn này còn được được đẩy mạnh trên mạng xã hội nhằm quảng bá văn hóa công ty, thể hiện một môi trường làm việc năng động, sáng tạo.
6/ Một năm nhiều biến chuyển trên thị trường lao động
Thị trường lao động một năm qua có gì nổi bật? Đâu là top 5 ngành sẽ lên ngôi trong năm 2017? Cần đáp ứng điều gì để nhận được mức lương cao hơn trong năm tới?…
Cứ mỗi dịp cuối năm, Táo Nhân Sự Mr.Vui Vẻ luôn tất bật chuẩn bị nhiều loại tấu sớ để “report” về tình hình thị trường lao động một năm qua. Trước khi đem về bẩm báo với Ngọc Hoàng, Vui Vẻ sẽ để những bản báo cáo này ở đây cho mọi người cùng tải về:
- Báo cáo phúc lợi nhân viên Việt Nam 2016
- Báo cáo thị trường tuyển dụng Việt Nam nửa năm và toàn năm 2016
- Báo cáo lương, phúc lợi và kỹ năng ngành IT năm 2017
– HR Insider / VietnamWorks –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.