Bạn có tò mò về thế giới mà bạn đang sống? Bạn có theo đuổi sự hiếu kỳ của bản thân không?
Trong một buổi trò chuyện với sự tham dự của Bill Gates và Warren Buffett, khi được hỏi về một tố chất quan trọng giúp họ thành công, thật thú vị khi cả hai đều trả lời – sự hiếu kỳ.
Tại sao lòng hiếu kỳ lại quan trọng?
Cả hai đều cho rằng tính tò mò thúc đẩy họ khám phá và cập nhật kiến thức về thế giới. Những kiến thức này giúp họ ra quyết định đúng đắn dẫn tới sự thành công.
Trong trường hợp của tôi, sự hiếu kỳ đã dẫn tôi đến những cơ hội mới. Ví dụ, tôi đã từng tò mò về những phần mềm máy tính khi học trung học. Nhờ vậy tôi phát triển một số trò chơi đơn giản và từ đó tự gầy dựng được việc kinh doanh ứng dụng. Một vài năm sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tò mò về việc viết blog. Điều đó thúc đẩy tôi tạo dựng một website và tôi có thể từ bỏ công việc chính thức của mình.
Tôi không biết lòng hiếu kỳ sẽ còn đưa tôi đi đến đâu, theo đuổi nó như một niềm vui và sự hiếu kỳ đó đã đưa cuộc sống của tôi đến một tầm cao mới.
Có ít nhất ba lý do vì sao lòng hiếu kỳ lại quan trọng:
- Giúp bạn ra quyết định tốt hơn bởi sự cập nhật kiến thức về mọi thứ xung quanh.
- Giúp bạn tìm kiếm những cơ hội mới.
- Khiến cuộc sống trở nên thú vị hơn.
Làm thế nào để phát triển sự hiếu kỳ?
Dưới đây là một số gợi ý:
1. Xem thế giới như một nơi đầy những kho báu đang được ẩn giấu.
Những người có tính hiếu kỳ nhìn thế giới như là một nơi đầy những kho báu bí ẩn chưa được tìm thấy, có rất nhiều điều mới mẻ mà họ chưa khám phá. Niềm tin đó thúc đẩy họ tìm tòi thế giới xung quanh và họ muốn tìm ra kho báu.
Nếu mức độ tò mò của bạn thấp, hãy luôn tâm niệm rằng “Có rất nhiều kho báu bí ẩn ngoài kia. Tôi phải đi tìm chúng!”
2. Tránh mặc định một vài thứ là nhàm chán.
Những người không có tính tò mò thường “gắn mác” buồn tẻ cho nhiều thứ. Nhưng những người luôn hiếu kỳ thì không. Thay vì mặc định mọi thứ là tẻ nhạt, họ tự hỏi rằng có điều gì hay ho nào đang ẩn nấp đằng sau không. Ngay cả nếu như họ không tìm hiểu ngay lúc đó (vì đang có quá nhiều điều thú vị khác), họ vẫn sẵn sàng khám phá chúng sau.
Mặc định mọi thứ là tẻ nhạt chỉ đơn giản là đi ngược lại với những gì người hiếu kỳ thực hiện.
Xem thêm: Những kỹ năng mềm quan trọng chốn công sở quyết định đến sự thành bại của bạn
3. Đi theo sự dẫn dắt.
Khi bạn tò mò về điều gì đó, đừng phớt lờ mà hãy theo đuổi thắc mắc ấy. Hãy đọc nhiều bài viết, xem video trên Youtube và tìm những quyển sách nói về điều đó. Tôi thường làm như thế mỗi khi bắt gặp điều gì trông có vẻ thú vị. Mặc dù không nằm trong dự định, tôi vẫn có thể dành nhiều thời gian để đào sâu tìm hiểu.
Ví dụ, trước đây tôi từng ấn tượng với một bài viết về Jeff Bezos. Tôi đã xem video, đọc thêm bài viết về ông ấy và triết lý kinh doanh của ông. Điều này hoàn toàn không nằm trong kế hoạch từ trước, nhưng nó thực sự thú vị và cho tôi nhiều cái nhìn mới.
4. Lập dự án ngoài giờ làm việc.
Nếu bạn muốn tìm hiểu một vấn đề, thu thập thông tin vẫn chưa đủ. Bạn cần phải làm điều gì đó và một cách hay đó là xây dựng dự án.
Website cá nhân là một dự án ngoài giờ làm việc của tôi. Trong lúc tôi đang học thạc sĩ thì lại có hứng thú với việc viết blog và phát triển bản thân, vì thế tôi xây dựng trang web. Bây giờ, sau hơn mười năm, nó vẫn tồn tại và hoạt động tốt, và đưa cuộc sống của tôi đến một tầm cao mới!
Không phải tất cả những dự án đều thành công, không sao cả, tôi đã làm nó chỉ để vui, vì thế tôi không mất thứ gì cả, hơn nữa, thất bại là mẹ thành công.
5. Luôn sẵn sàng thay đổi hướng đi.
Điều này có thể không thường xuyên xảy ra, tuy nhiên nếu dự án riêng của bạn thành công, bạn có thể cân nhắc về việc thay đổi hướng đi trong cuộc sống của chính bạn. Điều này xảy đến với tôi vào năm 2009 khi website bắt đầu mang lại thu nhập. Khi ấy tôi đã quyết định nghỉ việc và đó là một quyết định mà tôi chưa bao giờ hối hận.
***
Còn bạn thì sao? Làm cách nào để phát triển tính hiếu kỳ của bản thân? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn nhé!
– HR Insider / VietnamWorks –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.