Thói quen tiêu xài không kiểm soát khi “lương về là quẩy ngay”
Chị Quỳnh Anh (24 tuổi, Quận 7), hiện đang làm một nhân viên Marketing, chia sẻ: “Mỗi lần nhận lương, tháng nào cũng vậy, mình luôn trong tình trạng ‘lương về là quẩy ngay’. Bữa ăn sang trọng, quần áo mới, hay thậm chí là những món đồ không cần thiết nhưng “hợp trend” đều trở thành lựa chọn hàng đầu. Thậm chí, có lúc mình còn quẹt thẻ tín dụng không kiểm soát để thanh toán cho hàng chục đơn hàng online, rồi tự nhủ tháng sau sẽ trả lại. Nhưng đến khi giữa tháng, tiền lương đã cạn mà hóa đơn thẻ tín dụng thì đến hạn thanh toán, mình lại rơi vào cảnh cuống cuồng tìm cách xoay sở, hối hận vì đã không kiểm soát chi tiêu ngay từ đầu.”
Vậy, tại sao chúng ta lại dễ dàng rơi vào cám dỗ của việc tiêu xài hoang phí ngay khi nhận lương? Một phần là do tâm lý “lương về là tận hưởng” – một cách để tự thưởng cho bản thân sau những ngày làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, chúng ta thường không nhận ra mình đã quá thoải mái đầu tháng và quên mất rằng tài chính có giới hạn. Cảm giác khó khăn này không chỉ đến từ việc thiếu tiền mà còn từ sự thiếu sót trong việc quản lý tài chính cá nhân, dẫn đến vòng luẩn quẩn: “Lương về thì tiêu xài, hết tiền lại chật vật xoay sở nợ nần”.
Giải pháp để quản lý tài chính hiệu quả: Từ “chán nản” đến “thỏa mãn”
Để tránh rơi vào tình trạng khó khăn giữa tháng và cảm giác “buồn nôn, nhạt miệng” khi nhận ra mình đã tiêu xài quá đà, bạn nên có một kế hoạch tài chính rõ ràng ngay từ đầu tháng. Việc này không chỉ giúp bạn duy trì sự ổn định về tài chính mà còn giúp tạo ra một cảm giác thỏa mãn lâu dài thay vì chỉ thỏa mãn trong khoảnh khắc.
Kiểm soát việc dùng thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng rất tiện lợi, nhưng bạn cần đặt ra quy tắc cho bản thân: chỉ dùng thẻ cho các khoản chi thực sự cần thiết như tiền điện nước, mua sắm thực phẩm, hoặc các giao dịch có kế hoạch từ trước. Tránh tình trạng tiện tay quẹt thẻ cho những món đồ không cần thiết hoặc các bữa ăn đắt đỏ chỉ vì tâm lý “trả sau rồi tính”.
Ngoài ra thì hạn mức thẻ tín dụng thường lớn hơn khả năng chi tiêu thực tế của bạn, rất dễ khiến bạn chủ quan. Do đó bạn nên đặt ra giới hạn chi tiêu riêng cho bản thân, chẳng hạn như không vượt quá 30% hạn mức thẻ, để đảm bảo bạn có thể thanh toán đầy đủ vào cuối kỳ mà không bị lãi suất. Thẻ tín dụng là công cụ tài chính tiện lợi nhưng cũng rất dễ biến bạn thành “con nợ bất đắc dĩ” nếu không biết sử dụng đúng cách.
Lập ngân sách chi tiêu hàng tháng
Bước đầu tiên để quản lý tài chính hiệu quả là bạn cần phân chia rõ ràng các khoản chi tiêu. Hãy lập ra một danh sách các khoản cần thiết phải chi như tiền thuê nhà, hóa đơn, thực phẩm, tiết kiệm, và các khoản chi tiêu khác. Sau đó, xác định số tiền bạn có thể dùng cho những sở thích cá nhân như ăn uống, mua sắm. Việc này giúp bạn nhận thức rõ ràng về việc mình có bao nhiêu tiền và cần chi tiêu thế nào để không lâm vào cảnh hết tiền giữa tháng.
Quy tắc 50/30/20: Chi tiêu có kế hoạch
Một phương pháp hiệu quả để phân bổ tài chính là áp dụng quy tắc 50/30/20: 50% thu nhập dùng cho nhu cầu thiết yếu (như tiền nhà, thực phẩm, hóa đơn), 30% cho các sở thích cá nhân, và 20% để tiết kiệm hoặc đầu tư. Quy tắc này giúp bạn cân bằng giữa việc sống thoải mái hiện tại và đảm bảo tương lai tài chính ổn định.
Tiết kiệm tự động và phân bổ khoản tiền dư ra
Một cách khác để tránh rơi vào cảnh tiêu xài vô tội vạ là thiết lập việc tiết kiệm tự động ngay khi nhận lương. Bạn có thể mở một tài khoản tiết kiệm riêng và chuyển một phần thu nhập vào đó mỗi khi nhận lương. Việc này không chỉ giúp bạn tiết kiệm một cách dễ dàng mà còn giúp bạn tránh tình trạng “quá tay” trong chi tiêu.
Đặt mục tiêu tài chính rõ ràng
Bạn có thể đặt mục tiêu cho việc mua một món đồ yêu thích, du lịch, hoặc một khoản tiết kiệm dài hạn. Khi có mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh hành vi chi tiêu của mình để đạt được mục tiêu đó.
Học cách tận hưởng mà không cần tiêu quá nhiều
Cuối cùng thì điều quan trọng vẫn là biết cách tận hưởng cuộc sống mà không cần chi tiêu quá đà. Thay vì những bữa ăn sang chảnh trong nhà hàng đắt đỏ, bạn có thể chọn những quán ăn local bình dân vừa ngon miệng lại tiết kiệm hơn. Thay vì sắm đồ hàng hiệu mới, bạn hãy thử “săn” đồ second-hand chất lượng hoặc tham gia các hội nhóm thanh lý đồ để tìm những món đồ đẹp với giá hời.
Những buổi tụ họp bạn bè cũng không nhất định phải diễn ra ở các quán café đắt đỏ hay những địa điểm vui chơi xa hoa. Bạn có thể mua đồ về nhà cùng nấu ăn, tổ chức tiệc nhỏ hoặc chơi board game để vừa vui vừa gắn kết mà vẫn tiết kiệm chi phí. Thậm chí, một buổi picnic đơn giản ở công viên cũng là cách thư giãn thú vị mà không tốn kém.
Không có gì sai khi muốn thưởng cho bản thân sau những ngày làm việc vất vả, nhưng quan trọng là phải biết cách cân bằng giữa hiện tại và tương lai. Việc lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng, phân bổ ngân sách hợp lý và luôn có mục tiêu tài chính sẽ giúp bạn tránh được tình trạng tiêu xài hoang phí, từ đó sống thoải mái mà không lo lắng về tiền bạc. Chỉ cần thay đổi cách tiếp cận tài chính, bạn sẽ thấy rằng quản lý tiền bạc không khó, và cuộc sống tài chính cũng trở nên dễ thở hơn bao giờ hết.
Xem thêm: Trắc nghiệm: Hình ảnh đầu tiên bạn nhìn thấy sẽ tiết lộ điểm mạnh tiềm ẩn trong sự nghiệp của bạn
— HR Insider—
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.