Một ngày, một người bạn gọi điện cho tôi, nói rằng cậu ấy đang rất mơ hồ, không biết tương lai sẽ đi về đâu.
Nội dung đại khái là thế này:
1. Ở công ty không có cảm giác tồn tại, công việc nhạt nhòa, lương thấp.
2. Vì làm việc trái ngành nên không có hứng thú với công việc hiện tại.
3. Công việc thì nhiều nhưng toàn việc lặt vặt, chẳng mang lại điều gì.
4. Cảm giác sếp đang cố ý làm khó mình, thực ra sếp cũng chẳng hơn ai.
5. Áp lực công việc quá lớn, rõ ràng là đã rất cố gắng nhưng vẫn không thấy kết quả.
Nói thật, nghe anh ấy kể khổ thôi đã thấy mệt, nhưng tôi vẫn nhẫn nại nghe đến hết, và đưa ra kiến nghị: Đừng kêu không có tương lai, lương thấp, sếp khó tính, áp lực… Tất cả chỉ là vì cậu lười thôi!
Có lẽ đây cũng là lí do mà nhiều người không thích đi làm, nhiều người than mơ hồ, không có tương lai. Tôi chỉ muốn hỏi một câu: Các bạn đã từng cố gắng làm việc chưa?
Bạn nói bạn không thích công việc này, đây không phải công việc yêu thích của bạn, không đúng với chuyên ngành của bạn, nhưng, sao bạn lại chọn nó? Đã chọn rồi, mới đi được mấy bước đã muốn bỏ cuộc? Bạn đã từng thử kiên trì chưa? Gặp tý chông gai đã muốn bỏ, vậy bạn có thể kiên trì với cái gì được chứ?
Bạn nói công ty phân cho bạn toàn việc lặt vặt, thế bạn có thể làm được việc lớn gì? Việc nhỏ còn làm không xong, không muốn làm, còn viện cớ lung tung thì nói gì việc lớn. Trên đời này hiếm có việc gì bạn ra sức làm mà lại không có hồi đáp.
Tôi biết, có lẽ bạn thấy hoang mang, mơ hồ vì không nắm chắc được hướng phát triển trong tương lai, liệu sẽ có gì đáng hy vọng, con đường mình đi rồi sẽ thế nào… Nhưng suy cho cùng, hiện tại bạn còn chưa chắc chắn thì nói gì đến tương lai, cứ làm tốt công việc hiện tại đi đã.
Rất nhiều người nói rằng lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực, bạn đừng tin, tất cả chỉ là lý thuyết suông mà thôi.
Bạn muốn lựa chọn, nhưng bạn chỉ đang đứng đáy giếng ngó lên trên, bạn dựa vào điều gì để chọn? Hay chỉ chọn bừa? Chọn bừa rồi sai lầm rồi bạn định tính sao?
Chỉ khi bạn vượt qua được sự lười biếng, không ngừng nỗ lực, thì con đường phía trước mới càng ngày càng rõ ràng. Khi có đủ trải nghiệm và chín chắn, bạn cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn, và khả năng thành công cao hơn.
Đừng đổ hết mọi tội lỗi cho công việc, cho sếp, cho những gì chẳng phải bạn. Rõ ràng chính bản thân bạn không muốn làm, các yếu tố khách quan kia tốt xấu thế nào cũng thế cả thôi.
“Không thích” chẳng qua chỉ là cái cớ để bạn lười, “mơ hồ” cũng chỉ là lý do để bạn trốn tránh.
Điều này làm tôi nhớ tới thời còn đi học. Trước mỗi kỳ thi mà trong đầu chẳng có chữ nào, tôi thấy mơ hồ lắm.
Chuyện tình cảm không rõ ràng, tôi cũng mơ hồ.
Quan hệ bạn bè nảy sinh rạn nứt, tôi cũng mơ hồ.
Gần như tất cả những điều không được như ý, không được thuận buồm xuôi gió, tôi đều thấy mơ hồ, sau đó than ngắn thở dài, tìm người kể khổ.
Nghĩ lại lại thấy khá nực cười, ngoài miệng thì kêu là áp lực, khó khăn nghe ghê gớm lắm, thực chất chỉ là không muốn làm, muốn tìm cái cớ để tặc lưỡi cho qua mà thôi.
Bạn có từng nghĩ tại sao bạn lại thường xuyên thấy mơ hồ, tại sao bạn không bằng người khác chưa?
Bạn tự cho là thành tích học tập, điểm thi… không thể nói lên khả năng và thực lực của bạn, thế là bạn trốn tiết, chơi game, ngủ trong giờ. Thế rồi đến khi nhìn thấy thành tích của người khác, bạn lại ghen tỵ trong lòng. Ghen tỵ rồi cũng chẳng dám nhận, phải cố ra vẻ không quan tâm. Bạn lừa người lừa cả mình, vùi đầu vào ăn chơi hưởng thụ, lãng phí thời gian.
Sau đó lại ngồi nốc vài chén, ngửa cổ than đời mình mơ hồ quá.
Tất cả những thứ được gọi là mơ hồ, đều là vì lười, lười cố gắng, lười đi học, cho nên, thi không tốt, tình cảm không thuận lợi, công việc không như ý, năng lực kém cỏi, lại tự cho mình là đúng, tự an ủi bản thân.
Bạn mơ hồ, chẳng qua là vì bạn lười, lười học, lười cố gắng, cho nên thi cử chẳng ra sao, tình cảm không thuận lợi, công việc không như ý. Bạn không dám thừa nhận chính mình kém cỏi, cứ tự cho mình là đúng, đổ tội cho cái này cái nọ. Mới đáng thương làm sao!
Thực chất lười được chia thành hai loại: lười hành động và lười tư duy.
Loại đầu tiên gần như không có thuốc chữa. Chẳng ai cứu được kẻ đã từ bỏ chính mình. Bạn lười làm, tức là không phải bạn không có việc gì làm, mà là bạn căn bản không muốn làm. Bạn không chịu làm, thì không bao giờ có việc gì xong được cả.
Còn loại thứ hai, bận đến sứt đầu mẻ trán, nhưng kết quả chẳng thấy bao nhiêu. Vậy thì bạn cũng nên suy nghĩ đến việc thay đổi cách làm việc. Bạn nên suy nghĩ xem nên làm thế nào để có kết quả tốt nhất. Đừng lười tư duy, tư duy tốt có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều công sức. Dù công việc có bận rộn đến đâu, thì cũng nên có thời gian ngồi tổng kết rút kinh nghiệm.
Người khác đang chăm chỉ nỗ lực, bạn lại lười biếng.
Người khác đang tiến lên không ngừng, bạn lại giậm chân tại chỗ.
Thế là khoảng cách xuất hiện, và càng ngày càng rộng ra.
Bạn tưởng ai cũng mơ hồ như bạn, thế là thản nhiên lười biếng. Không những thế bạn còn cho rằng người khác đang tự tìm khổ, chẳng việc gì phải mệt mỏi thế. Còn bạn thì thông minh, được lợi hơn người ta.
Nhưng bạn không biết rằng, rất nhiều người cảm thấy vui vẻ khi họ cố gắng.
Giờ bạn lười biếng, thì sau này sẽ phải trả lại bằng sự mệt nhọc.
“Giá như lúc đầu mình…” là giả thuyết đáng thương vô cùng. Trên đời này làm gì có giá như.
Bạn luôn thấy mơ hồ thực chất là do bạn đang lười, không muốn cố gắng nâng cao năng lực bản thân, lại cứ đi nghĩ mãi về cái tương lai không đoán biết được để mà hoang mang. Bạn thua, vì chính bản thân bạn.
Bạn thấy rất nhiều người tiền đồ xán lạn, thành công rực rỡ, nhưng bạn lại quên mất đằng sau thành công đó là bao nhiêu mồ hôi công sức họ đã bỏ ra, lúc họ đang cố gắng thì bạn làm gì? Đang lười.
Suốt ngày nghe thấy mọi người kêu mơ hồ. Mơ hồ cái gì? Mấy người lười thì có!
Có người phản bác rằng: cố gắng cũng chưa chắc sẽ có thành quả. Nói rất đúng, nhưng hình như bạn quên mất vế sau của nó. Không cố gắng thì chắc chắn sẽ không có thành quả.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.