Greg Satell thường được nhắc đến như là một người làm nên những điều đáng kinh ngạc, hiện thực hóa những ý tưởng lớn thành các giải pháp kinh doanh thiết thực nhất. Niềm đam mê đó được ông thực hiện không chỉ ở vai trò trước kia của mình – một doanh nhân, giám đốc điều hành và bây giờ, khi cái tên Greg Stell được biết đến là một nhà văn và diễn giả nổi tiếng bán chạy nhất.
Ông đã dành phần lớn thời gian lúc còn trẻ của mình để xây dựng và quản lý các doanh nghiệp truyền thông ở Đông Âu. Tổng cộng, ông đã dành 15 năm sống và làm việc ở Ba Lan, Ukraine, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó trở về Mỹ vào năm 2011 và từng là thành viên chủ chốt trong bộ phận Chiến lược của Moxie Interactive, thuộc tập đoàn Publicis Groupe, một trong những tổ chức dịch vụ tiếp thị hàng đầu thế giới.
Trước đây, ông là thành viên đồng Giám đốc điều hành của KP Media, một công ty xuất bản truyền thông tích hợp chuyên quản lý các thương hiệu như Bigmir, nền tảng kỹ thuật số hàng đầu Ukraine,… và bây giờ là tác giả uy tín của Inc, Harvard Business Review, tác giả cuốn sách A Playbook for Navigating a Disruptive Age, một trong những cuốn sách kinh doanh hay nhất năm 2017 của 800-CEO-READ và diễn giả đáng tin cậy. Bàn về sự sáng tạo, Greg Satell chia sẻ:
Hãy thử cùng ăn trưa với người đồng nghiệp mà bạn vốn cho rằng chẳng có một tí sáng tạo nào hết, rất có thể, bạn sẽ tìm ra được niềm đam mê mà anh ấy bí mật theo đuổi ngoài giờ làm việc và dành tất cả năng lượng sáng tạo vào niềm đam mê đó thay vì công việc hàng ngày của mình.
Vậy nên, nếu bạn là một nhà lãnh đạo, bí quyết để mở khóa cho sự sáng tạo không nằm ở chỗ mang về nhiều người sáng tạo hơn mà là làm sao để mở đường cho sự sáng tạo ở những nhân viên đang làm việc cho mình.
Bồi dưỡng, nâng tầm kỹ năng chuyên môn
Trong suốt nhiều thập kỉ gần đây, hầu hết các nghiên cứu về sự sáng tạo đều đưa ra một nhận định chung đó kỹ năng chuyên môn tốt là cơ sở quyết định cho việc đưa ra một ý tưởng hay tạo ra một sản phẩm sáng tạo hàng đầu.
Vậy nên, bước đầu tiên để nhân viên của bạn trở nên sáng tạo là giúp họ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình đang làm. Khi đó, họ sẽ hiểu được đâu là những vấn đề mình đang gặp phải và yếu tố quan trọng nào sẽ tạo nên những giải pháp tốt nhất. Hãy lấy Einstein làm một ví dụ điển hình, để ngộ ra đâu là những khiếm khuyết tồn tại trong mô hình vật lí cơ bản cho thời gian và không gian, ông đã phải dành hàng năm trời chuyên tâm nghiên cứu về Vật Lý và tìm hiểu từ những điều cơ bản nhất của mô hình này.
Vậy làm cách nào để biến nhân viên của bạn thành những chuyên gia? Ông Anders Ericsson – một tiến sĩ tâm lý học người Thụy Điển đã đi tìm lời giải cho câu hỏi này trong suốt nhiều năm và chứng minh được một trong những yếu tố quyết định chính là sự sự luyện tập miệt mài. Từ đó, ở góc độ của một nhà lãnh đạo, những việc bạn cần làm là xác định điều gì giúp cho việc hình thành và phát triển mỗi một kỹ năng cụ thể, cung cấp những khóa huấn luyện và khuyến khích nhân viên của mình cải thiện những điểm yếu còn tồn tại. Những điều này sẽ mang lại những kết quả vượt trội hơn nhiều so với những buổi training rời rạc mà đa số các doanh nghiệp vẫn đang làm.
Chẳng hạn như, Amazon – một trong những công ty kinh doanh thương mại điện tử lớn nhất thế giới – nhận định viết lách là kỹ năng cần thiết nhất khi làm việc tại đây. Nhân viên cần phải liên tục viết sáu trang văn bản mỗi ngày, thậm chí chỉ để mô tả một đặc tính nhỏ của một sản phẩm trong suốt quá trình làm việc tại công ty. Do vậy, họ liên tục tham gia các khóa huấn luyện và nhận các phản hồi cho các bài viết của mình để có được những bài viết tốt nhất và giành được cơ hội thăng tiến.
Mọi doanh nghiệp đều có thể làm điều tương tự như Amazon, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có được sự tận tụy mãnh liệt như những gì mà Amazon đã làm trong suốt nhiều năm liền để biến nhân viên của mình thành những cây viết chuyên nghiệp nhất.
Khuyến khích sự khám phá
Kiến thức chuyên môn rõ ràng là cái quyết định cho sự sáng tạo thực thụ, nhưng chỉ vậy thôi thì chưa đủ. Nhìn vào tổng thể của bất kì một sản phẩm sáng tạo nào, bạn sẽ nhìn tìm ra được những giá trị đích thực nằm ngoài những tính toán ban đầu. Một điều dường như là ngẫu nhiên nhưng đôi khi chính là yếu tố biến những tác phẩm bình thường trở nên khác biệt.
Chẳng hạn như, bộ sưu tập của họa sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha Picasso với tên gọi African Period được lấy cảm hứng từ một lần ngẫu nhiên ghé thăm viện bảo tàng của ông. Hoặc là khi Charles Darwin – một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tự nhiên học người Anh, nổi tiếng với những đóng góp cho khoa học tiến hóa – đã dành nhiều năm cho việc nghiên cứu hóa thạch và suy nghĩ về sự tiến hóa cho đến khi ông bắt gặp một bài tiểu luận kinh tế của Thomas Malthus 40 năm về trước và từ đó dẫn đến thuyết chọn lọc tự nhiên. Hay triết lý của David Hume – một triết gia, nhà kinh tế học và nhà sử học người Scotland – đã dẫn Einstein đến với thuyết tương đối đặc biệt của mình.
Gần đây hơn, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phân tích 17.9 triệu bài báo khoa học và cho thấy tác phẩm được trích dẫn nhiều nhất có nhiều khả năng đến từ một nhóm các chuyên gia trong cùng một lĩnh vực nào đó làm việc với một chuyên gia trong một lĩnh vực hoàn toàn khác biệt khác. Chính sự kết hợp giữa kỹ năng chuyên môn, cơ hội được khám phá và sự hợp tác mở đường cho những ý tưởng thực sự đột phá.
Bạn sẽ biết ý nghĩa tuyệt vời của những điều trên khi tìm hiểu về chính sách “20% thời gian” của Google. Bằng cách cho phép nhân viên dành 20% thời gian làm việc của mình cho các đầu việc hoặc dự án nằm ngoài mô tả công việc của họ, điều đó cho phép những người có kinh nghiệm và chuyên môn đa dạng cùng nỗ lực theo cách riêng, điều mà một buổi họp thông thường khó có thể làm được. Ý tưởng này được xem như là “một công cụ tìm kiếm tuyệt vời đem lại những ý tưởng chưa từng có”.
Sử dụng sức mạnh của công nghệ
Trong tiểu sử gần đây về Leonardo da Vinci của nhà văn người Mỹ Walter Isaacson, ông kể lại cách mà bậc thầy thời trung cổ này tìm hiểu về thế giới tự nhiên, từ giải phẫu học đến quá trình hình thành địa chất để dẫn lối cho những tác phẩm nghệ thuật của mình. Leonardo hiển nhiên là một thiên tài của lịch sử nhân loại, nhưng hãy thử tưởng tượng xem ông ấy sẽ làm việc hiệu quả hơn thế nào nếu có trong tay một công cụ tìm kiếm chẳng hạn.
Một trong những khía cạnh dễ bị bỏ qua của sự đổi mới chính là công nghệ có thể nâng cao hiệu suất. Một phần là do nó làm cho 2 nhân tố kể trên – trau dồi kỹ năng chuyên môn và khuyến khích khám phá – dễ dàng được thực hiện hơn, một phần là nó giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và dành chúng để trải nghiệm nhiều hơn.
Bạn có thể thấy điều này ở những sản phẩm của Pixar. Pixar vốn là một công ty về công nghệ nhưng bắt đầu quay những bộ phim ngắn để thể hiện những tính năng nổi bật trong sản phẩm của họ: phần mềm hoạt họa. Tuy nhiên, khi họ thử nghiệm những công nghệ này, họ phát hiện ra rằng họ đang có được nhiều trải nghiệm mới với nghệ thuật kể chuyện và chính những điều có được đó đã khiến họ trở thành một trong những hãng phim được đánh giá cao nhất trong lịch sử.
Người sáng lập Pixar, Ed Catmull đã đề cập điều này trong tự truyện của ông, Creative Inc: “Mỗi một bộ phim của chúng tôi khi mới bắt đầu đều chẳng ra hồn… Công việc mà chúng tôi cần làm là biến những thứ chẳng ra hồn đó thành một điều có ý nghĩa. Đấy mới là phần khó khăn nhất.” Chính công nghệ biến những điều từ không thể thành có thể, biến những sản phẩm sáng tạo từ không thể thực hiện được thành hiện thực.
Đề cao sự kiên trì
Người ta thường định nghĩa sự sáng tạo như là một ý tưởng độc đáo ban đầu chợt nảy ra trong đầu, mà một khi có được nó thì việc thực hiện ý tưởng đó sẽ không mấy khó khăn. Nhưng ít nhất, khi xem qua những chia sẻ của Catmull ở trên, bạn sẽ nhận ra thực tế không hề như vậy. Trong cuốn tự truyện, ông ví những ý tưởng ban đầu là “những đứa con xấu xí” và nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo vệ chúng khỏi những lời đánh giá vội vã. Nhưng nhiều tổ chức đã đi theo hướng ngược lại, bất kì ý tưởng nào không thể hiện được sự triển vọng bạn đầu tức thì sẽ nhanh chóng “bị giết chết một cách không thương tiếc”.
IBM là một trong những doanh nghiệp đi ngược với xu hướng này. Bộ phận nghiên cứu ở đây thường xuyên theo đuổi những ý tưởng dường như điên rồ trước khi khả thi hóa tính thương mại của chúng. Một thành công vượt trội của nhóm nghiên cứu này là đã thực hiên thành công viễn tải lượng tử lần đầu tiên mà không hề có sự hỗ trợ tài chính nào từ công ty vào năm 1993, thời điểm mà công ty này đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.
Tuy nhiên, chi phí cho việc nghiên cứu này không quá đắt đỏ nên IBM sau thời điểm đó đã liên tục hỗ trợ dự án này trong suốt 25 năm qua. Hiện nay, họ là người dẫn đầu trong viễn tải lượng tử – một thị trường tiềm năng đáng giá hàng tỷ đô – và luôn tâm huyết với lĩnh vực này. Đó là lý do vì sao dù trải qua biết bao thăng trầm, IBM vẫn giữ vững vị trí là một công ty đạt lợi nhuận cao, trong khi những đối thủ khi xưa đã không còn tồn tại trên thị trường.
Một ví dụ khác chính là Kevin Ashton – nhà tiên phong công nghệ người Anh – người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng về những vi mạch RFID (Radio Frequency Identification), là công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến, cho phép nhận biết các đối tượng thông qua hệ thống thu phát sóng radio, từ đó có thể giám sát, quản lý hoặc lưu vết từng đối tượng. Trong cuốn sách “How to Fly a Horse” của mình, ông viết rằng: “Sáng tạo là một hành trình dài mà hầu hết ngả rẽ là sai và cuối hành trình đó là ngõ cụt. Điều quan trọng nhất mà người sáng tạo có thể làm đó chính là tiếp tục kiên trì và không từ bỏ.”
Thực tế, có không ít người ở những thời điểm “ngõ cụt” đó đã chọn cách dừng lại thay vì kiên trì đi tiếp. Họ mong “những đứa con” của mình phải xinh đẹp ngay từ đầu. Họ xem sự sáng tạo là một sự kiện thay vì một quá trình, họ không đầu tư vào chuyên môn và đề cao sự khám phá và không chấp nhận đi qua những ngã rẽ và ngõ cụt. Đó là lý do vì sao có rất ít người trong chúng ta có thể làm nên những điều thực sự mới mẻ và khác biệt.
— HR Insider / Theo Greg Satell, Harvard Business Review –
VietnamWorks.com – Website Tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.