Sử dụng bài kiểm tra trong tuyển dụng, doanh nghiệp và ứng viên cần lưu ý gì? Nhiều trường hợp ứng viên làm bài kiểm tra trong trạng thái tinh thần hoặc thể chất không tốt, hoặc ứng viên cố tình trả lời với mục đích thể hiện tốt hơn về bản thân, dẫn đến việc kết quả chưa đánh giá và thể hiện được chính xác về mình. Vậy khi sử dụng, doanh nghiệp và ứng viên cần lưu ý trong bài kiểm tra tuyển dụng như thế nào?
Đối với doanh nghiệp khi sử dụng bài kiểm tra trong tuyển dụng cần lưu ý:
#1 Hãy đưa thông tin rõ ràng về mục đích và hình thức của bài kiểm tra
Không ít ứng viên sẽ cảm thấy lo lắng khi nhà tuyển dụng yêu cầu làm bài kiểm tra trước hoặc sau vòng phỏng vấn trực tiếp. Do đó, hãy thông tin một cách rõ ràng đến ứng viên để họ hiểu rằng bài test là một bước trong quy trình tuyển dụng công bằng của bạn, với mục đích nâng cao tính khách quan và không phải là yếu tố duy nhất quyết định hoàn toàn kết quả tuyển dụng. Ngoài ra, hãy giúp “trấn an” sự lo lắng của ứng viên bằng việc cung cấp đủ thông tin về hình thức cũng như thời gian làm bài, kèm theo những điều cần chuẩn bị về thiết bị và không gian để giúp ứng viên làm bài trong trạng thái tốt nhất.
#2 Hãy quan tâm đến trải nghiệm của ứng viên
Trải nghiệm của ứng viên trong quá trình phỏng vấn đang dần trở thành một trong những yếu tố quan trọng tạo nên hình ảnh của doanh nghiệp. Bên cạnh việc cung cấp thông tin và hướng dẫn đầy đủ về việc làm bài test, doanh nghiệp có thể cá nhân hóa trải nghiệm của ứng viên với các bài test (online hoặc offline) có sẵn họ & tên và được tạo để dành riêng cho từng ứng viên.
Hơn nữa, theo một nghiên cứu của Criteria Corp, đối với những bài test có độ dài dưới 40 phút, có đến 75% ứng viên sẽ hoàn thành, trong khi đối với những bài test có độ dài từ 1 tiếng trở lên, chỉ có 60% ứng viên hoàn thành bài test của mình. Tỉ lệ hoàn thành test của ứng viên thể hiện phần nào mức độ nghiêm túc đối với vị trí, tuy nhiên, một bài test quá dài sẽ khiến ứng viên nản lòng. Việc lựa chọn một bài test có hình thức trắc nghiệm online, khả dụng trên nhiều thiết bị, đặc biệt là smartphone để có thể làm được ở bất cứ đâu và vào nhiều thời gian, cũng sẽ tạo thuận lợi cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng trong việc tổ chức và thực hiện test.
#3 Lựa chọn bài kiểm tra phù hợp với mục đích đánh giá của từng giai đoạn tuyển dụng
Có rất nhiều loại bài kiểm tra khác nhau với những mục đích sử dụng rất đa dạng. Cách lựa chọn và sử dụng bài kiểm tra ở bước nào trong quá trình tuyển dụng tùy thuộc vào doanh nghiệp. Có doanh nghiệp sẽ cho ứng viên làm test ngay sau khi họ nộp đơn ứng tuyển, thường là những vị trí đăng tuyển với hình thức Mass Recruitment. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp lọc bớt trước số lượng lớn đơn ứng tuyển không phù hợp với tiêu chuẩn bằng các dạng bài kiểm tra cơ bản nhất. Có doanh nghiệp sẽ cho ứng viên làm test sau đi đã thông qua vòng duyệt CV, nhằm lọc bớt ứng viên trước khi vào vòng phỏng vấn để tiết kiệm thời gian cũng như công sức, thường là các chương trình quản trị viên tập sự. Trường hợp này, doanh nghiệp sẽ thường chọn sử dụng các dạng bài kiểm tra năng lực tư duy. Phổ biến không kém là sử dụng bài kiểm tra sau vòng phỏng vấn trực tiếp đầu tiên. Khi đó, nhà tuyển dụng đã có sự quan sát và tiếp xúc nhất định với ứng viên, kết hợp với kết quả của bài kiểm tra để có cái nhìn sâu hơn về những khía cạnh “ẩn”, từ đó đưa ra quyết định cho các vòng tiếp theo. Giai đoạn này, nhà tuyển dụng thường sẽ sử dụng các dạng bài kiểm tra tính cách và mức độ phù hợp về văn hóa.
Đối với ứng viên, khi sử dụng bài kiểm tra trong tuyển dụng cũng cần vài lưu ý:
#1 Hãy tìm hiểu và làm quen với những dạng bài kiểm tra phù hợp với vị trí ứng tuyển
Làm quen với những nội dung và hình thức điển hình của các bài test về tâm lý sẽ giúp bạn có một lợi thế đáng kể. Các câu hỏi kiểm tra năng lực ngôn ngữ và con số thường là những câu hỏi trắc nghiệm cần được trả lời trong thời gian rất ngắn. Nếu bạn đã được thông báo trước về loại bài kiểm tra sẽ được sử dụng ở công ty mình đang nộp đơn ứng tuyển, sao không tìm hiểu và làm quen trước khi thực sự làm bài đúng không? Hiện nay có rất nhiều trang web giúp ứng viên tìm hiểu về các dạng câu hỏi cũng như luyện tập trước, bạn có thể tham khảo các trang như: practiceaptitudetests.com, indiabix.com, shldirect.com/en/practice-tests, v.v…
Dù bài test chỉ là một bước trong quy trình tuyển dụng, tuy nhiên, nếu thực sự nghiêm túc và khao khát vị trí này, ứng viên nên dành thời gian và công sức nhất định cho từng bước trong quy trình tuyển dụng.
#2 Hãy làm bài với tâm thế sẵn sàng, có sự ổn định và chuẩn bị về cả thể chất lẫn tinh thần
Bạn hãy để những điều tốt nhất của bản thân mình giúp bạn mang lại kết quả tốt nhất trong bài kiểm tra tâm lý. Sự mệt mỏi cũng có thể là một trong những yếu tố làm giảm điểm của bạn trong các bài test về kiến thức hay năng lực của bạn. Hãy đảm bảo rằng bạn được nghỉ ngơi thoải mái trước khi làm bài, và cố gắng có những quãng nghỉ ngắn trong quá trình test năng lực để đảm bảo là bạn đã lấy lại đủ năng lượng trước tiếp tục.
Ngoài ra, nếu bài test là hình thức online, hãy kiểm tra độ ổn định của kết nối mạng cũng như thiết bị dùng để làm bài, còn nếu là bài test offline, hãy chuẩn bị kỹ những vật dụng cần thiết như giấy nháp, máy tính, bút, v.v…
#3 Hãy thực sự tập trung và trung thực đối với những bài kiểm tra tính cách
Đừng cố thể hiện khác đi với bản thân với suy nghĩ rằng sẽ có được kết quả mà bạn nghĩ nhà tuyển dụng muốn. Hiện nay, có những bài test trên thị trường có yếu tố kiểm tra tính nhất quán và độ trung thực khi làm bài của người dự thi. Hơn nữa, với mục đích đánh giá sự phù hợp với vị trí đăng tuyển, thì việc thể hiện khác đi về bản thân như vậy sẽ khiến bạn có cơ hội gia nhập vào một môi trường không thật sự phù hợp để phát huy tối đa năng lực bản thân, từ đó gây mất thời gian cho cả chính bạn và nhà tuyển dụng.
Hãy nhớ rằng, bài test cũng chỉ là một phần trong quy trình tuyển chọn. Điều nhà tuyển dụng cần khi yêu cầu bạn làm test là để hiểu rõ về tính cách cũng như định hướng của bạn, để có thể biết về bạn một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó có được những nhận xét đúng về chính bạn.
Top các việc làm mới được đăng tuyển tại VietnamWorks:
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN TÌM VIỆC VietnamWorks là nền tảng tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam, với hơn 20 năm kinh nghiệm và hàng triệu ứng viên tiềm năng. VietnamWorks kết nối hiệu quả người tìm việc với các nhà tuyển dụng uy tín trên mọi lĩnh vực, giúp người tìm việc nhanh chóng tìm được công việc mơ ước. Tại VietnamWorks, người tìm việc sẽ được truy cập hàng ngàn tin tuyển dụng mới nhất, cập nhật liên tục từ các doanh nghiệp hàng đầu, tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực, kinh nghiệm và sở thích. Ứng tuyển dễ dàng chỉ với vài thao tác đơn giản. Đặc biệt, người tìm việc làm có thể tạo CV trực tuyến miễn phí, chuyên nghiệp và thu hút nhà tuyển dụng và nhận gợi ý việc làm phù hợp dựa trên CV và kinh nghiệm, để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước. |
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.