“Trẻ không chơi, già hối tiếc!”
Có một kiểu người làm hết sức nhưng cũng chơi thật hết mình! Họ không đem công việc về nhà hay tiếp tục trả lời mail khi đang trong kỳ nghỉ dưỡng. Cuối tuần của họ dành cho gia đình, bạn bè hay đơn giản là những khoảnh khắc thư giãn của riêng mình. Thay vì vùi đầu vào laptop ngay cả ngoài giờ công việc, họ dành thời gian để nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe bản thân, quan tâm đến những người thân yêu theo cách này hay cách khác. Thỉnh thoảng, họ sẽ tận dụng phép năm để tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ hay một chuyến du lịch lí tưởng. Việc vui chơi và tận hưởng cuộc sống là cách để họ nạp lại năng lượng, tạo động lực để kiếm tiền và cảm thấy cuộc sống của mình càng thêm ý nghĩa.
“Ăn công việc, ngủ cũng công việc!”
Đối lập với nhóm lao động để tìm kiếm niềm vui tận hưởng cuộc sống, cũng có kiểu người dành đến 85% thời gian của mình cho công việc. Ngoài giờ làm việc, họ cũng làm việc. Ngày nghỉ cuối tuần của họ là để ngủ bù cho những ngày làm việc mất ngủ! Họ không có nhu cầu hoặc không thể sắp xếp thời gian của mình để hưởng thụ cuộc sống. Có thể thu nhập hoặc chức vụ của họ cũng ngày một cao lên, nhưng thời gian cho cuộc sống cá nhân của họ cũng ngày càng thu hẹp. Mỗi ngày của họ là một chuỗi lặp lại các hành động rập khuôn giữa công sở và nhà. Họ có tiền, nhưng lại không có thời gian để tiêu tiền. Và về già, có thể số tiền họ tích góp thời tuổi trẻ lại để chi trả cho bệnh tật vì làm việc quá sức!
“Sống để làm hay làm để sống?”
Để trả lời cho câu hỏi này, hãy xác định quan điểm của bạn ngay từ bây giờ. Đừng biến bản thân trở thành “nô lệ” của công việc. Đó chỉ là một phần đời của bạn. Những gì gắn bó với bạn tới cuối đời là cuộc sống ngoài kia! Hãy sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của bạn trong cuộc sống để cân bằng giữa công việc và đời tư cá nhân hiệu quả hơn. Không có ai là quá bận rộn trong cuộc đời mình, tất cả chỉ do sự ưu tiên! Hãy trả lời câu hỏi điều gì là quan trọng nhất với bạn để đầu tư đúng đắn cho cuộc sống của mình. Ngoài ra, nếu bạn vẫn đang chênh vênh không hiểu bản thân mình, thử đặt ngược lại vấn đề, nếu bạn chia một nửa thời gian cho gia đình, bạn sẽ mất đi bao nhiêu tiền, bao nhiêu hợp đồng, bao nhiêu khách hàng? Bạn sẽ được cái gì? So sánh giữa được và mất, bạn thấy cái nào hơn, bạn sẽ chọn phương án nào? Khi trả lời tất cả những câu hỏi này, bạn sẽ biết mình muốn gì và xác định liệu bạn sẽ là kiểu người nào trong hai bức chân dung phác họa trên đây.
Vậy sống để làm hay làm để sống? Bạn sẽ chọn là ai?
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.