Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những biện pháp để xử lý những bùng nổ bộc phát của sếp. Làm việc với một vài vị sếp khó tính không chỉ đòi hỏi khả năng chuyên môn mà còn đòi hỏi EQ (chỉ số trí tuệ cảm xúc) cao. Khi bạn xử lý tình huống tốt, bạn không những giúp sếp thay đổi thái độ, đánh giá cao bạn hơn mà còn là cách để bạn xoá bỏ những cảm xúc tiêu cực, lo lắng hay bực bội ảnh hưởng đến mình. Không nên vội phán xét khi vấn đề chưa được xác định rõ, càng không nên nổi giận và nộp đơn xin việc ngay khi đối mặt. Một số bí quyết dưới đây có thể giúp bạn:
Suy nghĩ tích cực và giữ bình tĩnh
Thái độ của sếp hay trưởng ban, quản lý có thể ảnh hưởng đáng kể đến tâm trạng của nhân viên và năng suất làm việc của họ. Khi sếp vui vẻ, năng lượng tích cực sẽ được lan tỏa và vì thế mọi người cũng thoải mái hơn. Tuy nhiên, cảm xúc của con người lên xuống bất định. Trong khi trọng trách nặng nề hơn ai hết, sếp của bạn dễ dàng bực mình hay cáu gắt vì kết quả đạt được không tốt, vì năng suất làm việc kém hay chẳng vì lý do gì cả.
Khi sếp gắt gỏng, hãy nhắc nhở bản thân về việc giữ cảm xúc trung lập, ngăn chặn luồng năng lượng tiêu cực lây lan cho bản thân. Đừng để tâm trạng của ai ảnh hưởng đến cảm xúc và từ đó tác động đến hiệu quả công việc. Nhưng nếu bạn là người chịu ảnh hưởng hay trực tiếp chịu đựng sự gắt gỏng đó, hãy nhớ luôn giữ bình tĩnh và không nên phản kháng lại. Nếu không có khả năng kiềm chế cảm xúc, bạn rất dễ gây ra những tranh cãi ngoài ý muốn và khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Chỉ khi ở trạng thái điềm tĩnh, bạn mới thông suốt suy nghĩ vấn đề gì đang diễn ra và hướng giải quyết sắp tới. Hãy nói chuyện và ứng xử khôn khéo, mềm mỏng và chân thành. Khi nhìn thấy thái độ điềm tĩnh kiên trì đó của bạn, họ sẽ nhanh chóng được xoa dịu và cảm giác được thấu hiểu.
Xác định nguyên nhân vấn đề và xem xét lại bản thân
Đôi khi tâm trạng của một người không có nguồn gốc chính từ vấn đề đang đối mặt mà do tất cả những thứ xảy ra trước đó dồn nén gộp lại. Cố gắng tìm ra nguyên nhân vấn đề cho những cảm xúc tiêu cực của sếp để có thể chia sẻ và tìm hướng giải quyết giúp họ. Nếu không thể tiếp cận hay không phù hợp để sẻ chia và giúp đỡ, việc tìm nguyên nhân chính là cách để bạn tìm cách giữ khoảng cách với họ ở những thời điểm đó.
Có thể nguyên nhân đến từ những khuyết điểm hay lỗi sai của bạn. Vì vậy, hãy xem xét lại bản thân, cố gắng nhận lỗi và khắc phục chúng. Không nên để lòng tự ái, cái tôi hay sự nóng nảy khiến bạn cố chấp, bảo thủ với lỗi lầm mình gây ra. Hãy cho đó là bài học để bản thân đúc rút và hoàn thiện hơn trong tương lai.
Nếu nguyên nhân không phải đến từ bạn nhưng sếp luôn gắt gỏng với bạn. Hãy dùng thái độ chân thành cùng với sự điềm tĩnh để thẳng thắn trao đổi với sếp, tham khảo cách giải quyết mà không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai bên.
Biết cách tránh mặt và giữ khoảng cách
Nếu đang trong cuộc họp và xảy ra tình huống này, bỏ ra ngoài không phải ý tưởng hay nhưng nếu tình huống quá bùng nổ, hãy đi ra ngoài để không khí bình tĩnh trở lại. Trong trường hợp biết sếp đang gắt gỏng, bạn có thể tránh mặt bằng cách gửi email thay vì vào phòng gặp trực tiếp. Còn nếu sếp đang la rầy đồng nghiệp, đeo tai nghe vào và tập trung làm tiếp công việc đang dang dở của mình.
Đừng nghĩ sếp đang chĩa mũi nhọn vào bạn
Tư duy tích cực về những điều tối tệ sẽ giúp cuộc sống bạn tốt hơn từng ngày. Trong tình huống phải hứng chịu cơn giận dữ của sếp, cảm xúc căm ghét hay đinh ninh sếp đang muốn “ghim” bạn là một tư duy thiếu trưởng thành. Có thể cuộc sống của họ đã phải trải qua nhiều biến cố hay những áp lực vô hình từ sức nặng công việc. Điều bạn cần làm là cảm thông và tha thứ cho họ, vừa để tạo cho bản thân những luồng năng lượng tích cực mà vừa là chìa khoá cho một mối quan hệ lành mạnh giữa cả hai.
Xem xét nghỉ việc
Nếu bạn phải làm việc và chịu đựng một vị sếp suốt ngày chỉ biết la mắng, quát tháo và nạt nộ nhân viên dù đã có nhiều ý kiến góp ý hay những cách xử lý khác nhau, bạn nên xem xét nghỉ việc. Tìm một môi trường tốt hơn, với những vị sếp tử tế hơn để tránh khỏi những áp lực, căng thẳng và bực bội khi đối diện với vị sếp cũ.
Sức khoẻ tinh thần là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và hiệu suất công việc. Môi trường làm việc lành mạnh chính là điều kiện hình thành hay phá huỷ nhân tố đó. Do đó, bạn cần xem xét cân nhắc để cuộc sống cảm xúc và công việc được cân bằng.
Trong quá trình làm việc dù ở môi trường nào, ngoài trau dồi các kỹ năng cứng hay kỹ năng chuyên môn, bạn còn cần hoàn thiện kỹ năng mềm và lối đối nhân xử thế trong tất cả các mối quan hệ, không riêng với cấp trên. Môi trường công sở luôn rình rập những vấn đề khó nhằn đòi hỏi chúng ta phải thật khôn khéo và bình tĩnh. Có được kỹ năng mềm tốt sẽ giúp bạn dung hoà các mối quan hệ và tạo cho bản thân động lực làm việc năng suất hơn.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.