Theo những nghiên cứu gần đây, bên cạnh lương bổng, các ứng viên còn quan tâm đến cơ hội thăng tiến, phát triển bản thân trên con đường sự nghiệp đã vạch ra. Những nhà tuyển dụng thông minh ngày nay luôn tiên phong đề nghị hỗ trợ hết mình cho kế hoạch phát triển sự nghiệp của nhân viên và bỏ qua lối mòn của việc chỉ tập trung sử dụng lương và trợ cấp hấp dẫn để thu hút nhân tài. Một kế hoạch phát triển nghề nghiệp sẽ mang đến lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Sau giai đoạn thử việc, các nhà quản lý nên trò chuyện để hiểu hơn về tâm tư nguyện vọng của nhân viên và dựa vào câu trả lời cho câu hỏi “Tương lai của bạn như thế nào ở công ty chúng tôi?” để đưa ra những hướng dẫn thích hợp. Cụ thể hơn, đó có thể là:
Hỗ trợ các khóa học và đào tạo:
Không còn điều gì tuyệt bằng khi nhân viên được cung cấp những khóa học, đào tạo nhằm hoàn thiện hơn về kiến thức lẫn kỹ năng
- Mời những diễn giả/chuyên gia đào tạo riêng cho nhân viên của từng phòng ban hoặc cử nhân viên tham gia những buổi như thế ở các đơn vị khác.
- Học hỏi những kinh nghiệm từ đồng nghiệp: không ngần ngại kêu gọi những đàn anh, đàn chị đi trước chia sẻ những kinh nghiệm thông qua các buổi workshop.
- Những khóa học trực tuyến: nhân viên có thể được cung cấp một tài khoản miễn phí về các khóa học rèn luyện kỹ năng cũng như kiến thức nghiệp vụ mong muốn. Bạn có thể tìm đến trang Lynda.com, một trong những vùng trời kiến thức từ chuyên môn đến các kỹ năng được sử dụng rộng rãi.
- Chi trả những khóa học giáo dục thường xuyên: đối với nhiều nhà quản lý đây có lẽ là một trong những phương pháp tốn kém và mất nhiều thời gian nhưng sẽ là điều kiện cần để thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên.
Khuyến khích xây dựng nhiều mối quan hệ
Hãy hỗ trợ nhân viên kết nối với mọi người trong và ngoài phòng ban cũng như công ty. Đây luôn là cơ hội cho nhân viên mở rộng tầm nhìn, nhận được những lời khuyên hữu ích từ những người đi trước trong nghề.
Tổ chức những buổi trò chuyện và tổng kết ít nhất 2 lần trong năm
Gặp gỡ nhân viên và cùng họ tổng kết lại những thành tựu đạt được cũng như thiếu sót cần khắc phục để đưa ra kế hoạch hoàn thiện trong giai đoạn tiếp theo.Tốt nhất là dựa theo “Bảng đánh giá hiệu quả công việc” mà bạn đưa ra để theo dõi sự phát triển và hoàn thiện của nhân viên.
– HR Insider / VietnamWorks –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.