Cho phép bản thân được “buồn”
Tôi đã sai lầm khi tự vấn mình rằng: “Tôi mạnh mẽ lắm, chuyện gì rồi cũng sẽ qua, rồi cơ hội khác sẽ đến”. Thông thường, bạn sẽ nhận được những lời khuyên từ bạn bè, người thân rằng “hãy vui lên, cười lên, không sao đâu” khi phỏng vấn thất bại. Tuy nhiên, cứ buồn nếu cảm thấy không chịu đựng được, mặc dù hơi tiêu cực nhưng điều này là cần thiết. Nhưng phải nhớ, chỉ nên buồn trong chốc lát, trong vài giờ và thời gian còn lại, hãy trở lại vạch xuất phát ban đầu. Tôi đã làm như thế bằng việc tiếp tục gửi đơn đến những công ty khác sau khi tỉnh giấc.
Tự vấn lại bản thân
Tôi đã dành ra cả 1 đêm dài chỉ để suy nghĩ câu trả lời cho việc: “Mình đã làm điều gì không đúng chăng? “Hãy tự vắt tay lên trán suy nghĩ lại chính bản thân mình, chỉ ra đâu là điểm mấu chốt khiến bạn không thể nhận được cái gật đầu từ nhà tuyển dụng. Riêng tôi, sau khi suy nghĩ xong, đã dành ra 30 phút bản thân để viết ra những điểm mạnh/yếu của bản thân trước khi đi đến cà phê quen thuộc để nghe nhạc và đọc sách, thư giãn tâm trí của mình.
Nhờ sự tư vấn của nhà tuyển dụng
Nếu bạn vẫn cảm thấy hụt hẫng hoặc chưa hài lòng về buổi phỏng vấn vừa rồi, bạn muốn biết những điểm yếu cũng như điểm mạnh của mình thì có thể mạnh dạn soạn một email trình bày những nguyện vọng, đề xuất và chú ý sử dụng câu từ chuẩn mực để nhờ nhà tuyển dụng chỉ ra những thiếu sót cho bạn. Tôi đã làm thế với ít nhất 5 nhà tuyển dụng, và đổi lại là hàng trăm lời khuyên chân thành nhất. Từ đó, chúng ta có thể cải thiện trong lần phỏng vấn tiếp theo, vì đôi khi ý kiến nhận xét từ họ mang ý nghĩa khách quan và chính xác hơn rất nhiều so với đánh giá chủ quan của bản thân.
Tự tìm cơ hội mới
Quan trọng nhất, sau mỗi lần thất bại, tôi đều tiếc tục chỉnh sửa CV của mình và gửi đến nhà tuyển dụng vào đúng 6 giờ sáng mỗi ngày. Cá nhân tôi quan niệm: Hãy mang đến cho nhà tuyển dụng những điều mới mẻ nhất vào bình minh của mỗi ngày mới.
Sau những lần thất bại, điều đầu tiên bạn cần làm là phải biết đứng dậy từ chính nơi đã vấp ngã. Củng cố tinh thần và lên kế hoạch để lựa chọn ứng tuyển vào công ty phù hợp với sở trường hơn và phát huy tối đa điểm mạnh của bạn.
Đọc kĩ những yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng trước khi quyết định nộp hồ sơ, tránh vị trí vượt quá khả năng mà từ đó chọn được cho mình công ty thực sự phù hợp với năng lực bản thân.
Bất kì ai cũng có thể tự tạo riêng cho mình những cơ hội, có quyền được quyết định tương lai của bản thân mình. “Thất bại là mẹ thành công”, chỉ sau khi thất bại, vấp ngã mới giúp chúng ta trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Phỏng vấn không thành công chẳng đáng sợ, điều đáng sợ hơn cả là bạn chưa một lần nếm mùi thất bại.
Hi vọng bài viết của tôi đã phần nào giúp ích cho các bạn tìm lại được động lực để phấn đấu vì sự nghiệp của mình – những ứng viên tiềm năng!
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.