Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường dễ dàng nhìn thấy những điểm mạnh của bản thân, chúng trở thành niềm tự hào và định hình hình ảnh của chúng ta trong mắt mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hoàn hảo, và mỗi người đều sở hữu những “Gót chân Achilles” – điểm yếu mà chúng ta thường giấu trong lòng. Việc nhìn nhận và đối mặt với những điểm yếu này không chỉ là một hành trình đầy thử thách mà còn có thể mang lại cho chúng ta sự trưởng thành và phát triển trong sự nghiệp.

Trong tập mới nhất của “S.W.O.T Sự Nghiệp”, Host Nguyên Khang đã được lắng nghe một hành trình “phá kén” của anh Thịnh Nguyễn – Quản trị viên tập sự, trợ lý quản lý nhãn hàng với hàng loạt thành tích đáng nể. Một nhân vật còn rất trẻ nhưng bằng sự mạnh mẽ nội tại, anh đã chế ngự được những nỗi sợ của mình, cải thiện bản thân từng ngày và chạm tay đến những cột mốc thành công trong giai đoạn đầu của sự nghiệp.

Làm việc trái ngành – “gót chân Achilles” không của riêng ai

Gót chân Achilles: Hình ảnh tượng trưng cho điểm yếu của một cá nhân

Làm việc trái ngành hay không đúng với định hướng và đam mê – Không phải là hiếm gặp xung quanh chúng ta và đó chính là câu chuyện thực tế mà anh Thịnh gặp phải. Không chỉ còn là trở ngại ở những bước đầu chập chững đầy khó khăn, mà còn là ánh nhìn mặc cảm vì sự hoài nghi năng lực đến từ những người xung quanh.

Xuất phát điểm là một sinh viên kỹ sư, bắt đầu sự nghiệp khối ngành sản xuất, nhưng dường như đó không phải là mong muốn, là đam mê mà anh theo đuổi. Lựa chọn chuyển ngành và “khởi động lại” sự nghiệp, vô vàn khó khăn đè nén, nhưng với anh, thà đối mặt với trở ngại còn hơn là cứ mãi yếu ớt trong vùng an toàn của chính mình

Vượt qua những khó khăn, chấp nhận bắt đầu từ con số không, điều quan trọng nhất chính là thừa nhận vấn đề gặp phải và chuẩn bị thật tốt cho những bước đầu này: học hỏi kiến thức, kỹ năng, trau dồi bản thân, tìm kiếm những người mentor và lắng nghe nhiều hơn để vượt qua.

Phá vỡ rào cản tâm lý: Nghệ thuật đối diện và chế ngự điểm yếu

Dù là sinh viên hay người đi làm – ai cũng từng mắc kẹt trong cái bẫy của việc “tốt khoe, xấu che”. Nỗi sợ hãi trước việc nhận lời phê bình từ những người xung quanh, từ cấp trên đến đồng nghiệp đã trở thành một rào cản tâm lý không nhỏ của nhiều người. Bản thân anh Thịnh cũng vậy, khi lắng nghe những lời phàn nàn từ sếp ở giai đoạn đầu, cũng buồn, thất vọng và suy nghĩ nhiều về nó vì đơn giản là những lời góp ý đó chạm vào cảm xúc của chính mình.

Sau tất cả, xác định mục tiêu cá nhân và hiểu rằng việc đối mặt và vượt qua điểm yếu là bước không thể thiếu trên hành trình chinh phục thành công. Vậy nên, thay vì sợ hãi và trốn tránh, hãy mạnh mẽ đối diện, học cách lắng nghe, chắt lọc thông tin và cải thiện từng ngày những điểm yếu đó, để từng bước tiến lên trên con đường phát triển bản thân.

Hành trình biến điểm yếu thành điểm mạnh trên con đường sự nghiệp

Trên hành trình phát huy điểm mạnh cá nhân, điểm yếu chính là 1 thứ nguyên liệu tuyệt vời để tôi luyện bản thân cứng cáp.

Có một phương pháp rất hay để khắc chế điểm yếu, là chia nhỏ chúng thành nhiều phần và giải quyết từng phần một, giống như ăn 1 cái bánh to lúc nào cũng sẽ khó khăn hơn là chia thành từng mẩu bánh nhỏ, việc giải quyết từng phần như thế này sẽ giúp chúng ta vừa gan lì hơn trước nguy nan, vừa cải thiện được bản thân từng ngày.

Hành trình sự nghiệp cũng như một cái cây đang cần chăm lớn, nếu nghĩ về trái ngọt tương lai, thì hành trình tưới tiêu tự khắc trở nên dễ dàng hơn

Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.email subscribers