Còn nhớ những ngày cũ, còn làm ở công ty cũ, bạn bè cũ và đồng nghiệp đã cũ. Trong hàng đống thứ cũ ấy, tôi vẫn nhớ hoài một câu chuyện hông hề cũ. Và tôi tin rằng có rất nhiều bạn cũng đang mắc phải câu chuyện ấy như tôi đã từng.
“Sao mình nói đúng vậy mà sếp không nghe?”
Đó là một lần họp team, thoải mái tranh luận đóng góp ý kiến, tôi là leader nhưng khi tôi đưa ý kiến, có một bạn rất khá phản biện. Quan điểm rất logic và hợp lý, do đó tôi tán đồng và thay đổi kế hoạch điều chỉnh lại theo hướng mới vì thấy nó sáng hơn.
Chuyện sẽ không có gì diễn ra nếu sau đó tôi không “tình cờ” nghe người khác nói rằng trình độ tôi kém hơn bạn ấy nên bạn ấy nói là tôi phải nghe. Sau này, dù bạn đó có ý kiến thế nào, hay hoặc đúng sao tôi cũng không nghe. Tại vì tự ái mà, sao để nhân viên nói mình vậy được, mất tôn nghiêm hết.
Tôi biết rằng câu chuyện trên không lạ lẫm gì với các bạn, nhất là những ai làm việc trong môi trường team đông, năng động. Đôi lúc chúng ta là người sếp này nhưng đôi lúc chúng ta lại chính là bạn nhân viên nổi bật kia.
Lý do chính nhất khiến cho chúng ta nói sếp không nghe thường là những lý do chúng ta chẳng biết rằng nó tồn tại. Bằng một cách nào đó, có rất nhiều lý do tự nhiên “nhảy” ra khiến sếp không thể nghe ta dù ta rất đúng, rất hợp lý.
Vấn đề là TA ĐÃ NÓI SAI!
Sai ở đây không phải là sai về nội dung, mà sai là về thời điểm và phương pháp.
Nội dung bạn nói có thể rất thuyết phục và hợp lý. Bởi vì bạn là nhân viên xuất sắc, chuyên môn tốt, không thể chối từ chuyện này.
BÍ MẬT 1: THỜI ĐIỂM
Nhưng nếu bạn “chỉnh” sếp trong cuộc họp và chốn “đông người” thì hơi có vấn đề. Có lẽ bạn đã chọn thời điểm không chính xác cho lắm. Có thể sếp tán đồng những lần đầu, nhưng sau đó thì kết quả sao, bạn mới đọc ở trên rồi đấy.
Chuyện này thường xảy ra ở những mô hình công ty gia đình, hoặc do người sếp có tính tự ái cao (có thể do quá khứ có chiến tích vang dội, hoặc thuộc dạng giỏi nổi bật). Bởi người ta nói lắm tài thì nhiều tật, muốn làm cùng người giỏi thì cũng phải có “chiêu”.
Vậy lúc nào là lúc nên nói nếu không phải chốn “đông người”?
Tất nhiên là nơi vắng người rồi.
Một nhân viên khéo léo tốt nhất nên hỏi sếp về nội dung cuộc họp (đêm trước) và nếu có góp ý thì góp ý trước buổi họp. Có thể nói chuyện riêng, chat riêng, tâm sự riêng. Gì cũng được, miễn là RIÊNG.
Tôi mạnh dạn đoán, bạn chỉ có 2 mục tiêu chính.
Một là chứng tỏ ta đây là giỏi, muốn có cơ hội thể hiện. Vậy thì cần được sếp trọng dụng trước. Muốn được sếp trọng dụng thì phải biết nghĩ cho sếp. Vậy nên góp ý riêng cho sếp trước buổi là quá tuyệt vời. Cho một điểm cộng to tướng.
Hai là bạn muốn mang lại giá trị chung cho công ty. Vậy thì chuyện góp ý riêng hay chung không thành vấn đề với bạn. Vì nếu sếp đồng ý theo hướng của bạn thì bạn đã chiến thắng trong cuộc thương thuyết đó rồi. Trước mặt hay sau lưng ai có còn quan trọng?
Cho nên dù mục tiêu của bạn là gì, thì nói chuyện riêng, TRƯỚC buổi họp luôn là lựa chọn khôn khéo. Đó gọi là đúng thời điểm.
BÍ MẬT 2: CÁCH NÓI
Nhưng đúng thời điểm không vẫn chưa đủ. Gặp sếp mà phi vào bảo sếp sai rồi, nghe em đi thì “tèo” trong một nốt nhạc nhé.
Nên nhớ, đã ở vị trí cao hơn bạn thì sếp luôn có góc nhìn tổng quát hơn và đa chiều hơn bạn. Chưa kể sếp còn có “tự ái” nữa nghe. Thường là những người “nghĩ mình giỏi” không thích làm theo ý người khác đâu. Cái gì cũng phải tự mình nghĩ ra, tự mình ngộ ra thì mới thấy đúng mà làm hết mình được.
Cho nên, phải góp ý đúng cách. Và tôi xin chia sẻ các bạn một trong những cách đơn giản và dễ nhất đó chính là: HỎI ĐÚNG?
Nếu như bạn đang muốn thay đổi quan điểm sếp (hoặc bất kỳ ai), đừng nói họ sai. Mà hãy hỏi rằng:
“Sếp thật sự nghĩ làm như thế này doanh số sẽ tăng sao?”
“Sếp thật sự nghĩ chiến dịch này có thể viral sao?”
Đó gọi là bước đánh thức bộ não họ dậy, để họ không dùng thói quen cảm xúc mà chối từ kiểu “Thôi, tao biết rồi”. Khiến bộ não thức dậy và suy nghĩ logic trước. Nhớ là nói bằng lý trí vì mình đang thuyết phục bằng logic.
Sau khi đánh thức bộ não sếp dậy rồi thì hãy hỏi chốt những câu key. Câu key này theo quan điểm mà bạn muốn truyền tải thông điệp.
Ví dụ như:
“Em chưa thấy công ty nào muốn lớn mạnh bền vững (mục tiêu của sếp) mà 4 tháng chưa đào tạo nhân sự nội bộ cả anh ạ. Em thật sự nghĩ nếu như thế thì chúng ta sẽ gặp vấn đề, vấn đề rất lớn”.
Sau đó, nói quan điểm của bạn ra. Ở đây tôi ví dụ về việc tôi muốn đề xuất tổ chức chương trình đào tạo nội bộ, còn nếu bạn muốn nói về chiến thuật bán hàng, khuyến mãi, tri ân khách hàng hay marketing thì cứ việc đổi lại. Cứ mang những câu chuyện thành công và thất bại ra mở bài, xong đưa luận điểm của bạn vào. Vì sao nó phù hợp với công ty hiện tại. Rồi thuyết phục.
Làm dần sẽ khá lên. Không ai mới đẻ ra là biết đi hết, siêu nhân cũng phải tập như người thường thôi. Nên đừng ngại, cũng đừng sợ. Từ từ rồi sếp sẽ nghe, lúc đó là bạn làm được rồi.
Vậy nên mới nói, nhiều bạn chuyên môn rất tốt, trình độ tuyệt vời nhưng mà khó thăng tiến là bởi vì gặp mấy ông sếp khó “chiều”. Chịu khó một chút, mình thay đổi bản thân và nâng cấp kỹ năng mềm lên thì vấn đề sẽ được giải quyết.
Tôi cũng như các bạn thôi, thậm chí hồi đó còn không có ai dạy. Trường đời hên thì gặp mấy anh lớn chia sẻ, còn đại học thì chắc chắn là không. Giờ nghĩ lại thấy nếu chia sẻ được cho mọi người thì tốt quá, công ty giữ được người tài, sếp có thêm trợ thủ đắc lực. Cả tập thể đều vui vẻ và kiếm được tiền.
Còn bạn thì sao. Sếp bạn có nghe bạn nói không?
>>Xem thêm bài viết: Quy tắc giao tiếp sandwich của người khôn ngoan: Kẹp Chỉ trích vào giữa Khen ngợi và Kỳ vọng, không một ai nỡ từ chối bạn
— HR Insider/Theo Cafef —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.