Nếu có một thế giới hoàn hảo, người phỏng vấn chắc chắn có thể đánh giá chuẩn xác năng lực của bạn. Tuy nhiên, thế giới vốn chẳng mấy hoàn hảo, tài năng của một người khó được đo lường qua những trao đối ngắn kiểu phỏng vấn việc làm. Thực tế cũng cho thấy, chỉ 4% kết quả đánh giá phỏng vấn là đúng với hiệu quả làm việc sau này.
Một lý do khiến ta khó xác định năng lực người khác là vì người ta rất dễ giả vờ là họ có tài, đặc biệt họ luôn tự nghĩ bản thân mình là tài năng thiên bẩm. Thực tế nữa thì những người phỏng vấn không thật sự tài tình, thấu hiểu lòng người đến mức như họ nghĩ. Vậy phải làm sao để cho người khác thấy tài năng của mình mà không bị xem là khoe khoang hay ảo tưởng? Sau đây là 04 gợi ý đơn giản để bạn cân nhắc:
1. Định lượng ngắn gọn đến những kinh nghiệm liên quan nhất
Tuy không phải lúc nào hành vi trong quá khứ cũng có thể giúp dự đoán hành vi trong tương lai nhưng người ta vẫn sẽ muốn được đảm bảo rằng bạn từng thực hiện hành vi đó.
Đây thường là một trong những câu hỏi đầu tiên để người phỏng vấn đánh giá năng lực của bạn, nên bạn sẽ không bị xem là đang khoe khoang, vì bạn chỉ đang trả lời những gì được hỏi. Tuy nhiên, quan trọng là bạn phải trình bày thật ngắn gọn. Quá dài dòng có thể gây bất lợi cho bạn bởi những người nói quá nhiều về bản thân thường bị đánh giá là xem mình là trung tâm, kiêu ngạo.
Thêm nữa, khi bạn mạnh dạn nói về những thành tựu của mình nhưng lại không trình bày đủ chi tiết và cụ thể, người nghe sẽ cho rằng bạn đang phóng đại. Do vậy, tốt nhất là hãy định lượng bất kỳ kinh nghiệm liên quan nào và nhanh chóng đi thẳng vào vấn đề chính.
Ví dụ:
– Tôi có 18 năm kinh nghiệm ở quy mô toàn cầu trong lĩnh vực/ ngành công nghiệp X.
– Tôi đã quản lý một phòng 75 thành viên.
– Đơn vị kinh doanh của chúng tôi đã tạo ra mức tăng trưởng 150%.
– Bộ phận do tôi lãnh đạo là bộ phận mang về 60% lợi nhuận của công ty.
Nếu bạn vẫn không biết phải nói gì thì hãy chọn những điều liên quan nhất đến vị trí công việc bạn đang ứng tuyển.
2. Nhắc về đam mê thay vì nói đến các kỹ năng
Nhiệt tình nói về các sở thích và đam mê của bạn thì được nhưng nói quá nhiều về các tài năng bạn có thì không nên. Bạn không thể kỳ vọng người phỏng vấn khen ngợi rằng bạn gây ấn tượng bởi khiếu hài hước hoặc kỹ năng lãnh đạo của mình. Hay bạn cũng không nên nói rằng bạn là một “nhà lãnh đạo kiệt xuất” hay một “người có tư duy đột phá”.
Thay vào đó, bạn nên chia sẽ rằng bạn thực sự yêu thích công việc lãnh đạo đội nhóm, hoặc bạn luôn muốn cố gắng nhìn theo hướng tích cực của sự việc. Điều đó sẽ khiến người khác nghĩ rằng bạn phần nào có tài năng trong lĩnh vực đó.
3. Tập trung vào tiềm năng của bạn
Nghiên cứu gần đây cho thấy, khi đánh giá người khác, ta hứng thú với tương lai hơn là quá khứ của họ. Bạn có thể giúp người khác suy xét tương lai thông qua việc mô tả những phẩm chất thuộc về tiềm năng của bạn. Tâm lý học tổng kết 03 phạm trù cần thảo luận: Khả năng học hỏi, động lực và kỹ năng con người. Nhà tuyển dụng luôn ý thức được tầm quan trọng của chúng bởi các phẩm chất này là yếu tố để người lao động được cân nhắc thăng tiến và tăng lương. Tuy nhiên, đừng nói những câu mang hơi hướng quảng cáo bản thân như “Tôi học hỏi nhanh”, “Tôi có động lực cực cao”, hay “Tôi có kỹ năng con người tuyệt vời”. Bạn phải chứng minh những phẩm chất bạn có bằng những ví dụ cụ thể và thể hiện nó trong suốt cuộc phỏng vấn.
Kỹ năng con người tốt thể hiện ở việc bạn sẽ không ngắt lời nhà phỏng vấn, không nói quá dài hoặc khoe mẽ. Nếu muốn người khác tin rằng bạn có khả năng học tập tốt, hãy nói về những trở ngại cụ thể bạn đã phải vượt qua hay những kỹ năng đặc biệt mà bạn đã đạt được.
4. Biến những người yêu quý thành những người ủng hộ bạn
Về cơ bản, danh tiếng của bạn được tạo nên từ nhìn nhận của những người khác về bạn. Do đó, rõ ràng là việc được người khác nói tốt về bạn thì hay hơn là bạn tự quảng cáo mình. Dù nguồn tham chiếu là yếu tố chẳng mấy giá trị đối với việc dự báo hiệu quả làm việc trong tương lai nhưng nó vẫn đóng vai trò quan trọng giúp xác định thành công của bạn. Sự việc thích hợp được một người thích hợp nhắn gửi tới một người thích hợp thì giá trị hơn bất kỳ chỉ số năng lực khách quan nào. Bởi thế, bạn nên thế hiện sự trân trọng đối với những người ủng hộ mình nhiều nhất có thể. Hơn nữa, nếu bạn có thể biến những cố vấn thành những người ủng hộ bạn, thì bạn sẽ không phải chật vật để tự quảng bá bản thân. Hãy khiến những người ủng hộ bạn trở thành đại sứ cho bạn.
Điểm cuối cùng bạn cần nhớ là có những khác biệt văn hóa, và rộng hơn là các nghi thức xã giao, trong cách người ta nhìn nhận việc tự thể hiện bản thân. Thậm chí trong cùng một quốc gia, một số hành vi được xem trọng ở nơi này lại là điều cấm kỵ ở nơi khác. Tuy nhiên, ngay cả khi những tín hiệu hoặc dấu hiệu rõ ràng có thể sẽ thay đổi, con người ở hầu như nền văn hóa vẫn sẽ tìm kiếm cùng một điều: người có tài năng thực sự.
— HR Insider/ Theo cafebiz —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.