Không được sếp trọng dụng – vấn đề không của riêng ai
Thực tế cho thấy, dù chúng ta cố gắng cống hiến hết mình nhưng sự nỗ lực đó cần được cấp trên ghi nhận mới thu về được trái ngọt. Tuy nhiên, để được sếp tin tưởng và trọng dụng là điều không hề dễ dàng. Có người dù cật lực làm việc, tăng ca hàng giờ hoặc không ngại gian khó,… nhưng vẫn không được cấp trên “cân nhắc” lên vị trí cao hơn. Có bao giờ bạn tự hỏi nguyên nhân xuất phát từ đâu chưa?
Có nhiều tác nhân ảnh hưởng đến cái nhìn của sếp về bạn. Trong đó, chúng được chia làm hai nguyên nhân chính : năng lực và mối quan hệ. Bởi một nhân viên được trọng dụng nhất định phải có năng lực cân việc. Đây là yếu tố cần thiết để sếp yên tâm giao trọng trách cho bạn. Ngoài ra, cách cư xử khéo léo là chất xúc tác giúp mối quan hệ giữa bạn và sếp trở nên tốt đẹp và nhận được nhiều cơ hội hơn.
Để đạt được những điều trên, bạn không thể ngồi im để chờ cơ hội. Nếu cảm thấy bản thân bị sếp “bơ” đẹp hoặc muốn cải thiện vị trí, tuyệt đối đừng bỏ qua những mẹo hữu ích sau đây nhé.
Mẹo cải thiện “vị trí” của bạn trong mắt sếp
Tích cực lắng nghe lời góp ý từ sếp
Nếu bạn bị sếp thẳng thắn phê bình trước đám đông, bạn sẽ xử lý như thế nào? Nhiều người trốn tránh hoặc tìm cách đổ trách nhiệm. Đôi khi bạn cố gật gù hoặc xử lý vấn đề qua loa cho xong chuyện. Đây có lẽ là vấn đề khiến bạn mãi không tiến bộ sau nhiều lần đánh giá của sếp. Nên nhớ, chúng ta không ai là hoàn hảo cả. Vì thế, hãy tích cực lắng nghe góp ý từ cấp trên để cải thiện tốt hơn. Có như thế, chúng ta mới tiến bộ lên từng ngày. Thông qua đó, sếp sẽ đánh giá bạn là người biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ cấp trên. Chẳng sếp nào không vui khi thấy cấp dưới tiến bộ và giúp mình san sẻ công việc. Vì thế, hãy lắng nghe ý kiến phê bình từ cấp trên để hoàn thiện bản thân mình nhé.
Có trách nhiệm với công việc của mình
Hằng ngày, cấp trên của bạn phải đối mặt với nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết. Nếu bạn luôn chểnh mảng với công việc của mình thì đừng mong đến việc được trao cơ hội. Bởi chẳng ai đủ tin tưởng để giao việc cho người không thể đảm đương trọng trách. Khi được giao nhiệm vụ, hãy ra sức hoàn thành tốt nhất và theo dõi mọi vấn đề phát sinh để xử lý kịp thời. Có trách nhiệm đến cùng với nhiệm vụ được giao là yếu tố thuyết phục tốt nhất giúp bạn tạo niềm tin của sếp đối với bạn. Không chỉ với cấp trên, người có trách nhiệm với công việc luôn được đồng nghiệp xung quanh tin tưởng và muốn làm cùng. Điều này giúp bạn định vị thương hiệu trong mắt những người làm việc cùng. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy giúp bạn nâng tầm vị trí trong doanh nghiệp.
Luôn hoàn thành tốt công việc
Môi trường công sở luôn đào thải rất khắc nghiệt. Bởi doanh nghiệp không bao giờ nuôi người nhàn rỗi. Nếu bạn không thể hiện được năng lực của mình khả năng sa thải sẽ diễn ra nhanh thôi. Tôi không cố ghim vào đầu bạn những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng hãy chấp nhận thực tế, chẳng ông chủ nào thích nhân viên không có khả năng làm việc. Vì thế, bạn cần xác định rõ nhiệm vụ của mình là gì và ra sức hoàn thành tốt nó.
Nếu là nhân viên kinh doanh, hãy cố gắng hoàn thành doanh số được giao. Nếu là kế toán thuế, đừng quên những báo cáo hàng tháng hoặc báo cáo năm của mình. Nếu không hoàn thành được nhiệm vụ được giao, đừng trông mong đến sự chú ý từ sếp.
Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp
Ngày nay, chúng ta không còn xa lạ với kỹ năng mềm trong giao tiếp. Người giao tiếp tốt và biết cách xây dựng các mối quan hệ xung quanh rất dễ đạt được thành công. Chính vì thế, đây được xem là kỹ năng quan trọng dù làm ở bất cứ ngành nghề nào cũng nên có. Bởi xây dựng mối quan hệ tốt sẽ giúp bạn tìm được những đồng minh kề vai sát cánh trong công việc. Khi có vấn đề, mọi người cùng nhau liên kết xử lý sẽ đạt được hiệu quả cao hơn. Hơn thế nữa, chính những đồng nghiệp bên cạnh có thể là người đánh giá kết quả lao động của bạn vào cuối năm. Vì thế, đừng bỏ qua yếu tố này nhé.
Hiểu được sếp đang muốn gì
Tôi không cố biến bạn thành kẻ nịnh hót bên cạnh sếp. Nhưng hiểu được sếp muốn gì là chìa khóa giúp bạn đạt được thành công nhanh nhất. Trong khi nhiều người vẫn luôn e dè và tránh đối diện trực tiếp với cấp trên, điều này sẽ khiến họ mãi “tàng hình” trong mắt sếp. Đừng đi lại vết xe đổ của kẻ thất bại. Thay vào đó, hãy tìm hiểu những khó khăn cấp trên gặp phải và tìm cách san sẻ với họ. Điều này sẽ giúp bạn ghi điểm và trở thành cánh tay đắc lực nếu hỗ trợ tốt. Những điều tưởng chừng như không liên quan đến công việc lại giúp bạn hiểu và được lòng sếp hơn. Vì thế, hãy bỏ đi suy nghĩ trốn tránh sếp nếu muốn được trọng dụng nhé.
Những mẹo trên sẽ giúp bạn cải thiện cái nhìn của cấp trên với bạn. Tuy nhiên, nếu bạn đã cố gắng hết sức và thay đổi theo hướng tích cực nhưng mãi không được công nhận, lựa chọn ra đi là ý tưởng không hề tồi. Nhưng nếu nguyên nhân xuất phát từ bạn, đừng chần chờ trau dồi để bản thân ngày một tiến bộ hơn nhé. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho sự nghiệp của bạn. Nếu thấy những thông tin trên hay, hãy lan tỏa cho bạn bè và đồng nghiệp xung quanh mình nhé.
>> Xem thêm: Tự thân vận động khi sếp bỏ mặc nhân viên bơ vơ
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.