Daniel Zhang (47 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải trong gia đình có cha là kế toán. Ông có bằng cử nhân tài chính của Đại học Tài chính và Kinh Tế Thượng Hải và từng có thời gian làm kế toán. Ông gia nhập Alibaba sau khi gặp nhà đồng sáng lập và phó chủ tịch tập đoàn, Joseph Tsai. Khi đó, Zhang đang là giám đốc tài chính của nhà phát triển game Shanda Interactive năm 2007.
Tsai chia sẻ với Bloomberg: “Zhang thực sự am hiểu kinh doanh. Bạn không thể phá vỡ bất cứ thứ gì trừ khi bạn hiểu rõ những gì mình đang cố gắng phá vỡ”. Trong khi đó, Jack Ma nhận xét Zhang có tư duy logic của siêu máy tính và là người luôn có trách nhiệm, hết mình đảm nhận các mô hình kinh doanh đổi mới của tương lai.
Tháng 5/2015, Jack Ma bổ nhiệm Zhang làm CEO của Alibaba. Trước đó, ông đảm nhiệm vị trí COO của công ty. Theo Fortune, ban đầu Ma bổ nhiệm Jonathan Lu nhưng sau đó thay đổi quyết định vì cho rằng Alibaba sẽ được điều hành tốt nhất bởi một người trẻ tuổi hơn. Đến tháng 9 năm ngoái, Jack Ma tuyên bố sẽ trao vai trò chủ tịch lại cho Zhang trong một bức thư gửi khách hàng, nhân viên và cổ đông.
Bạn cứ tưởng tượng xem, việc lãnh đạo một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới là một điều không hề dễ dàng gì. Từ khi trở thành CEO cho Alibaba vào tháng 5 năm 2015, Daniel Zhang đã tự “bỏ túi” cho mình nhiều chiến thuật giúp bản thân thể vượt qua các thử thách mỗi ngày. Một vài trong số đó phải kể đến chiến thuật hoạch định lại hướng đi của công ty khi tổ chức các cuộc họp – một điều mà ngay cả ngài sáng lập Jack Ma cũng khó mà nhận ra trước khi tôi gia nhập vào công ty. Và để có thể vượt qua các thử thách lớn hơn – ví như cách để đối phó với những cuộc điện thoại gay co, hay có những bước đi như thế nào khi con đường phía trước đang có nhiều chông gai chẳng hạn.
Dưới đây chính là 6 “tuyệt chiêu” lãnh đạo đã giúp ích tôi rất nhiều trên chặng đường sự nghiệp của mình:
Cuộc họp chính là nơi để tìm ra khuyết điểm, chứ không phải để cập nhập tình hình kinh doanh
Daniel Zhang là một “tín đồ” trong việc giao tiếp hiệu quả, vì thế ông luôn yêu cầu nhóm làm việc của mình phải trình bày các thông tin hay tài liệu liên quan trước mỗi buổi họp. Nói chung, Daniel Zhang nhận ra rằng những cuộc họp chính là một trong những hình thức tệ nhất dùng để chia sẻ thông tin. Những cuộc họp hiệu quả nhất khi bạn biết cách tóm lược nó sao cho ngắn gọn, xúc tích nhất. Ông luôn cố gắng thu thập và xếp loại thông tin trước mỗi buổi họp; và sau đó sử dụng các thông tin đó cho việc thảo luận, tranh luận hay đưa ra quyết định. Nhờ vào cách này, ta có thể sử dụng tất cả thời gian để tìm ra yếu điểm trong các chiến lược kinh doanh cũng như trong lối tư duy của mỗi người.
“Cuộc họp mà thiếu đi các kết luận khả thi thì đều là những cuộc gặp gỡ vô ích mà thôi” – Daniel Zhang.
Thông thường, Daniel Zhang sẽ bắt đầu với những câu hỏi cơ bản khiến cho bản thân mình muốn tìm ra câu trả lời, và để xem người trình bày có thật sự hiểu thấu vấn đề hay không. Nếu người đó có thể phản hồi tốt các câu hỏi ngẫu nhiên mà ông đưa ra, thì đó chính là dấu hiệu cho thấy rằng họ đang làm khá chỉnh chu phần việc của họ. Còn những ai đang lúng túng với câu trả lời của mình, thường thì họ vẫn chưa thể hiểu đúng vấn đề đặt ra là gì cả. Khi có linh cảm về trường hợp này, Daniel Zhang sẽ có xu hướng thúc đẩy họ bằng cách đặt ra nhiều câu hỏi hơn, nhằm mục đích đi thẳng vào mục tiêu hơn và lấp đầy các lỗ hổng trên phương án được đưa ra đó.
Tất cả các cuộc họp của ông đều phải có biên bản và các phương pháp phân công nhiệm vụ. Cuộc họp mà thiếu đi các kết luận khả thi thì đều là những cuộc gặp gỡ vô ích mà thôi. Ông cũng nhận ra rằng các cuộc họp theo phong cách thuyết trình có thể hữu ích – nhưng chỉ nên được tổ chức ít lại, một hay hai lần một năm là đủ. Trong cuộc sống công việc thường lệ, cuộc họp không phải là nơi để cập nhật thông tin mới cho mọi người, mà đó là nơi để mọi người tìm ra được các khuyết điểm và tranh luận về cách để xử lí các khuyết điểm đó.
Dám đưa ra các quyết định thiếu hoàn hảo, ngay cả khi chúng không đúng đi chăng nữa
Daniel Zhang phải đối mặt với những quyết định hóc búa mỗi ngày. Thực tế là, những việc nào dễ dàng thì chẳng bao giờ đến lượt ông cả. Vì thế, ông dành hết tâm sức của mình để đưa ra những quyết định mang tính thách thức mà một không ai trong tổ chức có thể nghĩ ra cả. Thậm chí khi quyết định đó có thể dẫn tới một cuộc tranh cãi nảy lửa, thì cuối cùng vẫn phải có một sự giải quyết thỏa đáng được đặt ra cho nó. Và bạn có đủ bản lĩnh hay dám đảm nhận trách nhiệm nặng nề này hay không lại là một chuyện khác.
Tuy nhiên, trong bất kì nhóm làm việc nào, nỗi lo sợ lớn nhất lại không đến từ việc liệu quyết định được đưa ra đó có phải là sai lầm hay không. Bạn luôn luôn có thể sửa sai nếu mọi việc không đi theo đúng hướng. Nỗi sợ lớn nhất, chính là tình trạng tê liệt – xuất phát từ việc bạn không thể đưa ra một quyết định nào cả.
“Một nhà lãnh đạo tài giỏi cần phải có bản lĩnh quyết đoán, thậm chí khi những sự lựa chọn từ bạn có thiếu hoàn hảo đi chăng nữa.”
Trong một vài trường hợp, không phải lúc nào cũng có hai mặt đúng và sai. Bạn sẽ nhận ra rằng nếu mình có quyết tâm, mọi thứ lúc này dường như đều có khả quan – mọi con đường đều trở về thành La Mã, cho dù con đường đó có gồ ghề hơn đi chăng nữa. Chìa khóa ở đây, chính là bản thân phải luôn tiến về phía trước.
Thực tế là, câu châm ngôn “con đường ngắn nhất giữa hai điểm là đường thẳng” nghe thì có lí nhưng không thực tiễn trong một vài trường hợp. Theo kinh nghiệm của Daniel Zhang, những người đổi mới không có đủ kiên nhẫn và thời giờ để tìm ra con đường ngắn nhất giữa hai điểm. Chắc rằng, các Giám đốc tài chính có thể đưa ra các con số hay các phép chiếu chính xác. Nhưng nếu bạn cứ do dự chờ đợi cho đến khi mọi thứ được tính toán ra, bạn có thể mất đi lợi thế của người dẫn đầu đấy.
“Những người đổi mới không có đủ kiên nhẫn và thời giờ để tìm ra con đường ngắn nhất giữa hai điểm.”
Thật không dễ để đưa kế hoạch vào hoạt động trong khi mọi thứ vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng đó chỉ là điều kiện cần mà thôi. Khi các kế hoạch vẫn chưa rõ ràng, thì bạn nên tin tưởng vào trực giác của mình. Phần lớn mọi người đều muốn mọi thứ được hoàn thành, và nhà lãnh đạo cần có niềm tin vào nhóm của mình nếu họ muốn tiến triển trong công việc. Daniel Zhang luôn mong đợi tất cả người quản lý của công ty đều có bản lĩnh để tạo ra cơ hội – và cả bản lĩnh để gánh vác mọi rủi ro đến với công ty nữa.
Dừng ngay việc phối hợp làm việc thiếu hiệu quả
Nói về vấn đề này, Daniel Zhang nhận ra rằng tất cả mọi hành động mang tính quyết định đều đến từ những người ở vị trí tiền tuyến. Nếu mọi thứ phải được quyết định thông qua bộ Tư lệnh trung tâm, khả năng cao rằng nhiều cơ hội sẽ bị vụt mất. Các nhà quản lý lại phải tốn khá nhiều thời gian trong việc ra quyết định một cách độc lập.
Đôi khi việc phối hợp trong công việc lại phản tác dụng; bạn không cần phải hợp nhất với nhóm của mình nếu họ không có chung một mục tiêu với bạn. Nó giống như là đang trói chân hai người đang đi hai hướng khác nhau vậy. Chúng ta cần phải khiến cho mọi việc trở nên càng đơn giản càng tốt. Nếu một vấn đề có thể được giải quyết bởi một bộ phận, thì không nhất thiết bộ phận khác cũng cần tham gia vào.
Với thời đại công nghệ số và truyền thông mạng như hiện nay, việc quản lí đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nó cho phép đội nhóm được làm việc với nhau vô cùng hiệu quả trong cùng một mạng lưới. Vào ngày lễ Độc Thân 11/11 tại trụ sở chính, đã có ít hơn 10 người có mặt tại văn phòng. Bởi vì ngày nay, chẳng ai muốn gò bó bản thân ở một nơi chỉ để có thể giao tiếp một cách hiệu quả cả. Nhà lãnh đạo không cần thiết lúc nào cũng có mặt ở trụ sở chính, và cả nhân viên công ty cũng vậy. Tất cả mọi người đều được kết nối trong một hệ thống truyền thông toàn cầu. Họ có thể có mặt ở bất kì đâu mà không cần phải thật sự đặt chân ngay tại đó.
Sẵn sàng định nghĩa lại mọi thứ
Iphone tái định nghĩa các dòng điện thoại thông minh, khiến cho màn hình cảm ứng trở thành một quy chuẩn khái niệm mới. Đó chính là ví dụ yêu thích của tôi trong cái cách mà một sáng kiến đơn thuần cũng có thể làm thay đổi thế giới. Tương lai không tạo ra bằng cách phân tích quá khứ. Những nhà lãnh đạo cần phải bạo dạn trong việc dám đưa ra câu hỏi cho cái mà ta nghĩ là ta biết. Sau cùng, sự đổi mới thật sự không nằm ở thì quá khứ, mà nó chính là tương lai phía trước.
“Bạn không cần phải hợp nhất với nhóm của mình nếu họ không có chung một mục tiêu với bạn. Nó giống như là đang trói chân hai người đang đi hai hướng khác nhau vậy.”
Nhưng nó không có nghĩa là ta đang xóa sạch đi tất cả mọi thứ. “Tái cấu trúc” chính là từ mà Daniel Zhang hay sử dụng. Ông tin rằng việc bố trí lại những đơn vị hợp nhất căn bản hiện giờ của công ty sẽ giúp tạo ra nhiều cách mới mẻ hơn chẳng hạn. Việc thêm hay bớt không hề làm mất đi bản chất của sự việc. Cái chúng ta cần đó là tạo ra nhiều kết quả hữu ích hơn – tái cấu trúc một doanh nghiệp để phản ứng hóa học có thể xảy ra, góp phần đem lại một điều gì đó mới hơn, nhiều hơn nữa.
Đó là cách Alibaba đang thực hiện ở phân khúc bán lẻ. Viễn cảnh cho tương lai đã được tiến triển hơn rất nhiều nhờ vào việc đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng. Giờ là lúc chúng tôi tạo ra nhu cầu mới. Và để làm được điều đó, chúng tôi cần tìm cách để khuyến khích những nhu cầu tiêu thụ tiềm ẩn, vẫn còn đang chờ để được khám phá ra ấy.
Đừng quá lưu luyến với những con số
Cho đến ngày nay, thứ mà mọi người quan tâm nhất trong suốt chương trình Lễ hội Mua sắm Toàn cầu vào ngày Lễ Độc thân 11.11 (11.11 Single’s Day Global Shopping Festival) vẫn tiếp tục là những con số về tổng giá trị giao dịch. Mỗi năm, mọi người đều hỏi Daniel Zhang về một con số ước tính, nhưng ông luôn luôn từ chối cung cấp thông tin, ngay cả khi Jack Ma có yêu cầu đi chăng nữa. Châm ngôn của Daniel Zhang chính là “người chia bài thì không tham gia đánh cược”.
Khi máy điện báo tổng giá trị giao dịch của chương trình 11.11 đạt đến 118.8 triệu Nhân dân tệ (17.5 triệu đô la Mỹ), thì Daniel Zhang sẽ cảm thấy vô cùng hài lòng. Thực ra, ông vẫn sẽ cảm thấy rất vui sướng nếu con số này không thể tiếp tục tăng cao hơn nữa. Vào năm 2012, tổng giá trị giao dịch của Alibaba vào sự kiện này là là 19.1 triệu Nhân dân tệ (3.1 triệu đô la Mỹ), và có rất nhiều người đến tìm gặp Daniel Zhang sau đó với mong muốn doanh thu đạt đến mức 20 triệu. Nhưng ông không nghĩ rằng việc chừa lại một ít lợi thế cho kì sau là một điều không tốt. Mỗi người có một cách đo lường sự thành công khác nhau. Và đối với ông, việc quan trọng nhất chính là mình đã tiến triển được bao nhiêu trong cách vận hành công ty mỗi ngày.
Tương tự như vậy, thị giá cổ phiếu của công ty thường được coi là thước đo cho biểu hiện trong công việc của CEO. Nhưng đối với Daniel Zhang, con số này thì không hề quan trọng. Nếu tất cả những gì ông làm là chỉ quan tâm đến thị giá cổ phiếu của Alibaba, lúc này doanh nghiệp công ty sẽ bị thỏa hiệp và những quyết định được đưa ra có thể sẽ bị sai hướng. Thị giá cổ phiếu thấp không phản ánh rằng công ty đó đang trong một tình huống xấu. Trong khi đó, thị giá cổ phiếu tăng vọt nhanh có thể chỉ là khả quan hơn so với cách mà ta nhìn nhận nó.
“Nếu tất cả những gì tôi làm là chỉ quan tâm đến thị giá cổ phiếu của Alibaba, lúc này doanh nghiệp công ty sẽ bị thỏa hiệp và những quyết định được đưa ra có thể sẽ bị sai hướng.”
Daniel Zhang tin rằng điều quan trọng hơn rất nhiều lúc này chính là nhận ra được mỗi thị trường thì đều có logic riêng của nó, và ta phải học cách chấp nhận điều đó. Chúng ta cần phải tin rằng thước đo thành công không nằm ở những khó khăn hay những lúc vinh quang, mà nó nằm ở giá trị lâu dài mà ta đang hết lòng tạo dựng. Và giá trị lâu dài thì không thể được lột tả một cách trọn vẹn chỉ qua một vài con số nào đó.
Dừng chân nghỉ ngơi để dám mơ lớn
Áp lực công việc là điều không thể tránh khỏi. Dù cho khó khăn thử thách có “tấn công” bạn như thế nào mỗi ngày, một giấc ngủ ngon chính là viên thuốc công dụng và thần kỳ nhất. Bạn biết không, có lẽ lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Daniel Zhang, chính là ông có thể ngủ ngon dù cho ngoài kia có sóng gió như thế nào đi chăng nữa. Daniel Zhang có một mẹo để nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ, và tự giác thức dậy vào sáng hôm sau mà không cần chiếc đồng hồ báo thức nào cả.
Nhưng nếu điều đó là không hề dễ dàng đối với bạn, thì hãy nhớ rằng mình nên có một giấc ngủ thật chất lượng vào buổi tối nhé. Mỗi nhà lãnh đạo cần phải tỉnh táo và tràn đầy năng lượng để có thể đưa ra các quyết định sáng suốt hay lên kế hoạch rõ ràng cho tương lai – để mơ lớn từ ngày này qua ngày khác. Vì sau cùng, nhiệm vụ của một CEO cho Alibaba như Daniel Zhang, chính là dám mơ ước!
— HR Insider / Theo The Fast Company —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.