Nhà tuyển dụng và nhân viên không phải là gia đình
Nhiều công ty thường chia sẻ với ứng viên rằng họ luôn quan tâm nhân viên và tạo một môi trường làm việc thân thiện để mọi người cảm thấy công ty như gia đình. Hoffman cho rằng “đây là sự dối trá lớn nhất” và có hai lời giải thích cho việc này: Một là nhà tuyển dụng/sếp đang thật sự lừa dối chính mình, hai là nhà tuyển dụng muốn nhân viên tin rằng như vậy. “Họ thật sự muốn nhân viên trung thành với công ty, và điều đó lại trở thành một sự lừa bịp”.
Nhưng cuối cùng thì mối quan hệ giữa công ty/sếp và nhân viên không thể nào giống như mối quan hệ trong gia đình được vì “Bạn sẽ không sa thải con bạn vì biểu hiện và kết quả học tập yếu kém của chúng” nhưng còn nhân viên của mình thì sao?
Bạn sẽ không gắn bó mãi mãi với công ty
Dù cho lúc đi phỏng vấn, ứng viên đã nhấn mạnh sự quyết tâm gắn bó với công việc lâu dài thì sự thật cũng không thể nào hoàn hảo như thế. Sẽ có lúc người đi làm nhận ra phải có sự thay đổi thì mới có sự phát triển trong sự nghiệp.
Do đó, hãy đơn giản nghĩ rằng công việc là một sự trải nghiệm những nhiệm vụ và mục tiêu ngắn hạn cho cả nhân viên và nhà tuyển dụng. Sẽ không có sự trung thành suốt đời cũng như không có việc công ty sẽ đối xử với mọi nhân viên như một gia đình và sẽ luôn bảo vệ chở che họ trong tất cả những lỗi lầm.
Nhà tuyển dụng tốt sẽ quan tâm đến con đường sự nghiệp của bạn ngay cả khi bạn không còn làm việc tại đó
Một công ty tốt sẽ tạo một môi trường lý tưởng để thúc đẩy nhân viên tiến bộ và phát triển sự nghiệp. Dù cho nhân viên đến một lúc nào đó họ muốn chuyển đổi qua một công ty khác hay một môi trường khác, thì công ty hiện tại vẫn giúp họ học hỏi được nhiều điều về kỹ năng và công việc. Hãy hỏi nhà tuyển dụng về điều này, xem họ có chú trọng đến việc phát triển và chăm sóc nhân viên không, hay họ chỉ muốn giữ lại những người có thể mang đến lợi nhuận.
Những nhà tuyển dụng tinh ý sẽ kiểm tra thông tin của bạn rất kỹ
Bạn cho rằng chỉ cần thể hiện thật tốt trong buổi phỏng vấn thì chắc chắn công việc sẽ nằm trong tay bạn? Điều này chưa đúng lắm, một nhà tuyển dụng tinh ý sẽ kiểm tra thông tin của ứng viên từ người tham khảo rất kỹ càng, chính những thông tin này sẽ là bằng chứng xác thực nhất về cách làm việc và đạo đức của bạn. Đừng nghĩ nhà tuyển dụng yêu cầu thông tin người tham khảo cho có lệ hay chỉ hỏi qua loa và đừng nghĩ nhà tuyển dụng chỉ kiểm tra thông tin với đúng người bạn ghi trong phần Người tham khảo.
Nhà tuyển dụng vẫn sẽ tuyển người quen của họ nếu bạn không đủ xuất sắc
Trong các bài học lãnh đạo từ Hoffman, có một ý kiến khiến nhiều người bất ngờ “Nếu phải chọn giữa làm việc với người bạn thân chỉ có 7/10 kỹ năng và kinh nghiệm và một người lạ với 9/10 kỹ năng và kinh nghiệm, anh sẽ chọn ai. Và câu trả lời là tôi chọn người bạn thân.”
Dù cho các bài học quản trị cơ bản đã chỉ dẫn mọi người đừng thuê bạn bè làm việc cho mình, thì nhà tuyển dụng vẫn có những lý lẽ để tuyển người quen của họ. Thứ nhất là sự tin tưởng nhiều hơn và thứ hai là cảm giác được làm việc với những người bạn thật sự thân thiết sẽ dễ dàng hơn.
– HR Insider VietnamWorks –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.