Trầm cảm vì không còn là “ngôi sao sáng”
Trường hợp đầu tiên
Với thành tích học tập ấn tượng nên ngay khi vừa tốt nghiệp đại học H.H. (Hà Nội) đã được một ngân hàng mời về làm việc ở phòng tín dụng với mức lương khởi điểm cao. Vốn là người giỏi giang, rất có trách nhiệm nên chỉ sau một thời gian làm việc, H. đã chứng tỏ được năng lực vượt trội của mình và vụt lên thành ngôi sao sáng của phòng.
Để duy trì vị trí “ngôi sao”, H. đã phải đánh đổi toàn bộ quỹ thời gian cho công việc. Hầu như ngày nào H. cũng bận rộn làm việc từ sáng sớm tới đêm khuya. H. không có thời gian để giao lưu, tụ tập với bạn bè, cũng chẳng có thời gian để chăm sóc nhiều cho bản thân. H. sụt cân, bị chán ăn, thế nhưng công việc như có một sức hút khủng khiếp, khiến H. cứ lao vào như một con thiêu thân, làm việc không thấy mệt mỏi.
Thế nhưng không phải công việc lúc nào cũng suôn sẻ. Khi thẩm định cho một công ty vay vốn, H. đã mắc sai lầm lớn và bị họp phê bình. Đang là một ngôi sao sáng nên cú “ngã ngựa” lần này tuy không quá trầm trọng nhưng cũng khiến H. bị sốc. Thời gian sau đó, H. có những triệu chứng như mất ngủ triền miên, cơ thể ủ rũ, dù rất cố gắng nhưng không thể tập trung làm việc, thường xuyên bị trễ hẹn với khách hàng – điều mà trước đây H. chưa bao giờ mắc phải. H. lại tiếp tục bị sếp nhắc nhở và điều này càng khiến H. suy sụp.
Chứng chán ăn của H. ngày một trầm trọng, sự tự tin trước đây hoàn toàn mất đi, thay vào đó là sự uể oải và lo sợ, ngại giao tiếp với đồng nghiệp, khách hàng, thấy mình bất tài vô dụng. H. đi khám thì được kết luận là mắc chứng trầm cảm. Sau đó, H. đã xin thôi việc để có thời gian thư giãn, lấy lại thăng bằng và tập trung vào các liệu pháp điều trị của bác sĩ.
Trường hợp thứ hai
Ngay từ thời đại học, M.T. (hiện 26 tuổi) đã ôm ấp ước mơ khởi nghiệp. T. đi làm thêm đủ thứ nghề, tham gia các dự án khởi nghiệp của sinh viên để tích lũy tiền, vốn sống và kinh nghiệm. Ra trường được mấy năm, thấy bản thân đã có đủ sức để “chinh chiến”, T. dùng số tiền tiết kiệm của bản thân và vay mượn thêm bạn bè, người thân để lập ra một công ty khởi nghiệp của riêng mình làm về du lịch.
Vốn đã lường trước được những khó khăn khi khởi nghiệp nhưng khi trực tiếp điều hành một công ty non trẻ, T. mới thấm hết những nhọc nhằn. Mọi dự tính của T. dường như đều bị vênh với thực tế. Áp lực công việc đổ dồn lên đầu, cộng với những thất bại liên tiếp khiến T. vô cùng mệt mỏi. Số nợ của công ty ngày một lớn, những đồng sự “chung vai sát cánh” từ những ngày đầu cũng nối gót nhau ra đi càng khiến T. lo sợ, suy sụp.
Sau đó, công ty du lịch đầy tâm huyết của T. đã “chết yểu” và T. thì cũng “chết yểu” vì tinh thần. T. bỗng trở nên lầm lì ít nói, thường xuyên ở trong phòng ngủ cả ngày, bữa ăn chỉ ăn qua quýt rồi lại lên phòng khép kín cửa, chẳng giao lưu trò chuyện với ai. Thấy những dấu hiệu bất thường ấy, cha mẹ đã đưa T. đi khám và được bác sĩ thông báo là T. đã bị trầm cảm.
Thầm lặng hủy hoại con người
Những năm gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục cảnh báo về sự phổ biến bệnh lý trầm cảm ở con người. Theo WHO, tỷ lệ những người bị trầm cảm chiếm khoảng 4% dân số, tức có khoảng 250 triệu người trên trái đất mắc phải bệnh lý này và số lượng vẫn đang không ngừng gia tăng. WHO dự báo đến năm 2020, bệnh trầm cảm có thể sẽ đứng thứ hai về gánh nặng bệnh lý của nhân loại sau các bệnh về tim mạch.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, tuy không gây đau đớn tức thời và gây tử vong ngay, song trầm cảm là chứng bệnh rất nguy hiểm vì nó hủy hoại bên trong con người, vắt kiệt tinh thần và làm rối loạn cảm xúc, có thể dẫn đến những ý nghĩ làm hại bản thân như tự tử.
Có một thực tế là càng những người giỏi, có trách nhiệm với công việc thì càng dễ bị trầm cảm do áp lực hoặc những điều không mong muốn trong công việc. Viện Sức khỏe Tâm thần từng điều trị cho một bệnh nhân là kế toán trưởng giỏi nghiệp vụ, tính tình ngay thẳng làm việc cho một cơ quan lớn ở Hà Nội. Khi phát hiện ra một số sai phạm trong việc thu chi của lãnh đạo, cô can thiệp thì bị điều chuyển sang bộ phận khác. Vì trực tính, cô vẫn tiếp tục “bóc mẽ” các sai phạm tài chính của lãnh đạo. Sau đó, cô bị cho thôi việc. Cú sốc này đã khiến cô bị mắc chứng trầm cảm, luôn có suy nghĩ rằng có người muốn ám hại mình.
Bác sĩ Dũng cho biết, tập trung làm việc với cường độ cao, cơ thể, đầu óc mệt mỏi, căng thẳng lại gặp phải những cú sốc, vượt ngưỡng chịu đựng thì rất dễ bị trầm cảm. Những người đang khỏe mạnh bình thường mà đột nhiên có các triệu chứng như mệt mỏi, buồn bã, chán ăn, thường xuyên mất ngủ, sụt cân, ngại giao tiếp… trong thời gian 2 tuần liên tiếp thì chứng tỏ đã bị trầm cảm. Nếu không đi thăm khám và điều trị sớm, trầm cảm sẽ dẫn đến sa sút tinh thần nghiêm trọng, nảy sinh ý nghĩ tự tử.
— HR Insider / Theo Emdep.vn —
VietnamWorks.com – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.