1. Chợ buôn dưa lê
Biểu hiện dễ thấy nhất là 8 giờ đi làm, thì hết 7 giờ họ dành ra chỉ để nghe ngóng tình hình mọi người trong công ty. Câu chuyện có thể tạm thời dừng lại ở đây nếu như họ không phát tán các câu chuyện này với những người khác, cùng với vài trăm đồng nguyên liệu “dặm mắm dặm muối” cho thêm phần thú vị. Đó dường như biến thành “triết lý công sở của họ”. Những kiểu người này, tốt nhất tránh xa ngàn dặm khi câu chuyện chưa bắt đầu. Biết đâu đến một lúc nào đó, bạn lại trở thành diễn viên chính của câu chuyện thì sao?
2. “Mẹ thiên hạ, cha thiên nhiên”
Một kiểu người không quá lạ lẫm đối với những công việc có tính chất làm việc nhóm cao. Quan điểm của họ cũng vô cùng “khác biệt”, đặc biệt khi họ được phân công làm Project Leader: Thành viên sẽ lo 80% công việc, riêng họ chỉ đơn giản là “chỉ tay 5 ngón”, 5 ngón còn lại thì lướt facebook hoặc chơi game. Đến khi có vấn đề, trách nhiệm họ sẽ quy đổ lại hoàn toàn cho bạn, thậm chí là chì chiết và báo cáo sự việc theo một chiều hướng khác bất lợi cho bạn.
Cách xử lý duy nhất chính là hãy cứng rắn hơn và lựa lời phản biện phù hợp cho suy nghĩ sai trái này của họ.
3. “Công lao này, là hoàn toàn nhờ tớ đây mà ra”
Một kiểu câu nói vô cùng quen thuộc của kiểu đồng nghiệp “thích tự đề cao bản thân”. Làm việc nhóm cũng thế, thông thường họ sẽ phản bác lại toàn bộ ý kiến của mọi người và muốn ý tưởng của họ phải được trọng dụng. Hoặc là họ sẽ làm ầm ĩ, hoặc là những người khác phải ngoan ngoãn nghe lời họ. Trường hợp chuyện êm xui, họ sẽ là tấm khiên “hứng chịu” lời khen từ cấp trên và những người khác thay cho bạn. Ngược lại, nếu mọi chuyện không theo đúng kế hoạch, thì bạn sẽ là người hứng chịu khiển trách từ cấp trên thay cho họ.
4. Hộ khẩu nhà kế bên “Hồ Than Thở”
Mỗi ngày đi làm, bạn sẽ nghe một câu than thân trách phận từ những cô nàng/anh chàng này. Từ chuyện hôm nay quán ăn sáng gần nhà đóng cửa khiến họ không ăn được 1 bữa ăn ưng ý, đến việc máy pha cà phê hôm nay có vị khác thường. Xa hơn là than thở với bạn về công việc: Vì sao khách hàng quá khó? Vì sao bữa nay việc nhiều quá, làm ảnh hưởng giờ tập Yoga sau giờ làm? Vì sao làm mãi mà chẳng thấy lương tăng? Cách xử lý duy nhất là bạn hãy đóng vai “một bác sĩ tâm lý”, bên cạnh và động viên họ thật nhiệt tình. Suy cho cùng, họ mệt 1 thì bạn cũng mệt 10 đấy.
5. Kiểu người không biết sắp xếp công việc
Biệt danh “thợ đụng” vì bợ đâu làm đó mà không hề có một kế hoạch gì. Nhìn theo hướng tích cực, họ có khả năng thích nghi và ứng phó với công việc rất tốt, dễ dàng thay đổi tình thế (cả 2 chiều). Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm trừ của họ vì sự gấp rút ít khi nào mang lại kết quả trọn vẹn. Chẳng việc nào trọn vẹn cả, vì tất cả cũng chỉ là những biện pháp qua loa. Cách khắc phục là hãy giúp họ cài đặt những ứng dụng nhắc việc và lập kế hoạch công việc, cũng như tặng họ một quyển số Planner (sổ lập kế hoạch) vào ngày sinh nhật nhé.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.