Kiểu đa sầu đa cảm
Chắc chắn bạn đã từng gặp kiểu đồng nghiệp bi quan và thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực ít nhất một lần trong lịch sử đi làm của mình. Biểu hiện của kiểu người này chính là thường xuyên than thở về áp lực công việc và luôn hoài nghi năng lực của bản thân mình. “Tôi cảm thấy mình không đủ khả năng đảm nhận” luôn là câu nói ưa thích của nhóm này. Một ngày đi làm bạn có thể nghe họ than vãn về công việc không dưới sáu đến bảy lần. Trong tình huống tệ nhất là khi sếp lỡ “trót to tiếng”, họ sẽ rất dễ lâm vào trạng thái đau khổ, chán nản hoặc thậm chí muốn chấm dứt công việc ngay lập tức.
Kiểu “bà tám” xuyên lục địa
Nếu chỉ đơn thuần là những câu chuyện “trà dư tửu hậu” nơi công sở để mọi người cùng thư giãn thì sẽ không thành vấn đề quá lớn, nhưng khi bạn lỡ làm chung với một người thường xuyên nghe ngóng hay “mách lẻo” với những nhóm khác, đây lại là một điều vô cùng khó xử. Những câu chuyện thầm kín hay thậm chí đời tư của bạn cũng rất dễ bị “khui mào” để mở đầu buổi tám xuyên lục địa của kiểu người này. Thậm chí, đôi khi bạn còn có thể trở thành nạn nhân bị đồng nghiệp “nói xấu” ngay trên mạng xã hội chỉ vì một hành động sơ ý nào đó. Nguy hiểm hơn, nếu như bí mật kinh doanh vô tình rót vào tai những người này, bạn sẽ không thể lường trước được hậu quả kinh tế nặng nề đến mức độ nào với công ty mình.
Kiểu nghệ sĩ
Đây sẽ là kiểu đồng nghiệp khiến bạn ngán ngẩm nhất khi làm việc cùng. Thái độ làm việc của họ thường đi kèm với hai chữ “tùy hứng”. Họ thường sống trên mây và lâu lâu bạn mới thấy được họ tập trung trở về với công việc nơi mặt đất. Nếu cảm thấy hứng thú, họ có thể bỏ tất cả để dốc toàn lực, toàn tâm, toàn trí cho nhiệm vụ của mình. Nhưng nếu lỡ vô tình vướng vào tình huống kém vui như mới chia tay người yêu, bị sếp mắng, tỏ tình bất thành, thời tiết xấu, mất tiền, vân vân mây mây, bạn sẽ phải hứng chịu bi kịch “trễ deadline” khi người bạn đồng nghiệp liên tục trì hoãn vì lí do không có tâm trạng bắt tay vào công việc. Điều đáng sợ nhất là tâm tình của những người này không chỉ ảnh hưởng đến mình họ mà còn hệ lụy tới cả một nhóm người, đến tiến độ công việc. Tất cả chỉ vì lối sống nghệ sĩ được dung dưỡng này mà ra!
Kiểu “học sinh” cá biệt
Một trong những “đứa trẻ” nơi công sở khiến các sếp ngại gặp phải nhất chính là “học sinh” cá biệt. Họ thường chỉ làm việc độc lập, mang quan điểm cá nhân và cái tôi vô cùng cao. Khi gặp chuyện trái với tư tưởng hoặc không phù hợp, rất khó để bạn có thể dàn xếp với kiểu người này. Họ sẽ thường tranh cãi gay gắt hoặc thậm chí phản bác lại bạn một cách mạnh mẽ đến khi nào bạn đồng thuận ổn thỏa với họ. Với những cá nhân cứng đầu như thế, bạn thường phải tốn rất nhiều thời gian để sắp xếp công việc và nói chuyện cùng họ bởi lẽ, họ sẽ không bao giờ tự nhận là mình sai cho dù sự thật mà ai cũng thấy rằng họ đang là người có lỗi. Khi xuất hiện những “học sinh” cá biệt như thế, văn phòng của bạn luôn thường xuyên hứng chịu những trận cãi vả nảy lửa là điều không thể tránh khỏi.
Kiểu hay vòi vĩnh
Có một kiểu người làm việc chưa tới nhưng luôn mong muốn, đòi hỏi quyền lợi cao hơn ở công ty. Giống như “đứa trẻ” vòi vĩnh để có kẹo ngọt, kiểu đồng nghiệp này thường xuyên cảm thán về vấn đề lương bổng của mình với lí lẽ rằng mức lương hiện tại chẳng xứng đáng so với công sức họ bỏ ra. Không chỉ thế, khi làm bất kỳ một công việc hay nhiệm vụ nào, điều đầu tiên mà kiểu người như thế nghĩ đến không phải mục tiêu chung hay lợi ích tập thể, mà là họ sẽ nhận được mức thưởng như thế nào, liệu họ có được thăng chức hay nhận hoa hồng bao nhiêu sau dự án này. Quan tâm đến lợi ích cá nhân không phải là hành vi xấu. Nhưng điều này sẽ khiến các đồng nghiệp thấy phản cảm hoặc lãnh đạo khó chịu khi có nhân viên hay than vãn về mức lương hoặc liên tục đòi thăng chức trong công ty.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.