Những năm cuối của Đại học, bạn đã bắt đầu chuẩn bị hồ sơ, trang bị những kỹ năng để bắt đầu công việc đầu tiên. Trải qua một thời gian dài nộp hồ sơ, kiểm tra kiến thức và phỏng vấn, cuối cùng bạn đã nhận được thư mời nhận việc tại một công ty. Bạn sẽ háo hức phấn khởi với muôn vàn điều mới mẻ phía trước nhưng cũng nên nhớ tìm hiểu kỹ những điều cần làm trong ngày đầu tiên cũng như thời gian về sau nhé. Hôm nay, VietnamWorks xin chia sẻ với bạn những “khái niệm” bạn cần nên biết để có được khoảng thời gian thực tập hiệu quả nhé!
Lần đầu tiếp xúc với công việc thực tế
Những năm tháng “mòn ghế” đại học đã cho bạn một lượng kiến thức nhất định nhưng bạn cũng cần tự trao dồi chuyên sâu trong một lĩnh vực bạn thích. Tự tin với những gì mình có là điều tốt nhưng thực tế là một ngã rẽ khác đòi hỏi bạn phải tự nhắc nhở mình phải luôn học hỏi, học từ công việc, học từ mọi người, học từ những thất bại, … Lần đầu với những trải nghiệm thực tế khiến bạn không khỏi bỡ ngỡ, hãy có một quyển sổ bên mình để ghi chép lại những điều bạn cho là có ích sau này bạn nhé!
Khi sếp gọi tên mình
Lâu lâu bạn sẽ được sếp gọi tên mình! Sếp gọi để giao việc hoặc sếp gọi để nhắc nhở. Không sao cả! Bạn sẽ cơ hội được tiếp cận công việc thực tế, thể hiện năng lực bản thân. Còn nếu sếp nhắc nhở thì bạn lắng nghe, tiếp thu và sửa đổi. Thực tập vốn dĩ là thời gian bạn học hỏi nên đừng sợ sai. Từ những lỗi nhỏ đến lớn sẽ cho bạn bài học để trưởng thành, tự tin hơn khi có được công việc chính thức đầu tiên.
Bắt đầu có “đồng nghiệp”
Bên cạnh bạn sẽ không còn là nhỏ bạn thân nữa mà bây giờ là đồng nghiệp của bạn. Bạn sẽ được giới thiệu với tất cả mọi người trong phòng ban nhưng tốt nhất nên tự làm quen với mọi người ngay buổi ăn trưa đầu tiên. Đừng ngại ngùng chia sẻ về bản thân cho mọi người, cởi mở và thân thiện. Trong thời gian thực tập, bạn chắc chắn sẽ được làm việc chung với từng người, hiểu tính cách của mọi người có thể sẽ giúp công việc trôi chảy hơn. Biết đâu sau thời gian này bạn có được một người anh/chị đáng mến thì sao?
Chú ý nhỏ nữa là không chỉ riêng đồng nghiệp phòng ban của bạn, bạn nên mở rộng mối quan hệ khi làm việc và tiếp xúc với mọi người trong công ty – có thể là khi ăn trưa chung, chạy dự án cùng hoặc đơn giản là đứng đợi thang máy cùng. Không ai dạy bạn điều này cả, phải tự mình học thôi!
Deadline khác với khi còn đi học
Mọi công việc đều có deadline riêng, đi học bạn cũng đã được trải nghiệm cảm giác “nước đến chân mới nhảy” rồi thì công việc mới cũng vậy. Nhưng khi bạn hoàn thành công việc của mình thì nhớ thông báo cho bộ phận tiếp theo để họ tiếp tục phần việc tiếp theo sau đó. Bên cạnh đó, khi làm việc với bất kỳ bộ phận nào, bạn cũng nên nhớ ghi rõ deadline là khi nào và mức độ quan trọng của công việc đó ra sao. Hãy nhớ và tỏa sáng để mọi người không phải hối tiếc khi tuyển bạn vào vị trí đó nhé!
– HR Insider/VietnamWorks –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.