1. Suy nghĩ kỹ trước khi rời đi
Mỗi chúng ta ít nhất đều một lần nghỉ việc tìm môi trường mới. Nguyên nhân dẫn đến quyết định này có thể do lương, chính sách phúc lợi thấp, không có cơ hội phát triển,… Dù là vấn đề gì, nghỉ việc đều khiến chúng ta thiệt hại ít nhiều. Trước tiên, thu nhập của bạn có thể bị ảnh hưởng. Nếu bạn là lao động chính trong gia đình, quyết định này có thể sẽ khiến cuộc sống của bạn bị xáo trộn. Bên cạnh đó, bạn phải mất thời gian để tìm việc và làm quen với môi trường làm việc mới. Vì thế, hãy suy nghĩ kỹ trước khi lựa chọn dứt áo ra đi.
Tôi muốn bạn chắc chắn rằng, lựa chọn của bạn tốt cho tương lai sau này. Tuyệt đối đừng vì hiềm khích cá nhân hay lý do không chính đáng nghỉ việc. Bởi những quyết định bốc đồng đó có thể sẽ khiến bạn hối tiếc về sau.
2. Xin nghỉ việc như thế nào đúng luật?
Nếu xin việc đòi hỏi phải có nghệ thuật, nghỉ việc cũng tương tự như thế. Đừng hỏi vì sao người khác xin nghỉ dễ dàng, còn bạn cứ luôn gặp rắc rối với quyết định rời đi của mình. Chưa xem xét đến khía cạnh khéo léo, trước tiên; hãy tự hỏi bạn đã nghỉ việc đúng quy trình chưa?
Trước tiên, hãy viết đơn xin nghỉ việc thật chuyên nghiệp. Bạn có thể đến phòng nhân sự xin mẫu đơn nghỉ việc hoặc tìm kiếm trên các diễn đàn, google. Nếu công ty thường trao đổi qua mail, bạn có thể tìm kiếm theo cụm từ “cách viết mail xin nghỉ việc” sẽ hiện ra nhiều kết quả để lựa chọn.
Sau khi viết đơn, hãy gửi ngay cho quản lý trực tiếp của bạn. Việc thông báo này giúp công ty chuẩn bị người thay thế khi bạn rời đi.
Cuối cùng, khi nhận được phê duyệt từ cấp trên; hãy chuyển đơn nghỉ việc cho bộ phận nhân sự để giải quyết các chế độ phúc lợi và chốt sổ bảo hiểm cho bạn.
Mỗi công ty đều có quy trình nghỉ việc khác nhau. Hãy hỏi bộ phận nhân sự công ty nếu bạn chưa rõ quy trình trên. Điều tiếp theo nên lưu ý, làm sao xin nghỉ việc đúng luật?
Để trả lời câu hỏi đó, bạn cần biết xin nghỉ việc báo trước bao nhiêu ngày? Theo quy định, thời gian thông báo nghỉ việc như sau:
- Xin nghỉ việc trong thời gian thử việc, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước.
- Xin nghỉ việc khi ký hợp đồng 1 năm, người lao động phải báo trước 30 ngày.
- Trường hợp ký hợp đồng không xác định thời hạn, người lao động phải báo trước 45 ngày.
Ngoài ra, nghỉ việc chỉ diễn ra khi hợp đồng lao động hết thời hạn, người lao động có nhu cầu xin nghỉ việc hoặc bạn vi phạm kỷ luật nghiêm trọng dẫn đến bị sa thải. Trường hợp, người lao động xin nghỉ việc riêng được quy định tại điều 115 Bộ luật lao động 2019, người sử dụng không được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp quy định tại điều luật này.
Nắm rõ quy trình và quy định nghỉ việc trên, chúng ta mới biết cách xin nghỉ việc chuyên nghiệp và không bị làm khó khi rời đi.
3. Những lưu ý trước khi nghỉ việc
Nhắc đến quá trình nghỉ việc, Thiên An (26 tuổi) chia sẻ “Dù chuẩn bị trước tinh thần, nhưng em vẫn còn sốc với cách cư xử quay lưng của mọi người khi biết em chuẩn bị rời đi”.
Thực trạng trên vốn không hề hiếm gặp. Đây cũng là nổi ám ảnh khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán khi kể đến. Vậy bí quyết xin nghỉ việc thế nào để không bị làm khó?
Cam kết với cấp trên của bạn
Khi bạn nghỉ việc, điều khiến mọi người lo lắng là ai sẽ là người giải quyết công việc của bạn. Vì thế, cấp trên và đồng nghiệp xung quanh sẽ cảm thấy khó chịu vì điều đó. Hãy cam kết với sếp rằng, bạn sẽ bàn giao đầy đủ cho người mới trước khi rời đi. Hành động này giúp xoa dịu và cấp trên sẽ đánh giá cao sự tận tâm của bạn với công ty.
Giữ bí mật về quá trình tìm việc
Dù đồng nghiệp bên cạnh có thân thiết đến đâu, bạn tuyệt đối đừng chia sẻ thông tin về quá trình tìm công việc mới. Vì bạn sẽ không thể chắc chắn rằng họ sẽ giữ kín bí mật cho bạn. Nên im lặng cũng là một trong những chiến thuật xin nghỉ việc khéo léo nhất và tránh gây thị phi trước khi bạn rời đi.
Tìm người kế thừa trước khi nghỉ
Trước khi nghỉ việc, đừng quên tìm người bàn giao công việc của bạn nhé. Bởi mọi người đều có công việc riêng của mình, việc trống vị trí của bạn có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp và các đồng nghiệp xung quanh. Nên hãy hỏi cấp trên mình nên bàn giao công việc cho ai? Chuyên tâm đào tạo nhân viên mới trước khi đi giúp công ty không bị xáo trộn cũng là tự giúp bản thân bạn. Bởi nhiều người luôn có tư tưởng nghỉ việc là hết. Điều đó khiến họ gặp khó khăn thậm chí hứng chịu thái độ ghét bỏ từ đồng nghiệp xung quanh. Vì thế, đây là công việc quan trọng nhất định phải làm.
Chuyên nghiệp đến phút cuối cùng
Cùng nghỉ việc nhưng người vẫn được nhắc đến, người khác lại không. Tất cả sự khác biệt đó đều đến từ hành động của bạn. Nếu vẫn muốn giữ hình ảnh đẹp trong mắt mọi người, hãy làm việc chuyên nghiệp đến lúc rời đi. Giải quyết hết công việc tồn động và theo dõi công việc của mình đến phút cuối cùng. Điều này sẽ để lại ấn tượng tốt với mọi người ở công ty cũ. Hiện nay, nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu ghi thông tin liên hệ của sếp cũ để xác nhận quá trình công tác và tìm hiểu thêm về bạn. Trong trường hợp này, giữ được mối quan hệ tốt với mọi người khi nghỉ việc có lợi vô cùng.
Xin nghỉ việc là một nghệ thuật đòi hỏi người xin nghỉ phải ứng xử khéo léo. Mặt khác, đừng quên cập nhật những quy định thôi việc để không gặp rắc rối khi rời đi bạn nhé. Chúc bạn nghỉ việc thuận lợi và sớm tìm được môi trường mới phù hợp với mình.
>> Xem thêm: “Vì sao nhân viên vừa “on-boarding” vội quay đầu nghỉ việc chỉ sau một tuần?”
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.