“Tôi rất hài lòng về thái độ làm việc của anh/chị”
Người quản lí nào cũng mong muốn nhân viên của mình làm việc với một tinh thần nhiệt huyết và năng nổ nhất. Đó là lí do họ thường xuyên động viên và khích lệ cấp dưới bằng những lời khen tặng thể hiện sự hài lòng của mình. Cách quản lý nhân viên hiệu quả này, không chỉ thúc đẩy tinh thần cá nhân mà còn của cả tập thể, góp phần xây dựng một môi trường làm việc tích cực và cởi mở. Thậm chí với cách làm này, người lãnh đạo cũng đang gián tiếp thể hiện rằng họ luôn thấy được và trân trọng những gì nhân viên của họ đang làm, khiến nhân viên luôn muốn nỗ lực và cống hiến hết mình cho công ty.
“Tôi có thể giúp gì được cho anh/chị không?”
Sự khác biệt lớn nhất giữa một người lãnh đạo đích thực và một ông chủ đó là nhận thức về tinh thần tập thể. Nhà lãnh đạo luôn cố gắng hỗ trợ nhân viên của mình để cùng hướng đến mục tiêu chung của công ty. Nếu như một nhóm hoạt động đang phải làm việc với khối lượng nhiệm vụ quá tải, trong khi deadline thì dồn dập, sẽ thật tuyệt vời biết bao khi họ được nghe chính sếp mình sẵn sàng “xắn tay áo” lao vào giúp đỡ họ vượt qua cơn bão deadline này. Điều này không chỉ giảm bớt chút căng thẳng ra khỏi nhân viên, mà còn cải thiện mối quan hệ giữa sếp và nhân viên thêm gần gũi hơn.
“Anh/chị nghĩ như thế nào về vấn đề này?”
Là một người sếp, không có nghĩa là bạn sẽ có quyền áp đặt hoặc tư quyết định mọi vấn đề lên nhân viên của mình. Học cách lắng nghe nhân viên của mình và khuyến khích cấp dưới chủ động đưa ra những ý kiến, quan điểm của họ sẽ giúp nhà lãnh đạo có cái nhìn đa chiều và bao quát hơn. Không chỉ thế, khi được lãnh đạo quan tâm đến, nhân viên cũng sẽ có cảm giác họ vẫn có “tiếng nói cá nhân” và được cân nhắc trong mọi chuyện ở công ty.
“Nếu hoàn thành dự án này tốt, tôi sẽ cân nhắc về vấn đề thăng chức/tăng lương.”
Cách tốt nhất để thúc đẩy nhân viên làm việc hiệu quả và nâng cao tinh thần trước mỗi lần khởi chạy dự án đó là cam kết về thưởng phạt. Khi sếp đưa ra một lời hứa hẹn hấp dẫn về kết quả công việc, nhất định nhân viên nào cũng sẽ bị thu hút và tập trung 100% nỗ lực của mình cho hoạt động sắp đến của công ty. Nếu bạn đang dự định đưa ra cho nhân viên của mình một lời hứa hẹn như thế, hãy chắc rằng bạn có thể thực hiện được điều này để tránh biến nó thành lời nói suông!
“Tôi hy vọng anh/chị có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho lần sau.”
Nếu chẳng may nhân viên vô tình phạm phải một sai lầm nào đó lần đầu tiên ở công ty, sẽ dễ dàng hơn cho họ khi sếp nhẹ nhàng phân tích và nhắc nhở bài học kinh nghiệm. Dĩ nhiên một nhà lãnh đạo biết lắng nghe và chấp nhận cho nhân viên mình vấp ngã ở bước đi đầu tiên sẽ luôn được lòng hơn một ông chủ luôn trách mắng và đổ lỗi cho cấp dưới của mình.
“Chúng ta sẽ cùng nhau hoàn thành tốt công việc này.”
Một nhà lãnh đạo tuyệt vời sẽ luôn nhắc về công ty hay tập thể mà họ đang quản lí bằng đại từ nhân xưng “chúng tôi/chúng ta” thay vì chỉ đề cập đến cá nhân họ. Khi bắt đầu bằng những câu nói khích lệ đặt bản thân mình trong tập thể, sếp sẽ tạo nên một lòng tin vững chắc trong nhân viên. Ngôn xưng “chúng ta” xóa đi khoảng cách giữa người lãnh đạo và nhân viên, giúp cho cấp dưới cảm thấy được sự tôn trọng và tiếp thêm cảm hứng để họ nỗ lực hết mình.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.