Nhảy việc luôn mang đến cho chúng ta một lợi ích nào đó. Có thể đó là tăng lương lên gấp 2,3 lần. Cũng có thể tăng chức, cơ hội làm việc ở một môi trường tốt hơn,… Nhưng không vì thế mà nhảy việc thường xuyên mang đến nhiều điều tuyệt vời hơn. Cùng HR Insider tìm hiểu “cái giá” mà người nhảy việc liên tục phải trả qua hai câu chuyện được bạn đọc chia sẻ trong thời gian gần đây nhé!
Không đủ thời gian để xây dựng một mối quan hệ bền vững
“Nhảy việc liên tục khiến mối quan hệ giữa tôi và đồng nghiệp, cấp trên cũ trở nên hời hợt.“
– Theo chia sẻ của bạn P.D –
Sau 4 năm đi làm với 3 lần nhảy việc, sự nghiệp rơi vào bế tắc, tôi mới thấm thía được giá trị của các mối quan hệ trong cuộc sống và công việc. Khi bản thân thực sự rơi vào khó khăn, giá trị của các mối quan hệ trong xã hội càng rõ ràng hơn. Nhưng liệu có bao nhiêu người sẵn sàng giang tay giúp đỡ chúng ta nếu giữa chúng ta và họ chỉ là mối quan hệ hời hợt?
Câu chuyện của tôi chính là một minh chứng. Hiện tại, trong vòng tròn các mối quan hệ xung quanh, một người có thể giang tay hỗ trợ và cho tôi lời khuyên hữu ích về sự nghiệp, một cách chân thành, hoàn toàn không có.
Những người bạn cấp ba thân thiết, hầu hết đều đang làm việc trong lĩnh vực khác, kiến thức chuyên môn và các trải nghiệm đều không phù hợp. Những buổi nói chuyện phiếm, chia sẻ niềm vui về thành công của nhau thì được, nhưng để có thể định hướng lại sự nghiệp thì không.
Những người bạn thời đại học, các bạn ấy cũng chỉ như tôi, sự nghiệp ở thời điểm này chỉ vừa mới bắt đầu, không ít thì nhiều vẫn đang loay hoay và có những khó khăn nhất định. Chúng tôi may mắn là vẫn làm chung ngành nghề, mỗi khi khó khăn thì vẫn có thể thủ thỉ tâm sự để san sẻ nỗi buồn, nhưng để đưa ra một lời khuyên đúng đắn thì hầu như là chưa thể.
Những người có thể đưa ra cho tôi một lời khuyên sự nghiệp, hiện tại có lẽ là các anh chị đồng nghiệp, cấp trên cũ. Nhưng mối quan hệ của chúng tôi quá hời hợt, thậm chí là xảy ra xung đột nhỏ khi nghỉ việc thì làm sao có thể mở miệng đặt câu hỏi được. Và tôi thật sự tiếc nuối khoảng thời gian ngắn ngủi được làm cùng mọi người.
Thay vì mở lòng để xây dựng một mối quan hệ mới cho bản thân, tôi chỉ chăm chăm có nên hay không nên tiếp tục làm việc tại công ty mới này. Và thường cứ sau một năm, tôi lại nhảy việc. Thời gian đầu sau khi nghỉ việc thì có thể nói chuyện với nhau dăm ba câu nhưng rồi những cuộc trò chuyện cứ thưa dần và tôi rất thụ động trong việc tiếp tục các mối quan hệ này, một phần vì cũng không còn quá nhiều điểm chung trong cuộc sống. Và thời gian làm việc bên cạnh nhau quá ngắn ngủi để tôi có thể hiểu thêm về quan điểm, góc nhìn cách sống của những người đồng nghiệp của mình.
Mất đi khả năng phát triển bản thân “tự nhiên”
“Thành tích ảo sau mỗi lần nhảy việc khiến tôi tự cho là bản thân tài giỏi thật sự như những ba hoa của mình.”
– Theo chia sẻ của bạn N.H –
Cứ hai năm, tôi lại nhảy việc một lần. Cứ như vậy, sau 7 năm đi làm tôi đã chinh chiến hơn 10 công ty (tính cả công ty tôi thử việc 2 – 3 tháng). Nhờ kinh nghiệm phỏng vấn đến mức lờn này, tôi dễ dàng chinh phục được nhà tuyển dụng và tìm cho mình một cơ hội làm việc mới với mức lương và đãi ngộ tốt hơn. Tôi vẫn nghĩ mình đã hành động đúng đắn cho đến thời gian gần đây, khi vị trí mới đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm thực tế tương xứng.
Tôi có một mẹo tìm việc là mỗi khi bước vào vòng phỏng vấn là nghiên cứu thật kỹ bảng mô tả công việc, lĩnh vực ngành nghề của công ty bản thân ứng tuyển. Sau đó bắt đầu lên mạng đọc một vài bài viết liên quan sau đó biến tấu thêm một chút dựa trên kinh nghiệm từ bản thân (hoặc người khác) khi trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng. Sự chuẩn bị và tìm hiểu nghiêm túc này giúp tôi thành công thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Nhưng có lẽ vì dành nhiều thời gian tập trung vào tìm kiếm thông tin để đối phó với nhà tuyển dụng thay vì làm việc nghiêm túc, tôi đã để những thành tích ảo che lấp hết những khiếm khuyết của bản thân.
Vì thời gian làm việc ở một lĩnh vực, ngành nghề không quá lâu nên hầu hết tôi vẫn chưa thể đi sâu, va chạm nhiều những vấn đề có thể nảy sinh trong thực tế. Và hiển nhiên, tôi không có kinh nghiệm giải quyết vấn đề ở thực tế, mọi kế hoạch tôi nghĩ có thể giải quyết được khi ở trong đầu tôi, thực tế thì khác hẳn. Bên cạnh đó, mỗi lần nhảy việc tôi đều phải trải qua một khoảng thời gian để làm quen lĩnh vực, môi trường mới nên khoảng thời gian có thể học hỏi, làm việc thực tế để đút kết kinh nghiệm là vô cùng ngắn ngủi. Dẫn đến một số công việc, tôi chỉ biết qua loa đại khái và cũng vì bị các thành tích ảo che lấp mà tôi cũng lười biếng để tìm tòi nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Khi nhận chức vụ cấp cao mới gần đây, tôi đã không còn trẻ để được dành thời gian để làm quen công việc nữa mà thay vào đó, tôi phải bắt đầu giải quyết công việc. Và trước mỗi vấn đề, nói miệng thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm, tôi hoàn toàn không tự tin vì hơn ai hết tôi nhận thức được rõ lỗ hỏng về kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn của mình. Và điều gì đến cũng đến, tôi không thể nào qua khỏi được hai tháng thử việc vì hiệu quả công việc quá tệ so với những gì mình cam kết thực hiện. Lúc này, tôi thực sự bế tắc khi nhìn lại những thành tích thật sự trong suốt 7 năm đi làm của mình, ngoài khả năng chinh phục nhà tuyển dụng thì tất cả đều nửa vời, kinh nghiệm không quá ít nhưng chẳng đủ nhiều để tiếp tục ở vị trí mà tuổi mình phải đạt được.
Xem thêm: Hãy học hết những điều sau ở công ty cũ trước khi nhảy việc
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.