3 tháng trước, Dan Price – CEO Gravity Payment tại Seattle (Mỹ) quyết định hy sinh mức lương triệu USD của mình để nâng lương cho toàn bộ 120 người trong công ty lên tối thiểu 70.000 USD một năm. Trong số này, 30 người được tăng lương gấp đôi.
Khi Price tuyên bố việc này, cả công ty như vỡ òa. “Mọi người bắt đầu hò hét và ăn mừng, tất cả như phát điên lên”, Price nhớ lại. Một người nói với Price rằng với thu nhập mới, anh ta có thể mời mẹ bay từ Puerto Rico tới Seattle thăm mình. Người khác thì vui mừng vì có thêm tiền chăm lo cho vợ con. Chỉ trong một đêm, Price trở thành vị anh hùng trong truyền thuyết, khi nắm trong tay quyền kiểm soát bất bình đẳng thu nhập.
Nhưng nhiều tuần sau đó, mọi chuyện dần trở nên tệ hơn khi không phải ai cũng hài lòng. Ngạc nhiên hơn, đó lại chính là những nhân viên thân cận của Price.
Hai trong số những nhân viên giỏi nhất đã rời công ty, một phần vì cho rằng thật bất công khi Price tăng gấp đôi lương cho những nhân viên mới, trong khi các nhân viên lâu năm chỉ được thêm rất ít.
Maisey McMaster là một trong số đó. Cô nhân viên 26 tuổi này hiện là giám đốc tài chính cho công ty, sau 5 năm làm việc cật lực, hy sinh nhiều thời gian đáng lẽ ra phải dành cho gia đình. Từng là người rất ủng hộ quyết định của Price, nhưng khi bắt đầu tính toán liệu công ty có đủ năng lực tài chính cho đợt tăng lương, Maisey bắt đầu cảm thấy bối rối. “Price tăng lương cho những người ít năng lực và được trang bị ít kỹ năng, còn những nhân viên giàu kinh nghiệm lại không được hưởng lợi nhiều”, Maisey nói. Theo cô, một kế hoạch tốt đáng lẽ ra phải dành nhiều sự ưu ái cho những cán bộ kì cựu và ít hơn cho những nhân viên mới vào nghề.
Grant Moran (29 tuổi) – nhân viên phát triển website cũng có những băn khoăn tương tự. Sau đợt tăng lương thứ nhất, thu nhập của anh là 50.000 USD, từ 41.000 USD trước đó, Moran bắt đầu cảm thấy rằng chính sách mới đi ngược lại với đạo đức nghề nghiệp.
“Bây giờ những người mới vào đều kiếm được khoản như tôi”, anh nói. Chính sách mới khiến những cán bộ có năng lực bị xếp chung vào những lao động tay nghề thấp.
Moran cũng không thích việc cả thế giới biết mình được lương bao nhiêu, vì sự việc này đã được báo chí đăng tải khá rầm rộ. Anh lo lắng khi quen với lộ trình tăng lương, anh sẽ không thể chuyển sang làm cho một hãng công nghệ như mục đích đặt ra ban đầu. Cuối cùng, như McMaster, Moran buộc phải rời đi sớm hơn dự tính.
Ngay cả những người được hưởng lợi nhất từ chính sách này cũng bắt đầu lo lắng. Họ sợ rằng những thành quả đóng góp của mình không tương xứng với mức lương được nhận.
Trong khi đó, Price vẫn lên tiếng bảo vệ kế hoạch này. Anh cho rằng không có một chính sách hoàn hảo nào để giải quyết vấn đề trong doanh nghiệp. Mọi thứ đều có giá của nó. “Tôi đã đưa ra biện pháp tốt nhất có thể rồi”, anh nói. Tất nhiên, hiện tại số đông nhân viên vẫn ủng hộ quyết định này của Price.
– Theo Vnexpress –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.