Quá trình tuyển dụng điển hình sẽ thường bao gồm các bước:
- Tạo (hoặc cập nhật) bản mô tả công việc cho vị trí còn trống
- Đăng tuyển trên các website hoặc nhờ đến sự trợ giúp của các “head hunter”
- Nhận hồ sơ
- Sàng lọc hồ sơ
- Phỏng vấn qua điện thoại để sàng lọc ứng viên
- Phỏng vấn trực tiếp với những ứng viên tốt nhất
- Chọn ứng viên xuất sắc và ký hợp đồng với họ
Và việc bạn cần làm bây giờ là thêm ba bước sau vào quá trình phỏng vấn – nó sẽ không làm chậm vòng phỏng vấn quá nhiều, nhưng sẽ giúp bạn khoanh vùng những ứng viên đủ điều kiện nhất. Điều này thực sự sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian sau đó sẽ tiết kiệm không ít công sức vì bạn sẽ phải xem xét ít ứng viên hơn.
1. Mô tả công việc cụ thể và kỹ càng nhất có thể
Một bản mô tả công việc rất cụ thể ngay lập tức sẽ thu hút những người có kỹ năng cụ thể như vậy, và cũng sẽ loại bỏ người không sở hữu các kỹ năng đó.
Mô tả công việc nên trình bày chi tiết về mọi khía cạnh của vị trí, bao gồm yêu cầu về giáo dục và kinh nghiệm, kỹ năng chuyên biệt và hơn thế nữa. Nhà tuyển dụng hãy viết thật chi tiết và công bố bảng miêu tả công việc cụ thể trong các thông báo tuyển dụng để khuyến khích các ứng viên có kỹ năng tốt nhất ứng tuyển. Khi bạn đăng bài lên các trang web việc làm, có bảng mô tả công việc cụ thể sẽ thu hút sự quan tâm của những ứng viên có trình độ. Điều này giảm đáng kể số lượng ứng viên không đạt chuẩn và tiết kiệm cho bạn rất nhiều thời gian xem xét hồ sơ bước đầu.
2. Khảo sát trước khi tuyển dụng
Sau khi bạn nhận được hồ sơ và đơn xin việc, hãy yêu cầu các ứng viên tham gia một cuộc khảo sát ngắn. Bạn có thể yêu cầu ứng viên làm khảo sát sau cuộc phỏng vấn qua điện thoại hoặc đính kèm nó vào email mời phỏng vấn.Bạn thậm chí có thể thêm nó vào hồ sơ ứng tuyển. Bạn có thể tham khảo trang web Survey Monkey, TypeForm để tạo lập và thu thập thông tin từ các bảng khảo sát.
Hãy cân nhắc đặt các câu hỏi liên quan đến công việc mà mà bạn đang tuyển dụng và hãy hỏi cụ thể từng chi tiết để ứng viên khó “bịa đặt” câu trả lời. Bạn nên chọn hỏi các câu hỏi tình huống để kiểm tra khả năng xử lý và thiên hướng tính cách của ứng viên. Bài khảo sát không nên quá dài dòng nhưng hãy chắc chắn rằng nó sẽ mang lại những hiểu biết sâu sắc về “trình độ và kiến thức” của ứng viên. Theo đó, bạn có thể tiết kiệm thời gian bằng cách lên lịch phỏng vấn qua điện thoại hoặc mời phỏng vấn các vòng tiếp theo chỉ với những ứng cử viên tiềm năng nhất.
3. Cho bài tập về nhà
Đề nghị ứng viên hoàn thành một “bài tập về nhà” có thể là bước cuối cùng nhà tuyển dụng có thể làm để sàng lọc. Nếu bạn đang tìm kiếm freelancer, hãy cho ứng viên biết rằng bạn sẽ sẵn sàng thanh toán cho khoảng thời gian ứng viên cần đầu tư để hoàn thành bài tập vì đã có nhiều ứng viên thậm chí chẳng mảy may quan tâm đế loại bài tập này.
Đối với nhân viên làm việc toàn thời gian, nhà tuyển dụng nên giao một “bài tập về nhà” loại này để thu thập thêm nhiều điều về ứng viên đó. Trước tiên, nó cho bạn thấy sự cam kết và quan tâm của họ trong công việc. Tiếp theo, nó cung cấp bằng chứng về khả năng của họ để hoàn thành công việc độc lập. Cuối cùng, nó cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về việc hoàn thành công việc đúng hạn. Đây là ba nhiệm vụ rất khó đánh giá từ bản lý lịch nhưng rất quan trọng cho thành công trong công việc.
Hãy xem cách ứng viên trả lời bài tập thử nghiệm. Những người háo hức cho công việc sẽ phản ứng tích cực. Hơn nữa, bạn cũng sẽ có cơ hội lắng nghe các ứng viên và hiểu thêm về cách nhìn nhận của họ trước một vấn đề cụ thể. Từ đó, bạn sẽ phần nào đánh giá được thói quen làm việc của, định hướng tương lai của ứng viên.
Và quan trọng hơn hết, bạn phải nghĩ rằng mình sẽ tìm được ứng viên tốt nhất. Đừng vội hài lòng hoặc thỏa hiệp với những ứng viên tốt “nhì”. Tuyển dụng là công việc tốn thời gian nhưng hãy luôn bình tĩnh suy xét để chọn được ứng viên phù hợp nhất và đem lại kết quả làm việc tốt nhất.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.