Bước vào một môi trường công sở với vai trò là “nhân viên mới”, chắc hẳn không ít người tự nhủ mình phải thật phấn đấu và nghiêm túc thể hiện năng lực bản thân nhằm chứng minh cho các “ma cũ” biết rằng “tôi là một người tài giỏi”. Ấy thế, từ suy nghĩ cho tới hành động là một khoảng cách khá xa và việc làm thế nào để bản thân “tỏa sáng” thật không hề đơn giản chút nào. Nếu không nắm rõ và thực hiện khéo léo các nguyên tắc công sở, nguy cơ các nhân viên mới bị cô lập trong ngày đầu ra mắt toàn thể anh chị em trong công ty là rất cao. Người không phục, việc cũng chẳng đâu vào đâu.
Rõ ràng, nếu ai đã làm việc lâu năm trong một công ty nào đó, chắc không lạ gì cái kiểu nhân viên mới chưa chi đã cứ thích thể hiện quá đà:
Một là “ảo tưởng sức mạnh” muốn thay đổi cả một guồng quay công việc chung đã định hình từ lâu với lý do “ở công ty cũ, em/mình thấy cách này hiệu quả”.
Hai là “phong cách làm cha làm mẹ” thích dạy bảo đồng nghiệp về những kiến thức, kinh nghiệm làm việc mới search được từ google từ tối hôm qua.
Ba là “quá hoạt ngôn”, chuyện gì cũng tỏ ra tường tận và nhanh chóng xen vào bày tỏ quan điểm, xong lại còn nói Đông nói Tây theo kiểu “ta đây chuyện chi cũng biết”.
Tất nhiên, đa phần “tuổi thọ” của những nhân viên ấy ở công ty mới chẳng quá vài tháng vì bị cô lập, sống trên mây nên chẳng mấy người dám tiếp xúc. Từ đây có thể thấy rằng, ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, nhất là khi bước vào một môi trường công sở hoàn toàn mới. Cách tốt nhất là hãy làm quen với nó trước, thể hiện ít thôi và lắng nghe nhiều hơn. Chinh phục lòng người rồi hẳn chinh phục công việc vẫn chưa muộn. Sau đây là một số nguyên tắc dành riêng cho “ma mới” để có một sự khởi đầu mới thật suôn sẻ:
- Hãy tìm hiểu về văn hóa công ty. Nên nhớ, có thể chung một lĩnh vực, nhưng văn hóa công sở mỗi nơi mỗi khác. Hiểu nó đã rồi cứ “liệu cơm gắp mắm” mà tìm cách hòa nhập.
- Đừng bao giờ so sánh công ty cũ và công ty mới. Nếu màn so sánh dành phần tích cực cho công ty cũ và tiêu cực cho công ty mới, thì câu nói đặt ra là “tại sao bạn lại sang đây làm việc?” đồng nghiệp chẳng ai thích một người “thối thơm lẫn lộn” như thế đâu. Còn nếu ngược lại, bạn sẽ bị quy cho cái tội là nói xấu công ty cũ, hoặc nặng hơn là “ăn cháo đá bát”.
- Đừng mang cách làm việc ở công ty cũ áp đặt vào công ty mới. Nhiều người hay lầm tưởng có cái gì hay ở nơi cũ, phải khoe ra và áp dụng ở nơi mới thì sẽ được “ghi công tạc tượng”. Sự thật là chẳng ai ưa nổi một người mới về làm đã không chịu hòa nhập, chỉ muốn đó khác đi để tỏa sáng.
- Dù bạn thật sự có năng lực đi chăng nữa, cũng đừng răn dạy đồng nghiệp về các kiến thức hay cách làm việc mới mẻ hiện đại ở các tập đoàn, công ty lớn. Tốt nhất là tự mình chứng minh cho mọi người nhìn thấy. Nhưng trước đó phải thu phục lòng người để mọi người dõi theo cái đã.
- Tuyệt đối không tra khảo, khảo vấn đồng nghiệp về khả năng của họ dù ở bất cứ lĩnh vực gì. “Bạn có biết sử dụng excel không?”, “mỗi tháng doanh số của bạn là bao nhiêu?”, “tiếng Anh của bạn ở mức nào mà được làm ở đây?”,… Đó đều là những câu hỏi hết sức khiếm nhã.
- Đừng đùa cợt, mỉa mai cách làm việc của đồng nghiệp, dù cho cách làm việc ấy thật sự tệ hại trong mắt bạn. Thay vào đó hãy quan sát tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao làm việc tệ mà họ vẫn chưa bị sa thải?” lý do có lẽ khiến bạn bất ngờ đấy.
- Nói ít thôi, lắng nghe nhiều hơn. Thông thường ai vừa bước vào một môi trường làm việc mới cũng đều tranh thủ nói, thể hiện quan điểm cá nhân và tích cực tham gia vào các cuộc bàn luận. Khoan hẳn trình bày, chẳng ai là người “biết tất”, vậy nên đừng tự tin cho rằng mình “thập toàn” mà nói nhiều quá. Im lặng để nghe và hiểu, khi hiểu rồi tìm cơ hội thích hợp mà chia sẻ.
- Nếu quá tự tin về năng lực bản thân, thì hãy nghĩ rằng bạn là một người thông minh và tài năng đang gia nhập một đội ngũ gồm những người thông minh và tài năng khác. Ai cũng như ai, ai cũng giỏi vậy thì việc gì phải thể hiện hay lên mặt “dạy đời” người khác.
- Lưu trữ câu nói này trong đầu: Công ty mới vẫn tồn tại được qua bao ngày trước khi bạn có mặt ở đó. Bạn không phải anh hùng cứu tinh!
— HR Insider / Theo cafebiz —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.