Bệnh nghề nghiệp là gì?
Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp. Nguyên nhân của bệnh nghề nghiệp là do tác hại thường xuyên và lâu dài của điều kiện lao động không tốt. Ngay từ khi có lao động, bệnh nghề nghiệp đã xuất hiện và gây ảnh hưởng tới người lao động.
Bệnh nghề nghiệp là loại bệnh lý do yếu tố độc hại của nghề tác động vào cơ thể qua các khí quan gây bệnh, có trường hợp tích tụ trong thời gian dài sau đó gây bệnh, có trường hợp gây bệnh nhanh chóng. Người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị chu đáo, khám sức khỏe định kỳ, có hồ sơ sức khỏe riêng biệt.
Các loại bệnh nghề nghiệp
Hiện nay, Việt Nam mới có 34 bệnh nghề nghiệp được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm:
Nhóm I: Các bệnh bụi phổi và phế quản (07 bệnh): (1) Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, (2) Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp, (3) Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp, (4) Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp, (5) Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp, (6) Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, (7) Bệnh hen nghề nghiệp.
Nhóm II: Các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp (10 bệnh): (8) Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp, (9) Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng, (10) Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp, (11) Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp, (12) Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp, (13) Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp, (14) Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp, (15) Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp, (16) Bệnh nhiễm độc cacbonmonoxit nghề nghiệp, (17) Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp.
Nhóm III: Các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý (06 bệnh): (18) Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, (19) Bệnh giảm áp nghề nghiệp, (20) Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân, (21) Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ, (22) Bệnh do quang tuyến X và phóng xạ nghề nghiệp, (23) Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp.
Nhóm IV: Các bệnh da nghề nghiệp (05 bệnh): (24) Bệnh nốt dầu nghề nghiệp, (25) Bệnh sạm da nghề nghiệp, (26) Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm, (27) Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài, (28) Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su.
Nhóm V: Các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp (05 bệnh): (29) Bệnh Leptospira nghề nghiệp, (30) Bệnh viêm gan virus B nghề nghiệp, (31) Bệnh lao nghề nghiệp, (32) Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, (33) Bệnh viêm gan virus C nghề nghiệp, (34) Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp.
Những tác hại của bệnh nghề nghiệp
Làm những nơi có nhiệt độ tăng lên cao, có thể phát sinh ra nhiều loại bức xạ tử ngoại hoặc hồng ngoại, làm nóng nhiệt độ không khí hơn nhiệt độ da, cơ thể cảm nhận được gây trạng thái tích nhiệt, có thể làm cho quá trình thoát nhiệt của cơ thể bị ngừng trệ gây say nóng.
Các yếu tố lý hóa trong môi trường như bụi, hơi khí độc gây rất nhiều rối loạn bệnh lý, đứng đầu là các loại bụi vô cơ gây xơ hóa phổi không hồi phục gây tàn phế bộ máy hô hấp. Một số loại bụi hữu cơ như lông súc vật, bông, đay, phấn hoa gây phản ứng dị ứng co thắt khí phế quản.
Trong môi trường lao động có nhiều yếu tố sinh học gây hại như các vi trùng, ký sinh trùng, các loại sinh vật phẩm có tính chất kháng nguyên gây nên viêm nhiễm hoặc phản ứng dị ứng, các nấm hoặc vi trùng có khả năng tồn tại cao ở ngoại cảnh như lao, bạch hầu dễ gây bệnh cho những người công nhân vệ sinh, các thầy thuốc.
Các biện pháp phòng tác hại của bệnh nghề nghiệp
Tuân thủ nội quy về an toàn lao động: với mỗi công việc khác nhau sẽ có các dây chuyền công nghệ và quy trình sản xuất khác nhau, theo đó doanh nghiệp sẽ có những nội quy về an toàn lao động như khoảng cách an toàn, tư thế lao động an toàn,… chỉ cần một động tác bất cẩn không chấp hành nội quy lao động hay quy trình về an toàn lao động có thể phải gánh chịu hậu quả khôn lường đối với sức khỏe bản thân.
Sử dụng đồ bảo hộ lao động đúng cách: đây là những dụng cụ, thiết bị được doanh nghiệp trang bị cho công nhân của mình như quần áo, mũ, kính, giày,… giúp họ đảm bảo an toàn và giảm thiểu những thương tổn có thể xảy ra nếu chẳng may gặp phải các tai nạn lao động. Mỗi một ngành nghề, lĩnh vực sẽ có những thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động khác nhau. Chính vì thế khi được doanh nghiệp cung cấp đồ bảo hộ lao động, công nhân không được chủ quan và phải sử dụng đúng cách những đồ bảo hộ lao động đó khi làm việc.
Xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý: một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp công nhân có sức khỏe tốt và tăng năng suất lao động. Vì thế cần ăn đủ và đúng bữa, bữa ăn cần có đầy đủ chất dinh dưỡng; uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể; giữa các ca làm có thời gian nghỉ thì nên tranh thủ nghỉ ngơi không nên dùng điện thoại chơi game hay lên mạng xã hội sẽ khiến đầu óc căng thẳng hơn.
Tham gia khám sức khỏe định kỳ: các doanh nghiệp ngoài việc trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động cho công nhân thì hàng năm còn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân để giúp họ phát hiện sớm các bất thường về sức khỏe. Chính vì thế công nhân làm việc tại các doanh nghiệp không nên bỏ lỡ các đợt khám sức khỏe định kỳ này.
Vì bệnh nghề nghiệp là loại bệnh có tác hại và hậu quả lớn, có thể rất lâu dài đối với người lao động, con cái của người lao động, cả về phương diện thể chất, tinh thần, kinh tế, đời sống, và trên một phương diện rộng hơn, có ảnh hưởng đối với cả người sử dụng lao động và xã hội. Do đó, người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị chu đáo, khám sức khỏe định kỳ, có hồ sơ sức khỏe nhằm kịp thời phòng tránh, phát hiện, chữa trị.
Xem thêm: Chuẩn bị gì khi nhảy việc?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.